Sẽ khóa số IMEI để ngăn cướp điện thoại

Kinh tếThứ Sáu, 08/04/2016 10:45:00 +07:00

Nếu các nhà mạng thực hiện việc khóa số IMEI một cách triệt để thì số vụ cướp giật điện thoại tại TP HCM có thể giảm tới 50%.

Nếu các nhà mạng thực hiện việc khóa số IMEI một cách triệt để thì số vụ cướp giật điện thoại tại TP HCM có thể giảm tới 50%.

Sáng ngày 7/4 Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM đã tổ chức họp báo về tình hình hoạt động 3 tháng đầu năm. Tại buổi họp ông Lê Quốc Cường – Phó giám đốc Sở đã dành thời gian trả lời câu hỏi về việc khóa số IMEI.
Các cơ quan liên quan tại TP.HCM đang hoàn thiện các bước để tiến tới khóa số IMEI của những thiết bị điện tử bị mất cắp.
Các cơ quan liên quan tại TP.HCM đang hoàn thiện các bước để tiến tới khóa số IMEI của những thiết bị điện tử bị mất cắp. 

“Việc này khả thi”

Trước đó trong nhiều cuộc họp giữa Công an Thành phố Hồ Chí Minh (CATP), Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc CATP đã nhiều lần đề nghị việc nơi này sẽ cung cấp toàn bộ số IMEI của các thiết bị điện tử bị đánh cắp cho Sở TT&TT để Sở yêu cầu các nhà mạng trên địa bàn ngắt kết nối.

Theo Thiếu tướng Minh, nếu việc này được thực hiện triệt để thì số vụ cướp giật điện thoại tại TP có thể giảm tới 50%.

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này ông Cường cho rằng “chúng ta chưa thực hiện chứ không phải không làm”.

“Hiện chúng tôi đã làm việc với CATP về vấn đề này. Nếu được triển khai thì khi người dân thông báo mất máy công an sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để xác định có đúng máy này là của họ hay không và sẽ gửi cho các nhà mạng số IMEI để các nhà mạng khóa máy” – ông Cường nói.

Cũng theo ông, Sở đã có làm việc với các nhà mạng và họ đều ủng họ giải pháp này trong khi CATP đang triển khai những công việc liên quan đến thủ tục pháp lý. Ông Cường nhận định rằng việc quản lý này là “khả thi”.

“Về mặt pháp lý thì hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông chưa yêu cầu các nhà mạng thực hiện, nhưng chúng tôi thống nhất với CATP sẽ dự thảo một văn bản đưa ra kiến nghị tới Bộ TT&TT và Bộ Công an để đề xuất việc chỉ đạo các nhà mạng phải triển khai” – ông Cường cho biết thêm.

Tuy nhiên ông Cường cho rằng không phải cứ triển khai biện pháp này thì việc mất máy di động sẽ chấm dứt.

“Cũng như một chiếc xe máy khi chúng ta giữ cà-vẹt thì tiêu thụ nguyên chiếc sẽ khó nhưng người ta vẫn có thể tháo rời để bán” – ông cho hay và cho biết để ngăn chặn việc mất trộm, cướp giật điện thoại thì cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó khóa số IMEI chỉ là một giải pháp.

Mở rộng mô hình “chấm điểm” công chức

Cũng trong buổi họp này ông Cường còn thông tin về việc Sở đang tiến hành thử nghiệm trang web đánh giá các dịch vụ hành chính tại địa chỉ: http://danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn
Giao diện trang wed đánh giá. Ảnh chụp màn hình.
Giao diện trang wed đánh giá. Ảnh chụp màn hình. 
Nếu như trước đây người dân chỉ có thể đánh giá tại những nơi có hệ thống “chấm điểm” thì giờ đây họ có thể vào trang web và nhận xét về dịch vụ mà mình vừa thực hiện tại tất cả 24 quận huyện và 20 sở, ban, ngành.

Khi vào trang web người dân có thể chọn từng quận, sở… và lần lượt điền đánh giá vào 6 câu hỏi bắt buộc cùng 6 câu mở rộng. Ngoài ra người dân cũng có thể góp ý thêm về nội dung câu hỏi để cơ quan chức năng xem xét bổ sung. Theo quan sát trang web này được thiết kế trực quan, đơn giản và rất dễ sử dụng.

Người phụ trách hệ thống này cho biết trong thời gian thí điểm nơi này đã nhận khoảng 2.000 đánh giá của người dân, tới đây toàn bộ hoạt động của hệ thống sẽ được tổng kết để báo cáo với UBND TP để xin chủ trương tiếp theo.

Ông Cường cho rằng đây là một trong số những kênh đối thoại được mở ra với mục đích tăng cường sự liên kết giữa chính quyền với người dân, qua đó người dân sẽ thêm quyền giám sát, bày tỏ thái độ của mình để người cán bộ công chức nhìn vào và có những thay đổi tích cực hơn.

Nguồn: ICT News
Bình luận
vtcnews.vn