Khát vọng từ một làng nghề

Kinh tếThứ Sáu, 02/12/2016 09:00:00 +07:00

Với một khao khát phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng bảo tồn những giá trị truyền thống, doanh nhân trẻ Trần Anh Thuy đã lựa chọn hướng đi tiên phong cho doanh nghiệp của mình.

Mô hình được nói đến là ứng dụng mô hình phát triển làng nghề cổ truyền kết hợp hài hòa cùng công nghệ hiện đại. Làng nghề Phú Lễ - Bến Tre là nơi anh chọn làm điểm khởi đầu cho khát vọng của mình.

- Vì sao anh lại chọn xây dựng sự nghiệp gắn liền với nét quốc hồn quốc túy, truyền thống trăm năm của một ngôi làng Nam Bộ?

Trước khi bắt đầu giấc mơ của mình, tôi đã có hơn 10 năm làm công việc quản lý cho một công ty liên doanh với nhà sản xuất tại Pháp, chuyên nhập khẩu và phân phối các nhãn hiệu đồ uống nổi tiếng trên thế giới.

Tôi cũng đã có những lần được trực tiếp tham quan từng ngôi làng nghề cổ ở Pháp, Nhật, Úc… vẫn đồng bộ làm ra sản phẩm truyền thống theo phương thức thủ công. Có điều, những sản phẩm này được các công ty thu mua, đồng nhất chất lượng theo chuẩn quốc tế trước khi phân phối đến các thị trường trên toàn thế giới.

Những lần ấy khiến tôi nhiều lần trăn trở: Việt Nam cũng có những làng nghề hệt như thế, rồi nền văn minh lúa nước nghìn năm của người Việt đã giúp tạo ra những thức uống mang đậm phong vị quê nhà, vậy mà Việt Nam lại chưa có sản phẩm nào trở thành “quốc hồn quốc túy”, khiến người dân làng nghề tự hào khi giới thiệu với các quốc gia khác.

Tôi cũng được truyền cảm hứng từ tình yêu văn hóa dân tộc của nhiều nhà văn hóa, tôi luôn thấy mình cần có những hành động cụ thể để bảo tồn “nét xưa”, đồng thời đưa những “nét xưa” ấy bắt nhịp với thời đại, hòa quyện cùng thời đại.

26

 Doanh nhân Trần Anh Thuy, Giám đốc Công ty Rượu Phú Lễ, người tiên phong ứng dụng mô hình kết hợp làng nghề truyền thống và nhà máy sản xuất hiện đại tại Việt Nam

- Nhiều người tò mò, anh không phải người làng Phú Lễ, vậy cơ duyên nào khiến anh say mê ngôi làng này và tạo dựng sự nghiệp của mình tại đây?

Năm 2004, tôi tình cờ đến Phú Lễ chơi, gặp gỡ nhiều người dân làng nghề, trong đó có cả các nghệ nhân đã mấy đời gắn bó với nghề truyền thống.

Đứng giữa ngôi đình làng lớn nhất miền Tây Nam Bộ, ngôi đình có một lịch sử rạng rỡ vì được đích thân vua Minh Mạng ra lệnh xây cất và chính vua Tự Đức sau đó sắc phong, tôi không khỏi xúc động đến ngỡ ngàng trước nét cổ kính và giá trị truyền thống ở ngôi làng còn lưu giữ được. Càng xúc động hơn nữa khi tôi được biết: Làng Phú Lễ có một loại mỹ tửu cổ truyền - làm từ nếp mùa Ba Tri trứ danh và bài hồ men bí truyền 36 vị thuốc Nam - Bắc. Đây là loại mỹ tửu duy nhất được chọn dâng vua, để rồi sau đó được vua ban tặng là “ngự tửu”.

Lần đầu nhấp môi thử thứ ngự tửu một thời vua ban, cảm giác đầu tiên là vị cay nồng, dịu ngọt, ấm ấm từ cổ xuống bụng, cứ thế lan đi khắp cơ thể. Ngay khoảnh khắc ấy, trong tôi đã lóe lên câu trả lời cho những trăn trở trước nay. Tôi hiểu rằng mình có duyên với mảnh đất này và làng nghề Phú Lễ sẽ là điểm khởi đầu để tôi thực hiện giấc mơ của mình: Phát triển thương hiệu “quốc tửu” cho Việt Nam.

- Mơ ước là một chuyện, nhưng bắt tay vào thực hiện chắc hẳn không dễ dàng gì và có nhiều chuyện anh không thể đoán trước?

Trên thế giới, đây là nhóm đồ uống được kiểm soát chặt chẽ. Theo số liệu được công bố về ngành này tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200 triệu lít rượu phi thương mại, tức rượu lẻ không tem nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ được tiêu thụ trên thị trường. Trong khi đó, chỉ có khoảng 80 triệu lít loại thức uống này được đóng chai, có tem nhãn kiểm soát từ các công ty.

Đối với quốc gia, đây là vấn nạn lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển kinh tế chính thống. Đồng thời, điều đó cũng phản ánh một thực tế là loại thức uống này chưa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dân vì không mang theo được phong vị truyền thống mà người Việt vốn yêu chuộng, ưa thích.

Thách thức lớn nhất của tôi là tạo ra một sản phẩm chưa ai làm trước đó: Một sản phẩm đúng phong vị truyền thống, vẫn phát triển trên nền tảng thủ công của làng nghề trăm tuổi, nhưng đồng nhất về chất lượng, lại được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng chai theo dây chuyền chuẩn quốc tế, sẵn sàng hội nhập được với thị trường thế giới. 

- Làm một người tiên phong và sẵn lòng chấp nhận thách thức, song thành quả anh nhận được cũng khá ngọt ngào. Bằng cách nào anh làm được điều đó?  

Phải nói, điều may mắn lớn nhất của tôi chính là sự ủng hộ hết lòng của những nghệ nhân làng nghề, quyết tâm giữ cho được phong vị ngự tửu tiến vua xưa của làng.

Mô hình kết hợp giữa làng nghề truyền thống và nhà máy sản xuất hiện đại được thực hiện theo cách tập hợp rượu nguyên liệu từ các nghệ nhân kháp rượu mấy đời trong làng, để đồng nhất về phong vị và chất lượng tại nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại có vốn đầu tư hơn 2 triệu USD, trước khi cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, an toàn và đủ chuẩn để hội nhập quốc tế.

- Tiếp thêm sức sống và mở ra một triển vọng mới cho làng nghề Phú Lễ, anh có khát vọng gì vẫn còn muốn thực hiện với làng nghề?  

Tôi có một khát vọng xa hơn, đó chính là ước mơ đưa mỹ tửu Phú Lễ vươn xa khỏi Việt Nam, trở thành một thương hiệu đủ sức đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt mà bất kỳ du khách nước ngoài nào cũng mong muốn được thưởng thức.

Trên hành trình đó, tôi không hề đơn độc. Bên cạnh sự đồng hành của các nghệ nhân, tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia ẩm thực, nghiên cứu chế biến thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Các nhà khoa học đã giúp Công ty từng bước nghiên cứu, cải tiến “gạn đục khơi trong” cho sản phẩm truyền thống của mình, vừa vẫn giữ được hương vị nguyên bản, vừa đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hướng đến chân thiện mỹ. Quanh tôi, cộng đồng làng nghề, các cộng sự của tôi luôn chung vai sát cánh cùng nhau khơi bản sắc, tỏa tinh hoa rượu Việt.

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ đầy thú vị.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn