Ông Hùng Viettel và ông Bình FPT bày mưu 'xuất ngoại'

Kinh tếThứ Hai, 02/01/2017 09:36:00 +07:00

"Thuyền trưởng” hai tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam là Viettel và FPT đã ngồi chung trong buổi toạ đàm của ICT Press Club bàn về chủ đề “bước ra thế giới”, cùng các start-up Việt.

Những ngày khốn khó

Không khí trong phòng dường như thay đổi khi CEO Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng cầm micro. “Các bạn cứ lo lắng liệu người Việt Nam có làm được không? Tôi khẳng định rằng, người Việt Nam cái gì cũng làm được!” – Ông Hùng mở đầu phần trả lời cho câu hỏi “cơ hội nào cho người Việt, doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới?”.

Cũng như ông Hùng, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT khi được hỏi “Việt Nam còn cơ hội đi hơn thế nữa không?” đã thẳng thắn: “Rất nhiều”.

Ac1

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Trương Gia Bình đang là nguồn cảm hứng cho các start-up Việt.

Ông Bình kể: 19 năm trước, vào dịp kỉ niệm 10 năm thành lập, FPT quyết định toàn cầu hóa dù lúc ấy hầu hết lãnh đạo cũng như nhân viên chưa thực sự hiểu toàn cầu hoá tròn méo thế nào. Động lực thôi thúc những “người FPT” vươn ra biển lớn đến từ một vị tham tán đang công tác ở sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Khi ấy theo ông Bình, khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc vừa khởi động. Trong một lần gặp gỡ hiếm hoi, khi biết ông Bình làm về công nghệ thông tin, vị tham tán nói: “Hoà Lạc là để làm phần mềm, FPT nên tiếp cận các công ty phần mềm lớn của Ấn Độ”. Gợi ý của vị chuyên gia người Nhật, tình cờ, cũng đúng với trăn trở bấy lâu của ông Bình là chuyển hướng FPT sang xuất khẩu phần mềm.

v1

 

Nghèo chính là sức mạnh vì từ đó chúng tôi có khát khao lớn hơn và vì nghèo nên khi làm bất cứ việc gì, Viettel cũng cố gắng bỏ ra chi phí thấp nhất - Nguyễn Mạnh Hùng

Không lâu sau đó, ông Bình cùng đoàn FPT sang Ấn Độ, tìm tới “thủ phủ sản xuất phần mềm” Bangalore. Tại đây, những người FPT có cơ hội gặp gỡ ông Narayana Murthy, người được gọi là cha đẻ của ngành IT Ấn Độ như là đồng sáng lập của tập đoàn Infosys nổi tiếng; được sự giúp đỡ “tận chân răng” của Tata, một doanh nghiệp sừng sỏ trong ngành sản xuất phần mềm của Ấn Độ.

Ông Bình thừa nhận, sự giúp đỡ và dẫn dắt của Tata đã góp sức giúp FPT thành công nhanh chóng, trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chính Tata và Infosys.

Câu chuyện về những ngày đầu mới bước chân ra thế giới còn nhiều thử thách và khó khăn cũng được ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Ông Hùng cho biết, vào năm 2006, khi Viettel hạ quyết tâm hành quân ra thế giới “quy mô của Viettel chỉ bằng 30%, doanh thu và lợi nhuận khi ấy bằng 1/40 bây giờ.” Viettel khi đó, xuất phát với mục tiêu ban đầu là học hỏi, sau mới tính mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế và bảo vệ đất nước từ xa.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình “xuất ngoại” Viettel là Campuchia. Giữa lúc các hoạt động kinh doanh ở trong nước của Viettel còn nhiều việc phải làm, việc Viettel lại đầu tư ra nước ngoài khiến không ít người tỏ ra khó hiểu. Ông Hùng, trong áp lực giữa các làn nước, khẳng khái trả lời rằng, Viettel muốn trưởng thành, phải tự đặt ra những thách thức và vượt qua.

Chỉ có ném mình vào lò lửa cạnh trạnh của môi trường quốc tế mới giúp Viettel “nóng đỏ”, hoàn thiện mọi mặt, sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn cầu ngay trên sân nhà ở lĩnh vực viễn thông mà ông Hùng biết, chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai không xa.

 CEO Viettel kể tiếp, thời điểm Viettel đi ra thế giới, vốn liếng cả tập đoàn mới có vài tỷ US

D trong khi ông lớn trong ngành truyền thông là Vodafone đã sở hữu lượng vốn hàng trăm tỷ USD. Chênh lệch, theo ông Hùng là quá lớn.

Nhưng là người ưa sự linh hoạt, ông Hùng ngay lập tức xác định các “điểm mạnh” ngay chính trên “điểm yếu” của mình. “So với các hãng viễn thông đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Nauy… Viettel “nghèo” nhất về mọi phương diện” ông Hùng nói.

Nhưng với ông Hùng “nghèo chính là sức mạnh vì từ đó chúng tôi có khát khao lớn hơn và vì nghèo nên khi làm bất cứ việc gì, Viettel cũng cố gắng bỏ ra chi phí thấp nhất”.

Không chỉ thâm nhập và cắm rễ ở Campuchi, cuối 2009, Viettel mở rộng sang Lào, chính thức tấn công thị trường viễn thông Haiti vào tháng 9/2010 và không bỏ qua các thị trường “ngon ăn” như Mozambique, Peru, Đông Timor…

Phía trước

Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam hoàn toàn có thể đi nhanh và xa hơn nữa trong hành trình hội nhập toàn cầu. Cở sở để ông Bình đưa ra nhận định trên là bởi số doanh nghiệp Việt Nam “xuất ngoại” mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi thị trường toàn cầu đang mở ra những cơ hội cực kỳ ngon ăn. Thêm đó, là những thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạng khoa học 4.0 cùng ưu đãi về chính sách vĩ mô trong nước.

15841823_596873477180487_95294710_n

  Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Chia sẻ với ông Trương Gia Bình về những “cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vươn ra biển lớn” song ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch tập đoàn CMC – lưu ý “sáng tạo và đổi mới” phải là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển.

Ông Chính chia sẻ, từ khi phụ trách mảng xuất khẩu phần mềm của CMC, ông không ngại học hỏi kinh nghiệm trong tất cả vấn đề, từ cung cách khi đàm phán và làm việc với các đối tác quốc tế. CMC giờ đây đã trở lại với mức tăng trưởng thần tốc 200% nhờ những ý tưởng sáng tạo, cùng đội ngũ nhân sự “có tầm và đầy máu lửa”.

Các “điểm yếu” của mình nếu biết khéo léo khai thác cũng có thể trở thành cơ hội. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc khởi nghiệp của các start-up Việt luôn gặp trở ngại bởi gười Việt Nam có hàng loạt điểm yếu.

Nhưng, nếu biết tận dụng, đây có thể trở thành “vũ khí chiến lược” để đánh bại đối thủ sừng sỏ. “Chúng ta hay nói người Việt nước đến chân mới nhảy, nhưng điểm mạnh là khi nước đến chân người Việt nhảy một cách kinh hoàng, các quyết tâm được kích hoạt và có thể làm được những điều không tưởng,” ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong mắt thế giới, người Việt Nam cũng bị coi là nghèo. Tuy nhiên, nhờ nghèo mà chúng ta có khát khao và luôn tìm cách sáng tạo, sản xuất với chi phí thấp nhất.

Ông Hùng kể “bài học lớn” khi Viettel đầu tư sang Haiti, phải đối đầu với đối thủ tên tuổi từ Mỹ. Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia Mỹ thường phải đi chuyến bay chất lượng cao, ở khách sạn sang trọng, ăn uống đầy đủ thì người Viettel đi máy bay giá rẻ, ở 5 người/phòng và ăn mì tôm để tiết kiệm chi phí. Đó là điều khiến người Mỹ không thể cạnh tranh được với Viettel dù ở quốc gia nằm ngay sát sườn họ. Kết quả, đến nay chính những ông lớn viễn thông Mỹ cũng phải thừa nhận thất bại tại thị trường Haiti trước những chính sách linh hoạt của Viettel.

Cuối cùng, theo người đứng đầu Viettel, đừng coi khởi nghiệp là “khai sơn phá thạch” mà hãy bắt đầu từ một “nhu cầu”, có nhu cầu hãy biến nó thành “nỗi đau” và giải quyết nỗi đau đó một cách triệt để.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn