"Cắt giảm đầu tư công là cần thiết"

Kinh tếThứ Bảy, 29/10/2011 07:05:00 +07:00

(VTC News) - Việc cắt giảm đầu tư công trong năm 2012 là cần thiết song không nên cắt giảm theo hình thức cào bằng mà nên bố trí vốn đầu tư có trọng điểm.

(VTC News) -  Việc cắt giảm đầu tư công trong năm 2012 là cần thiết song không nên cắt giảm theo hình thức cào bằng mà nên bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Đó là ý kiến của các đại biểu trong buổi thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 ngày 28/10.

Theo ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), đứng trước tình hình nợ công và lạm phát cao của chúng ta thì cần thiết phải điều chỉnh giảm tỷ lệ chi tiêu công, trong khi đó giảm tỷ trọng bố trí đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc trong lâu dài, trong trung hạn việc cắt giảm giảm tỷ lệ đầu tư công cần phải cân nhắc một cách hết sức thận trọng. Bởi vì thực trạng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam của chúng ta hết sức thấp kém. Ở các nước đã được xây dựng hoàn thiện trong vòng hai, ba trăm năm nay. Vì vậy, đầu tư từ ngân sách cho đầu tư chiếm tỷ trọng rất kém.

Thứ hai, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là nhiệm vụ của ngân sách Nhà nước rất lớn, chỉ tính nhu cầu ngân sách để hoàn thiện các dự án công trình đang khởi công, đang trong giai đoạn cần thiết thì đã lớn gấp hai, thậm chí đến ba lần khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Việc đình hoãn giãn, giảm các dự án đầu tư cũng như giảm tỷ lệ đầu tư công sẽ dẫn đến tình trạng các công trình dở dang chuyển tiếp sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Cắt giảm đầu tư công, một trong những giải pháp thắt chặt chính sách tài khóa, nhằm hướng tới mục tiêu giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng vĩ mô.(Ảnh minh họa internet) 
Tiếp lời ĐB Thụ, ĐB Đào Văn Bình (TP Hà Nội) cho rằng, cắt giảm đầu tư công là đúng song không nên cắt giảm theo hình thức cào bằng. Ưu tiên những công trình trọng điểm, những công trình phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn cần phải cân nhắc. Nếu cắt giảm thì càng làm tăng thêm sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Các dự án chuẩn bị đầu tư cần phải để nếu cắt giảm dự án chuẩn bị đầu tư thì đến năm 2013, 2014 khi phát đã giảm thì chúng ta không bắt tay kịp vào triển khai các dự án vì chúng ta chưa chuẩn bị trước. Các hạ tầng giao thông cũng không nên cắt giảm, nếu cắt giảm thì nước ta càng tụt hậu so với thế giới.

Chung quan điểm, ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cũng cho rằng cắt giảm đầu tư công rõ ràng có một nghịch lý. Chúng ta thấy tất cả các đại biểu của các tỉnh đã nghe cử tri luôn luôn phát biểu hiện nay rất nhiều công trình, đặc biệt về hạ tầng, về giáo dục bị ngừng lại, không có đầu tư, trong khi đấy chúng ta lại yêu cầu cắt giảm đầu tư lớn. Vấn đề này rõ ràng là một nghịch lý mà chúng ta cần phải xem xét.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) thì dẫn chứng:  Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho thấy đến tháng 9 năm 2011 tổng vốn ngân sách Nhà nước đã phân bổ 123.029 tỷ đồng cho 20.529 dự án, trong đó bố trí cho 22.176 tỷ đồng cho 5.474 dự án khởi công mới và 100.825 tỷ đồng cho 15.055 dự án chuyển tiếp. Các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thực sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, trong khi đó nhiều dự án chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn được khởi công. Như vậy từ thực trạng trên đây có thể thấy rằng việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, chia cắt, thiếu tập trung. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do nhiều yếu tố nhưng theo tôi nguyên nhân chủ yếu là do hiệu lực điều hành quản lý ngân sách nhà nước chưa nghiêm, kỷ luật tài chính lỏng lẻo và thiếu đồng bộ.

“Từ phân tích trên trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trong việc chi đầu tư phát triển cần khắc phục tình trạng nói trên để bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm”, ĐB Cư nói.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nêu ý kiến rằng, trong chương trình bố trí vốn, đề nghị vấn đề quy hoạch nên ưu tiên số 1 cũng là để cho lòng đường giao thông nông thôn vì chỉ cần một lượng vốn của Nhà nước sẽ huy động nội lực rất lớn trong nhân dân.  Còn ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) thì cho rằng nên  “ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án công trình giao thông thủy lợi cấp bách và những dự án công trình có thể hoàn thành năm 2012. Tôi đề nghị quan tâm vùng kinh tế động lực và ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm vì đây là vùng có thể thu ngân sách lớn”.

Cắt giảm đầu tư công không phân biệt "giàu - nghèo"

Đáp lời lại các ý kiến của một số ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra một số ý kiến nhằm thống nhất về nhận thức và đánh giá chung.

Theo Bộ trưởng Vinh, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã tạo ra được hiệu quả rất rõ rệt như nhiều đại biểu đã phát biểu, có thể nói cho đến hết tháng 10 này thì tình hình về mặt kinh tế vĩ mô đang từng bước đi dần vào ổn định bằng một loạt các chỉ tiêu như chỉ số lạm phát (CPI) tháng 10 đã giảm chỉ còn 0,36%, đây là mức thấp nhất trong 10 tháng vừa qua, đây là điều kiện thuận lợi để có thể giữ lạm phát ở mức 18% theo dự báo của Chính phủ.

Bộ trưởng Vinh khẳng định: Khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 11 thì các đại biểu phải thấy rằng dùng từ "cắt giảm đầu tư công" nhưng trong thực tế Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành và các địa phương về trung ương. Đây là điểm mà có thể nhiều vị đại biểu Quốc hội chưa xem xét kỹ. Thực tế đến phút này Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng nào về kế hoạch đã bố trí bằng số lượng cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương.

Từ "cắt giảm" chỉ dùng ở những chỗ như trong Nghị quyết 11 nêu 4 vấn đề:

Thứ nhất là không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư đã cấp cho năm 2010, như những năm trước thì cho kéo dài thực hiện trong 6 tháng, thậm chí nhiều hơn của năm sau là năm 2011. Lần này Thủ tướng Chính phủ không muốn tăng thêm đầu tư này thì không cho phép kéo dài và như vậy kết thúc năm 2010 là cắt giảm toàn bộ việc này, riêng khoản này giảm 5.000 tỷ đồng.

Thứ hai là không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước, riêng các khoản này đã khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Nếu bình thường không có Nghị quyết 11 thì số lượng vốn như vậy, thậm chí hơn nữa sẽ được ứng ra để thực hiện cho năm 2012 và con số này cũng không được đưa vào thực hiện trong năm 2012, đó cũng là cắt giảm.

Thứ ba là không cho phép khởi công mới các công trình, phải nói đây cũng là điểm gây khó khăn cho các địa phương và các bộ, ngành. Tư tưởng của Nghị quyết 11 là tập trung hơn, rà soát, sắp xếp lại các dự án để chúng ta trước đây là vốn ít nhưng bố trí rất nhiều dự án nên kéo dài, không dự án nào hoàn thành, thay vì như vậy đưa một bước là tập trung hơn nên Chính phủ yêu cầu là không khởi công mới, tránh tiếp tục dàn trải.

Thứ tư, vốn đã bố trí cho dự án, các địa phương, các Bộ ngành soát xét lại các dự án theo tính cấp thiết để dồn cho những dự án có thể hoàn thành trong năm 2011, đó là ưu tiên số 1 của Nghị quyết 11. Như vậy, chủ yếu là sắp xếp lại để tập trung hơn, hiệu quả hơn, còn việc cắt giảm thu về Trung ương thì không có chuyện đó.

Trong tổng số cắt giảm theo nghĩa không cho phát hành, thực hiện đến hết tháng 9, chúng ta đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng, trong đó giảm theo kiểu không được đưa ra khoảng 3.000 tỷ đồng ở việc không cho ứng trước, không cho kéo dài, giảm bố trí trái phiếu Chính phủ khoảng 15.000 tỷ đồng so với năm 2010. Các tổng công ty Nhà nước, các tập đoàn Nhà nước cắt giảm không đầu tư theo kế hoạch là 39.212 tỷ đồng, hai khoản này trên 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra chúng ta cắt giảm tín dụng đầu tư là cắt hẳn không phát hành nữa là 3.000 tỷ, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 28.000 tỷ, cắt hẳn 10% là cắt 3.000 tỷ, chỉ còn 25.000 tỷ. Về cơ bản đã thực hiện rất nghiêm việc này nhưng cắt giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Trong Nghị quyết 11 yêu cầu cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ tài chính ra lệnh lập tức tất cả các Bộ, ngành, địa phương cắt luôn trên phần chi cho địa phương và cho các Bộ ngành 10%, tổng số khoảng 3.800 tỷ. Riêng các đầu tư công chúng ta đều biết rất khó khăn, rất phức tạp, vấn đề này rất chia sẻ cho các địa phương, các Bộ, ngành.

Về những dự án được ra kế hoạch năm 2011 trong tháng 12 năm 2010 của các địa phương phải tạm dừng Bộ trưởng Vinh chia sẻ rằng đây là một vấn đề khó khăn đối với các địa phương song “đây là biện pháp bắt buộc để chúng ta kiềm chế lạm phát, cho nên cũng nhận được sự đồng tình, đồng thuận cao của các địa phương, các bộ, ngành”.

Bộ trưởng Vinh cũng thẳng thắn: Bức xúc mà chúng tôi theo dõi trên công luận, cũng như các đại biểu phát biểu ở các địa phương chính là hai vấn đề: Vấn đề thứ nhất, đó là các công trình của Bộ giao thông quản lý thì Chính phủ không cắt một đồng nào của Bộ giao thông cả, vẫn để nguyên kế hoạch năm 2011. Nhưng vì Bộ giao thông hàng năm đều thiếu vốn, cho nên năm nào cũng phải dùng vốn ứng trước của năm sau để đầu tư cho năm kế hoạch.

Thí dụ năm 2012 này thì Bộ giao thông muốn ứng khoảng 3.700 tỷ nữa để đầu tư tiếp của năm 2012 nhưng vì Nghị quyết 11 không cho ứng, cho nên Bộ giao thông, một là anh ta làm hai việc: Bộ giao thông làm rất nghiêm túc việc sắp xếp 2011 nghĩa là những dự án nào dàn trải thì số vốn được bố trí 2011 Bộ giao thông dồn lại để bố trí hoàn thành một số công trình, trong năm 2011 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Vinh thì vấn đề gây bức xúc là do chưa thực sự hiểu rõ vấn đề tồn tại của ngành giao thông nằm ở chỗ, một số dự án ở các địa phương trên phạm vi toàn quốc là không còn vốn để đầu tư vì quyết định của Bộ trưởng Bộ giao thông dồn lại không đầu tư nữa mà tập trung hơn theo đúng là đúng hướng chỉ đạo của Chính phủ là bố trí vào để hoàn thành ngay trong năm 2011.

Ngoài ra, không được ứng vốn của năm 2012, cho nên hàng loạt dự án của Bộ giao thông cũng không có tiền đầu tư tiếp, chứ không phải Chính phủ cắt giảm đã bố trí kế hoạch năm 2011 mà vì Nghị quyết 11 cắt về Trung ương.

“Thực sự hoàn toàn không có một đồng nào, không có một cắt giảm nào cả. Có một số công trình mà các địa phương thấy thuộc diện không được khởi công mới nhưng bức xúc, nó rất ít”, Bộ trưởng Vinh trần tình.

Bộ trưởng Vinh cho biết thêm: Như trong báo cáo có khoảng hơn 500 danh mục muốn khởi công mới, các đồng chí chờ đợi và đến phút này đề nghị lên Chính phủ có cho phép khởi công không. Nhưng vì đại cục thì Chính phủ thảo luận thấy rằng không cho phép khởi công nữa, chỉ cho phép mở rộng một số công trình như Nghị quyết 11 đã nêu là thiên tai cấp bách lũ lụt, vốn ODA và sau đó Nghị quyết 83 tháng 5/2011 bổ sung thêm là cầu yếu, cấp bách về quốc phòng, an ninh và vừa rồi thì bổ sung thêm là nông thôn mới. Những dự án này sẽ được thông báo để khởi công mới, còn lại là không được khởi công mới. Chính vì cái này cho nên nó đã góp phần làm cho bố trí nguồn vốn đầu tư giảm rất mạnh. Năm nay theo chúng tôi dự báo chỉ đạt khoảng 34% so với GDP đầu tư xã hội mà bình quân của năm 2009 và đến 2010 là 42% mà bây giờ giảm còn 34% thì để thấy chúng ta đã giảm rất nhiều.

Trước những ý kiến về việc “ưu ái” vốn cho các dự án của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngành giao thông vận tải trước đây cơ chế phân bổ kế hoạch hàng năm những năm sau ứng vốn của năm trước. Vì vậy, ngành giao thông vận tải năm nay từ tháng 4 đã hết tiền, chủ yếu là sử dụng vốn ứng mà năm 2011 không có ứng nên ngành giao thông vận tải không còn tiền để đầu tư. Do đó mong các địa phương hết sức thông cảm và chia sẻ, chúng ta phải thực hiện mục tiêu chung của đất nước là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Vì vậy, không thể vì một cục bộ của ngành giao thông vận tải mà chúng ta lại không thực hiện Nghị quyết 11. Do đó mà đã thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 11 thì không có ứng vốn cho năm 2012 và như vậy thì phải chấp nhận là một số các dự án của các địa phương, các dự án của Trung ương phải dừng, giãn và phải chấp nhận một sự dở dang.

“Do đó chúng tôi rất mong các địa phương chia sẻ, nhân dân chia sẻ là vì mục tiêu chung của đất nước như vậy, chúng tôi cũng đang cố gắng tìm mọi giải pháp cùng bàn với các địa phương có giải pháp để khắc phục làm sao vừa thực hiện được Nghị quyết 11, nhưng đồng thời cũng giải pháp đảm bảo được giao thông cho người dân”, Bộ trưởng Thăng giãi bày.

Hiếu Anh - Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn