DN lo phá sản vì khó tiếp cận vốn vay và lãi suất cao

Kinh tếThứ Năm, 07/04/2011 10:47:00 +07:00

Chi phí đầu vào tăng cao cộng với việc lãi suất cho vay lên tới hơn 20%, thậm chí đến 24%/năm đang khiến cho một loạt các DN lâm vào cảnh khốn đốn.

Chi phí đầu vào tăng cao cộng với việc lãi suất cho vay lên tới hơn 20%, thậm chí đến 24%/năm đang khiến cho một loạt các DN đầu tư, xuất khẩu hàng hóa lâm vào cảnh khốn đốn. Nếu tình trạng này không được nhanh chóng giải quyết thì chỉ cần đến cuối năm 2011 và sang năm 2012 sẽ có nhiều DN khó đứng vững.

 

Mặc dù xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng mạnh tới 33,7% (ước đạt 19,25 tỷ USD), cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhiều mặt hàng tăng mạnh cả về lượng và giá so với cùng kỳ; tuy nhiên, nhiều nỗi lo vẫn còn nặng gánh trên vai các DN.

 

Khát vốn!

 

Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì năm 2011 sẽ ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu nhưng nhiều DN tham gia cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu sáng 5/4 vẫn ‘than’ khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng.

 

 
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho biết, các DN thủy sản hiện đang phải đối mặt với 3 khó khăn lớn: thứ nhất là nguyên liệu năm nay ngay từ tháng đầu năm rất thiếu dự kiến trong năm thiếu rất nhiều; thứ hai là đời sống công nhân lao động thủy sản phần lớn là thủ công nên thu nhập thấp trong khi tất cả các mặt hàng đều tăng giá. Đặc biệt thứ ba là khó khăn về vốn – “đây là mối lo thường xuyên của các DN xuất khẩu thủy sản. Chúng tôi rất khó tiếp cận vốn vay và điều kiện tiếp cận vốn cũng rất khó khăn” – ông Dũng nói – “với mức lãi suất vay lên đến 21%-22% thì ngành thủy sản sẽ không đủ sức vươn ra xa để cạnh tranh được”.

 

"Trong tình hình vốn vay như hiện nay thì những DN thủy sản nào vay được vốn ngân hàng đều xứng đáng phong anh hùng. Để hỗ trợ ngành thủy sản, tôi cho rằng DN nhỏ và vừa nên được miễn thuế thu nhập trong vòng 6 tháng đến một năm" - ông Dũng đề xuất.

 

Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam ông Nguyễn Thái Học cũng phân trần, khó khăn trong quý II của các DN xuất khẩu điều là không có đủ vốn để thu mua nguyên liệu về chế biến và kế hoạch năm nay xuất khẩu nhân điều là 190 triệu tấn, tương đương 1,5 tỷ USD cũng là một đích còn nhiều ‘chông gai’.

 

Ông cho biết, trong quý I/2011, các DN điều mới chỉ tiếp cận được 10% trên tổng nhu cầu hiện nay (25.000 tỷ đồng); trong tháng 2 và 3 các DN đều tận dụng vốn tự co để thu mua, xuất khẩu, nhưng vốn này rất hạn hẹp. Sắp tới, trong quý hai, ngành điều cần 12.000 tỷ đồng nhưng với lãi suất cao như hiện nay, DN chỉ còn biết ngậm ngùi. “Mà nếu không vay ngân hàng thì phải ngừng sản xuất khi đó người lao động, thương hiệu, thị trường sẽ ra sao?” – ông đặt câu hỏi.

 

Vì thế, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị, lãi suất cho lĩnh vực xuất khẩu nên giảm xuống còn 10-15%. Bởi nếu DN đã đói vốn, lãi suất lại cao, thương nhân nước ngoài sẵn sàng thu mua nguyên liệu càng đẩy DN Việt Nam vào tình trạng khó khăn. Ông cũng đề nghị, cho DN thu mua chế biến xuất khẩu được miễn giảm thuế thu nhập DN . DN điều cơ bản rất ít vốn.

 

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ, hiện các DN chế biến gỗ đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất trên dưới 20%, thậm chí đến 24%, chưa kể giá điện, xăng dầu tăng cao thì sản phẩm làm ra không thể bù đắp được chi phí.

 

Khi cung cầu… chưa gặp nhau

 

Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, tiếp cận nguồn vốn dễ hay khó có liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN muốn vay vốn. Các ngân hàng chỉ đảm bảo cho vay khi DN đảm bảo khả năng trả nợ. Có nghĩa là các DN phải chứng minh đảm bảo khả năng tài chính và làm ăn hiệu quả kinh doanh thì mới vay vốn dễ dàng được. Ngược lại các DN làm ăn thua lỗ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

 

Cũng theo bà Hạnh, vốn vay và lãi suất cho vay luôn tập trung cho nông nghiệp - nông thôn, cho DNNVV, công nghiệp phụ trợ và yêu cầu các tổ chức tín dung phải cho vay với khung thấp nhất. Các ngân hàng luôn có sự chỉ đạo đảm bảo vốn vay cho DN, vấn đề là các DN có đủ điều kiện vay hay không. "Thực tế có trường hợp DN kêu ngân hàng quay lưng nhưng khi chúng tôi yêu cầu DN nói về phương án kinh doanh thì họ không trả lời được" - bà Hạnh nói.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng cho biết, riêng khó khăn về vốn và tiếp cận vốn vay và lãi suất, thì các Hiệp hội cần phát huy vai trò làm cầu nối giữa DN với ngân hàng, nhằm bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong hiệp hội. “Tôi lấy thí dụ, việc Hiệp hội lương thực phối hợp với Bộ Công Thương, NHNN cung cấp danh sách các DN có nhu cầu về vốn thu mua lúa gạo xuất khẩu, tạm trữ. Khi NHNN có được danh sách có ý kiến của Bộ Công Thương thì NHNN gửi danh sách đó cho các NH quốc doanh, thương mại. Trên cơ sở đó các NH quốc doanh, thương mại yên tâm cho các DN vay vốn so với các DN không có trong danh sách đó” - Thứ trưởng nói.

 

Thực tế để có thể đạt được mức tăng trưởng trong các quý tiếp theo ngoài các tháo gỡ về thủ tục hành chính, thì ưu đãi về vốn và lãi suất vay là vấn đề đáng lưu tâm. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng khẳng định, vấn đề phải xử lý đó là tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, chi phí đầu vào, cung ứng vốn, điện, đảm bảo điều kiện cần thiết cho DN sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường khu vực.

 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên kỳ vọng giải quyết được tất cả các vấn đề trong bối cảnh phải thực hiện cả 2 nhiệm vụ vừa kiếm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô vừa yêu cầu tăng xuất khẩu giảm nhập siêu. Vì vậy, phải đưa ra các giải pháp khả thi cao hơn và cần điều chỉnh dần dần đồng bộ, chưa thể có tác dụng ngay lập tức. Việc này có làm được hay không không chỉ chờ vào các cơ quan quản lý nhà nước mà các DN, ngành hàng phải phát hiện ra vấn đề và kiến nghị những giải pháp có tính khả thi, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước giải quyết”.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bình luận
vtcnews.vn