Người dùng Trung Quốc sốt với cua 'hàng hiệu' giá bèo

Kinh tếThứ Hai, 03/09/2012 06:51:00 +07:00

(VTC News) - Người mua hàng Trung Quốc đang phát sốt vì mặt hàng cua lông - đặc sản xếp vào loại sơn hào hải vị được rao bán trên mạng với giá bèo.

(VTC News) - Người mua hàng Trung Quốc đang phát sốt vì mặt hàng cua lông - đặc sản xếp vào loại sơn hào hải vị được rao bán trên mạng với giá bèo.

Sức hút của đặc sản cua lông giá rẻ trên mạng

Với những người tiêu dùng thông thường, đây thực sự là tin vui bởi không phải lúc nào họ cũng đủ điều kiện để thưởng thức loại cua nổi tiếng xuất xứ từ Hồ Dương Trừng thuộc thành phố Tô Châu - tỉnh Giang Tô. Không ít người đã xếp loại cua lông thịt rất mềm và giàu dinh dưỡng này vào hàng sơn hào hải vị Trung Hoa và thưởng thức món ăn chế biến từ cua lông được mô tả là trải nghiệm thay đổi cả cuộc đời.  Mỗi năm có khoảng 2.500 tấn cua lông được thu hoạch từ Hồ Dương Trừng.

Mức giá cao nhất mà loại cua lông hồ Dương Trừng được bán là 680-700 nhân dân tệ/kg (hơn 2,2 triệu - gần 2,3 triệu đồng). Năm ngoái, giá bán lẻ trung bình của 125 g cua lông tại các cửa hiệu theo kiểu truyền thống ở Bắc Kinh là hơn 30 tệ (hơn 98.000 đồng). Nhưng trên các trang bán hàng trực tuyến như Tmall, Yihaodian, 360buy của Trung Quốc, giá cua lông lại thấp đến mức khó tin.

Gong Jinrong, một trong 19 chủ trại nuôi cua ở khu vực Hồ Dương Trừng đã mở gian hàng online, bán 125 g cua lông trên mạng với giá 15 tệ, thấp hơn một nửa so với tại chợ.

Ông Gong cho biết: "Giá của chúng tôi thấp hơn nhiều so với các hiệu bán lẻ kiểu truyền thống, một phần do chi phí chăn nuôi thấp".

Theo tiết lộ của ông Gong, chi phí nuôi mỗi con cua đực nặng khoảng 125g theo thời giá năm nay là 11-12 tệ.

Đặc sản cua lông Hồ Dương Trừng 
Mức giá dễ chịu là yếu tố hấp dẫn nhất khiến khách hàng đặt mua cua lông trên mạng ngày càng nhiều. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến trước 27/8, tổng doanh thu cua lông Hồ Dương Trừng được bán trên trang tmall.com đã đạt hơn 20 triệu nhân dân tệ (hơn 65,5 tỷ đồng). Hiện tại, trên trang bán hàng trực tuyến này có hơn 400 đại lý bán lẻ cua lông.

Phản ứng gay gắt từ Hiệp hội Cua lông Hồ Dương Trừng


Mặc dù những người nuôi cua trực tiếp bán sản phẩm trên mạng như ông Gong Jinrong làm ăn rất phát đạt thời gian qua, họ lại vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Hiệp hội Cua lông Hồ Dương Trừng.

Chủ tịch Hiệp hội, ông Yang Weilong, phát biểu với báo giới: "Một số chủ trại và công ty bán cua với giá thấp hơn cả chi phí chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh thương hiệu cua cao cấp của Hồ Dương Trừng và lợi ích lâu dài của ngành công nghiệp này".

Theo ông Yang, Cua lông Hồ Dương Trừng là một thương hiệu giá trị và cua phải được bán với mức giá cao cho tương xứng. "Hiệp hội của chúng tôi đã chi hàng triệu tệ mỗi năm cho việc xây dựng thương hiệu", ông Yang khẳng định.

Tuy nhiên, ông Gong Jinrong lý giải rằng, ở các kênh bán hàng off-line kiểu truyền thống, các đại lý buôn cua luôn thu lời lớn từ chính người chăn nuôi. Nông dân bán cua với giá rẻ cho đại lý nhưng đại lý bán lại cua với mức giá cao hơn nhiều cho những nhà hàng lớn hay các vị khách giàu có.

"Đó là một nguyên nhân khác khiến giá cua bán trực tiếp trên mạng của chúng tôi luôn rẻ hơn bên ngoài. Những lời phàn nàn mà Hiệp hội nhận được xuất phát từ các đại lý này khi họ phải chia sẻ thị trường màu mỡ với những người bán hàng online như chúng tôi", ông Gong nhấn mạnh.

Cua lông Hồ Dương Trừng được bán với giá rất rẻ trên nhiều trang mạng Trung Quốc. 
Một chủ trại cua khác là Zheng Xiaohua, 28 tuổi, có kinh nghiệm 3 năm bán cua lông Hồ Dương Trừng do chính mình chăn nuôi trên mạng, cũng đồng tình với ý kiến của ông Gong. Do quy mô trang trại quá nhỏ và chưa đủ tiêu chuẩn làm thành viên Hiệp hội nhưng sản phẩm cua lông của anh lại rất có tiếng và được khách hàng trên mạng tín nhiệm.

Zheng chia sẻ: "Hiệp hội chỉ bảo vệ quyền lợi cho những đại lý thu mua lớn - họ luôn mua cua của chúng tôi với giá rẻ và bán lại với giá cắt cổ cho người tiêu dùng. Mặc dù bán cua lông trên mạng với giá rẻ nhưng lợi nhuận tôi thu về còn cao hơn khi bán cho các đại lý. Đó là lý do tại sao nông dân Hồ Dương Trừng thích bán hàng online hơn".

Tuy nhiên, bản thân ông Gong và Zheng cũng phải thừa nhận, ngành kinh doanh của họ đang phải đối mặt với không ít nguy cơ trong năm nay.

Theo Zheng, sản lượng cua lông có thể bị suy giảm do hậu quả từ trận bão gần đây. Giá cua bán trên mạng cũng sẽ tăng theo đà tăng của thực phẩm nuôi cua. Trong khi đó, để nắm giữ thị phần lớn hơn, các nhà bán lẻ không còn lựa chọn nào tốt hơn là cạnh tranh về giá, bất chấp phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Gong cho biết: "Từ khi quảng bá sản phẩm trên mạng và tiến hành bán hàng online, chúng tôi phải nỗ lực hết sức để nâng cao doanh thu đồng thời gây dựng giá trị thương hiệu với người tiêu dùng online. Nếu không, chúng tôi thậm chí sẽ chịu thua lỗ nặng nề".

Chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng giá thấp thường đòi hỏi khả năng tài chính vững vàng. Gong thừa nhận đây đúng là một sự lựa chọn mạo hiểm nhưng rõ ràng vẫn là tốt nhất tính tới thời điểm này.

Ông cũng gợi ý Hiệp hội Cua lông Hồ Dương Trừng nên ban hành một quy định hợp lý về giá để hỗ trợ ngành kinh doanh cua lông đang rất phát đạt trên mạng.

Huyền Trang
(theo GT)
Bình luận
vtcnews.vn