Vụ vỡ nợ chấn động Thái Bình: Hiệu ứng dây chuyền?

Kinh tếThứ Sáu, 26/08/2011 06:53:00 +07:00

(VTC News) - Sau vụ công ty Trường Phong vỡ nợ, những ngày gần đây, dư luận ở TP. Thái Bình lại xôn xao quanh thông tin hiệu vàng Phượng Sơn có liên đới.

(VTC News)  -  Sau vụ công ty Trường Phong vỡ nợ, những ngày gần đây, dư luận ở TP. Thái Bình lại xôn xao quanh thông tin hiệu vàng Phượng Sơn uy tín nhất TP. Thái Bình có thể vỡ nợ theo vì có liên đới cho công ty Trường Phong vay tiền. Thực hư chuyện này ra sao?

Phóng viên suýt bị đâm khi tác nghiệp

Chiều 22/8, tại một quán cafe trên đường Hoàng Diệu, nhóm PV chúng tôi nhận được thông tin hiệu vàng Phượng Sơn (nằm trên đường Lê Lợi, TP. Thái Bình) có thể vỡ nợ vì liên đới cho công ty Trường Phong vay tiền. Hiện có rất nhiều người cho Phượng Sơn vay tiền đang đổ xô đến rút về.

Nhóm PV chúng tôi vội vàng tìm đến hiệu vàng Phượng Sơn xem thực hư ra sao. Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, có rất nhiều người đang tập trung chật kín cả trong lẫn ngoài hiệu vàng uy tín này. Họ đều mang một vẻ căng thẳng, lo lắng và đang chen chúc nhau với hy vọng có thể rút về những đồng tiền mồ hôi công sức tích cóp bao năm hiện đang cho hiệu vàng uy tín  Phượng Sơn vay lãi.

Đang có tin đồn hiệu vàng Phượng Sơn vỡ nợ

Khi PV đang tác nghiệp chụp lại sự náo nhiệt trước cửa hiệu vàng Phượng Sơn thì anh Hải (con rể của chủ hiệu vàng Phượng Sơn, hiện đang là chủ của 2 showroom ô tô và 2 hiệu bán điện thoại lớn ở TP. Thái Bình) cùng một số nhân viên hùng hổ xông ra ngăn cản PV tác nghiệp.

Sau một hồi đôi co, điều đáng nói là khi ngồi làm việc với đại diện hiệu vàng Phượng Sơn, PV được anh Hải “khoe”: “Ban đầu, tôi tưởng anh là người của 1 doanh nghiệp đối thủ đến quấy phá chụp ảnh, tôi đã cùng một số nhân viên ra ngăn cản, trong số những nhân viên đó, có một cậu cầm dao ra định xiên anh đấy, may mà tôi kịp ngăn cản”.

Chưa dừng lại ở đó, anh Hải còn tự hào khoe “anh không biết đâu, cậu thanh niên mang dao đi cùng tôi có kinh nghiệm lắm, từng xiên vài người rồi đó”. Nghe đến đó, PV thấy rợn cả người, suýt chút nữa thì…


“Lãi suất chỉ cao hơn ngân hàng một chút”

Chiều 22/8, tại hiệu vàng Phượng Sơn, PV VTC News có buổi làm việc với đại diện công ty vàng bạc Phượng Sơn. Vừa bắt đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tường, nguyên giám đốc doanh nghiệp Phượng Sơn cho biết, doanh nghiệp của ông không hề dính dánh gì đến công ty Trường Phong. Việc dư luận đồn thổi rằng Phượng Sơn vỡ nợ vì có liên đới với công ty Trường Phong là không đúng. Ông Tường mới chỉ nghe kể về Trường Phong chứ còn chưa biết mặt giám đốc Vũ Văn Phong như thế nào.

Mẫu giấy biên nhận tiền gửi của hiệu vàng Phượng Sơn.  

Chuyện dư luận loan tin như vậy là sai sự thật và có khả năng là do một số đối tượng, doanh nghiệp ghen ghét Phượng Sơn nên cố tình làm như vậy. Cả tuần nay, những người mua vàng của Phượng Sơn đổ xô đến bán vàng rút tiền về (mua vàng của doanh nghiệp nào thì bán cho danh nghiệp ấy, bán cho doanh nghiệp khác sẽ mất giá – PV) gây ra sự khan hiếm tiền mặt của doanh nghiệp. 

Cùng đó, những người gửi tiền tại Phượng Sơn cũng ào ào đến rút tiền khiến Phượng sơn lâm vào tình trạng khốn khó vì bị mất tính thanh khoản, không xoay trở kịp tiền mặt.


Được biết, trong đăng ký kinh doanh mới nhất năm 2008, hiệu vàng Phượng Sơn chỉ đăng ký ngành nghề về kinh doanh, chế tác vàng bạc. Việc Phượng Sơn nhận gửi tiền lấy lãi của người dân là sai vì đăng ký kinh doanh 1 đằng làm 1 nẻo.

Tuy nhiên, đại diện của Phượng Sơn lý giải với PV rằng doanh nghiệp không huy động vốn của người dân, người dân “tin tưởng Phượng Sơn nên mang tiền đến gửi, chúng tôi giữ hộ và trả theo lãi suất ngân hàng”. Khi PV nhiều lần hỏi liệu mức lãi suất có cao hơn ngân hàng không thì vị đại diện này thú thực: “Có cao hơn một chút!”, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì không tiết lộ.

Đại diện của hiệu vàng Phượng Sơn luôn miệng khẳng định việc nhận tiền gửi của người dân là đúng, không sai quy định của pháp luật, sở dĩ thời điểm này doanh nghiệp chưa trả được tiền cho người dân là vì tất cả tiền người dân gửi Phượng Sơn đã đầu tư vào bất động sản. Thời điểm này, bất động sản không thể giao dịch nên Phượng Sơn không đủ tiền mặt để trả cho dân. Vì vậy, Phượng Sơn mong khách hàng cho doanh nghiệp thời gian để bán bớt đi một ít bớt bất động sản, khi đó sẽ đủ khả năng trả tiền cho bà con, không có chuyện Phượng Sơn phá sản.

Để “minh chứng” cho lời nói của mình, doanh nghiệp Phượng Sơn đưa ra một bản danh sách bất động sản với những mảnh đất đắc địa ở thành phố TP. Thái Bình, chỉ có điều, đó chỉ là một mảnh giấy phô tô. Khi PV đề nghị được xem sổ đỏ những mảnh đất này thì được đại diện của Phượng Sơn cho biết: Tất cả bất động sản chúng tôi đã  cầm cố ở ngân hàng, hiện không có sổ đỏ ở nhà (!?)

Danh sách BĐS Phượng Sơn dùng để bảo chứng với người dân. 

Trong danh sách ghi rõ giá tiền 1 m2 của khoảng 20 khu nhà, đất mà hiệu vàng Phượng Sơn mua được trong thời gian qua trên địa bàn TP. Thái Bình, nhẩm tính sơ qua cũng có giá vào khoảng hơn 100 tỷ đồng. Nếu đúng là doanh nghiệp này thế chấp cho ngân hàng thì thấp nhất cũng vay được khoảng 30 tỷ đồng. Vậy không hiểu số tiền thế chấp đó đi đâu hết trong khi người dân đến rút tiền lại không có để trả?

Đây chính là lý do khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc có hay không mối liên hệ giữa Phượng Sơn và Trường Phong? Khả năng tài chính, năng lực thanh khoản của Phương Sơn thực chất bây giờ ra sao vẫn đang là một bí ẩn, cần sự vào cuộc làm rõ của cơ quan chức năng để sớm ổn định tình hình tài chính ở Thái Bình. Bởi vì, trong trường hợp Phượng Sơn phá sản, sẽ có hàng trăm người dân phá sản theo.

LS. Phạm Văn Phất, Văn phòng Luật sư An Phát Phạm:
Dân có quyền tố cáo nếu Phượng Sơn cố tình không trả tiền

Việc người dân gửi tiền tại Phượng Sơn về bản chất là quan hệ vay mượn dân sự, có những cam kết, thỏa thuận rõ ràng. Việc người dân cho tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp vay tiền không thể coi là hình thức vay nặng lãi, phía Phượng Sơn có thể trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng vì đây không phải là một tổ chức tín dụng.
Điều 163 Bộ Luật Hình sự quy định rõ về tội Cho vay nặng lại như sau: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.” Theo đó, việc người  dân cho Phượng Sơn  vay tiền không phải là hình thức bóc lột, không phải cho vay nặng lãi.

Vấn đề đặt ra ở đây là năng lực tài chính, khả năng thanh khoản của Phượng Sơn hiện nay ra sao? Nếu trường hợp doanh nghiệp này phá sản thì người dân sẽ bị phá sản theo. Trong trường hợp Phượng Sơn dùng tiền gửi của người dân cho cá nhân, tổ chức khác vay bây giờ không có khả năng trả nợ, có dấu hiệu cố tình không trả hoặc bỏ trốn thì lãnh đạo của doanh nghiệp này mắc vào tội lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nếu phát hiện những dấu hiệu trên, người dân hoàn toàn có thể trình báo, làm đơn gửi cơ quan công an, đừng để ý đến lời đe dọa “nếu trình báo công an sẽ bị quy vào tội cho vay nặng lãi”. Xin nhắc lại một lần nữa, việc người dân gửi tiền ở Phượng Sơn không phải là vay nặng lãi. 
Bài và ảnh: Dương Tuấn Vĩnh


Bình luận
vtcnews.vn