Tăng thuế VAT lên 12%: 'Người nghèo không bị ảnh hưởng'

Kinh tếThứ Tư, 30/08/2017 15:59:00 +07:00

Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thì người nghèo không bị ảnh hưởng.

Trước thông tin Bộ Tài chính sẽ tăng thuế VAT lên 12%, nhiều ý kiến cho rằng người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng vì nó "đánh" thẳng vào túi tiền của người nghèo, kéo theo đó, là các mặt hàng như rau, thịt... nhu yếu phẩm tăng giá, ông Thi nói: ''Mặt hàng rau, thịt... không chịu thuế VAT, thế nên, dù VAT có tăng lên bao nhiêu thì cũng không ảnh hường gì cả".

IMG_3804

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: "Mặt hàng rau, thịt... không chịu thuế VAT, thế nên, dù VAT có tăng lên bao nhiêu thì người nghèo cũng không ảnh hường gì cả”.

Năm 2014, Tổng cục thống kê đã khảo sát mức sống dân cư Việt Nam, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục.

Nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ.

Dựa trên thống kê này, Bộ Tài chính thấy rằng các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này.

Vì vậy, việc tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp.

Việt Nam quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhưng ở mức thuế suất ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp.

Theo quy định của Luật thuế GTGT thì hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT ở mức thuế suất ưu đãi 5%.

Từ thuế mà Nhà nước thu được sẽ đầu tư ngược lại cho các vấn đề an sinh, xã hội như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.

Video: Tăng thuế VAT lên 12%, vậy khoản thu 60.000 tỷ đồng để làm gì?

Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 49.000đ/tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật,... mức hỗ trợ từ 180.000-720.000đ/tháng...

Ông Thi khẳng định, việc tăng thuế từ 10 lên 12% có tác động nhưng tác động nhưng không lớn.

Về việc tăng thuế GTGT có tác động đến tỷ lệ lạm phát hay không? Ông Thi dẫn giải rằng, việc tăng thuế suất thuế GTGT đối với lạm phát là tương đối hạn chế.

Ông đánh giá, lạm phát của Việt Nam hiện nay và dự báo trong tương lai vẫn ở mức thấp, do vậy năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế.

Ông Thi cho biết thêm, Bộ Tài chính đã có đánh giá tác động đến lạm phát của đề xuất sửa đổi về thuế GTGT, tuy nhiên, hiện giờ chưa thể công bố cụ thể.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn