Bí thư Đinh La Thăng: 'Nhà xã hội 15 triệu mỗi m2 sao công nhân mua nổi'

Kinh tếThứ Sáu, 10/02/2017 20:28:00 +07:00

Bí thư Thành ủy TP HCM thốt lên khi nghe Sở Xây dựng báo giá nhà xã hội 15 triệu đồng mỗi m2, ông yêu cầu "làm mọi cách" giảm để người thu nhập thấp có thể mua.

Làm việc với Liên đoàn Lao động TP HCM chiều 10/2, nghe Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Hùng báo cáo giá bán nhà xã hội tùy địa bàn, từng dự án nhưng trung bình không quá 15 triệu đồng mỗi m2, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng thốt lên: "15 triệu đồng thì bằng với nhà ở thương mại còn gì? Cao như thế công nhân tiền đâu mà mua?"

Theo ông Thăng, để giá nhà xã hội thấp không nên bắt một doanh nghiệp phải chịu mà phải tổ chức hệ thống doanh nghiệp xây dựng, cung cấp vật liệu, sắp thép… mỗi nơi bớt một ít. "Nếu làm được điều này thì giá nhà chừng 4-5 triệu đồng mỗi m2 và người có thu nhập thấp mới có thể mua được", ông nói.

Người đứng đầu Thành ủy cho biết, thành phố xem nhà 100 triệu đồng ở Bình Dương là để học hỏi, chứ không thể áp dụng bởi 2 nơi có hoàn cảnh, điều kiện đất đai, kinh tế khác nhau.

"Tuy nhiên, nếu quyết tâm thành phố vẫn có thể xây được nhà cho người thu nhập thấp. Hiện, nguồn vốn trong dân rất nhiều và cần có chính sách để doanh nghiệp, người dân đầu tư", ông Thăng nói.

ong-dinh-la-thang-nha-xa-hoi-15-trieu-moi-m2-sao-cong-nhan-mua-noi

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc chiều nay. Ảnh: T.H. 

Ông Đinh La Thăng gợi ý, TP HCM đang có rất nhiều dự án nhà thương mại bị ế nên cần phối hợp với chủ đầu tư giảm giá, hỗ trợ cho người lao động mua nhà. Điều này nếu làm được sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, người lao động có nhà và góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

"Phải làm sao nhà xã hội phải có giá 5-6 triệu đồng mỗi m2, Nhà nước sẽ lo mọi thứ, đặc biệt là nguồn đất sạch, doanh nghiệp chỉ bỏ tiền xây. Phải kết nối nhiều doanh nghiệp, mỗi anh giảm một tí để giá nhà thấp nhất", ông Thăng đề nghị.

Trước đó, báo cáo với đoàn làm việc của Bí thư Thành ủy TP HCM, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Hùng cho hay, đến năm 2020 thành phố có khoảng 70.000 căn hộ, bao gồm cả nhà xã hội và nhà cho công nhân. "Nhu cầu rất lớn, hơn 280.000 căn nhưng thành phố chỉ đáp ứng được chừng đó", ông Hùng nói.

Bí thư Thành ủy TP HCM nói rằng, theo quy định, các dự án trên 10 ha trở lên phải dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội.

"Vậy bây giờ diện tích đất đó ở đâu, quỹ đất đó bao nhiêu? Tôi nghe báo cáo chứ chưa kiểm tra, là trong dự án chỗ nào ngon thì làm nhà ở thương mại, chỗ nào xương xẩu để dành quỹ đất cho nhà xã hội, cuối cùng không triển khai được", ông Thăng đặt vấn đề.

Ônh Hùng thừa nhận có tình trạng lấy đất dành cho công viên, cây xanh để làm dự án, còn số không giải tỏa được chuyển cho công trình công viên, cây xanh. "Sở sẽ kiểm tra dự án mà chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết xây dựng công trình tiện ích như công viên, trường học, cây xanh", ông Hùng nói.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Trần Kim Yến cho biết cơ quan này đang quản lý hơn 19.200 Công đoàn cơ sở và hơn 2,7 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động. Năm 2016, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 311.000 lượt lao động, trong đó có hơn 130.100 việc làm mới.

Theo bà Yến, trong năm 2016 đã gần 3.500 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công trình sản phẩm mới do công nhân, viên chức lao động thực hiện, mang lại giá trị gần 200  tỷ đồng, tiết kiệm hơn 350 tỷ đồng.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn