Người dân sắp được mua ô tô giá rẻ: Nhưng đường đâu mà đi?

Kinh tếThứ Tư, 13/09/2017 14:34:00 +07:00

Hạ tầng giao thông của nước ta, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang rất yếu kém, chưa bán ô tô giá thấp thì giao thông hai thành phố này đã quá tải trầm trọng rồi, người người mua được ô tô thì đường đâu mà đi.

Hy vọng nhà nhà đều có ô tô có thể trở thành hiện thực khi Vingroup vừa khởi công dự án nhà máy ô tô VINFAST; đồng thời, Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA) sẽ đưa thuế nhập khẩu ô tô tại khối ASEAN về 0% vào năm 2018.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại: Hạ tầng giao thông của nước ta hiện đang không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Vậy, người dân mua ô tô thì đường đâu mà đi?

Video: Thuế sắp giảm, liệu mua ô tô có rẻ?

PV báo điện tử VTC News đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Thụ (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT) về vấn đề này.

Giao thông Việt Nam đã đi sau lại còn 'tập tễnh'

- Thưa ông, việc Vingroup đầu tư sản xuất ô tô, và đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Asean về 0%, giá xe ô tô trong nước liệu có rẻ hơn và về mức ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới?

Việc Vingroup khởi công dự án nhà máy sản xuất ô tô là điều đáng mừng.

Bởi có thêm nhà máy sản xuất ô tô ở Việt Nam và với việc VINFAST hướng đến thị trường trong nước, mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa 60%, cộng với thuế nhập khẩu ô tô từ Asean về 0% vào năm 2018, thì đương nhiên giá xe bán ra thị trường trong nước sẽ rẻ hơn hiện tại.

Còn rẻ hơn nhiều hay ít thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng hạ tầng giao thông Hà Nội, TP.HCM và cả nước? Hạ tầng hiện nay có đủ đáp ứng nhu cầu giao thông?

Tôi khẳng định, hiện trạng hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP.HCM nói riêng và hạ tầng giao còn nhiều yếu kém, bất cập.

Bởi lẽ, sự phát triển hạ tầng giao thông nói riêng và giao thông vận tải nói chung không theo kịp, không đáp ứng và tương xứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

So với sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải đã phát triển chậm, bước đi chậm, đi sau lại còn đi “tập tễnh”.  

Áp lực giao thông thêm trầm trọng

- Nhiều người lo ngại, giá ô tô giảm, nhiều người có cơ hội mua xe, nhưng hạ tầng như hiện nay, liệu có đủ đường để đáp ứng? Có xảy ra tình trạng khủng hoảng giao thông ở các thành phố lớn? Ông dự đoán thế nào về khả năng này?

Hiện nay, giá ô tô trong nước đang nằm trong “top” cao nhất thế giới mà ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hệ thống giao thông đã và đang khủng hoảng rồi.

o to gia re 12

Tình trạng thường ngày trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Chắc chắn nếu giá ô tô rẻ, việc sở hữu ô tô nằm trong tầm tay của nhiều người dân tại hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này. Vì vậy, áp lực giao thông sẽ tăng lên, hiện nay Hà Nội và TP.HCM đã khủng hoảng thì việc tăng phương tiện chắc chắn sẽ càng thêm trầm trọng.

 
Áp lực giao thông sẽ tăng lên, hiện nay Hà Nội và TP.HCM đã khủng hoảng thì việc tăng phương tiện chắc chắn sẽ càng thêm trầm trọng.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ

Còn về khả năng khủng hoảng giao thông ở mức độ cả nước thì chưa thể xảy ra.

Nó chỉ có thể xảy ra ở các thành phố lớn, nếu chúng ta không kịp phát triển đồng bộ giữa hệ thống giao thông và sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Để giải bài toán thiếu đường, nước ta đã sử dụng hình thức đầu tư BOT, và nó cũng được đánh giá là khả thi với tình hình của đất nước.

Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng, BOT lại mang đến nhiều tiêu cực, hệ lụy gây bức xúc cho người dân. Vậy theo ông, để giải quyết được vấn đề hạ tầng giao thông hiện nay, chúng ta phải có những biện pháp gì?

Phải nói rằng, hình thức đầu tư BOT là khả thi nhất với tình hình của nước ta hiện nay. Phương thức BOT đã giải quyết hiệu quả bài toán thiếu ngân sách nhưng cần phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.

Tuy nhiên, phương thức này khi đưa vào áp dụng tại nước ta thì nảy sinh nhiều tiêu cực. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm, bất cập tại nhiều dự án BOT.

Nhưng, không vì các bất cập, tiêu cực đã xảy ra, gây bức xúc trong xã hội mà ta loại bỏ hình thức đầu tư BOT này. Theo tôi, cần phải: Công khai, minh bạch toàn bộ các dự án và nâng cao chất lượng đấu thầu; Sau khi hoàn thành dự án và có phương án thu phí được nhà đầu tư đồng thuận. Việc thu phí do một cơ quan độc lập của nhà nước đứng ra thu phí để trả cho nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Đức Thuận
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn