Bất ngờ nóng hầm hập, ông lớn ngân hàng, địa ốc thu tỷ USD ngày cuối tuần

Kinh tếThứ Sáu, 22/04/2016 06:14:00 +07:00

Bất ngờ nóng hầm hập, những ông lớn ngân hàng và địa ốc như Vietcombank, Vingroup thu hàng tỷ USD chỉ trong ngày cuối tuần.

(VTC News) – Bất ngờ nóng hầm hập, những ông lớn ngân hàng và địa ốc như Vietcombank, Vingroup thu hàng tỷ USD chỉ trong ngày cuối tuần.

22/4 là phiên giao dịch đáng nhớ của thị trường chứng khoán. Sau nhiều tháng giằng co mà không chinh phục nổi mốc 580 điểm, VN-Index bất ngờ nóng hầm hập và dễ dàng tiến sát mốc 600 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần.

Những ông lớn ngân hàng, địa ốc chính là đầu tàu giúp VN-Index vượt mốc quan trọng 580 điểm. Trong đó, những cái tên đáng chú ý nhất chính là BID (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV), VBC (Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank) và VIC  (Tập đoàn Vingroup).

BID là cổ phiếu gây ấn tượng nhất. Đầu phiên, BID giảm nhẹ nhưng bất ngờ tăng trần sau giờ mở cửa không lâu. Chốt phiên 22/4, BID tăng 1.100 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP. Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào BID.

Đà bứt phá của BID giúp vốn hóa thị trường BIDV tăng 3.761 tỷ đồng lên 58.118 tỷ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch.
Ông lớn ngân hàng, địa ốc ‘dậy sóng’, thu tỷ USD 1 ngày
Ông lớn ngân hàng, địa ốc ‘dậy sóng’, thu tỷ USD 1 ngày
Không dừng trong sắc tím nhưng VCB cũng suýt tăng trần. Chốt phiên, VCB dừng ở mức 45.700 đồng/CP sau khi tăng 2.800 đồng/CP. Khối ngoại cũng đang gom mua VCB. Có vẻ như nhà đầu tư nước ngoài đang nhòm ngó tới cổ phiếu ngân hàng.

Hôm nay, vốn hóa thị trường của Vietcombank tăng 7.462 tỷ đồng lên 121.791 tỷ đồng. Vietcombank đang là ngân hàng có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.

Trong phiên, có thời điểm tăng trần như cổ phiếu CTG của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) hạ nhiệt cuối phiên. Dù hạ nhiệt, CTG vẫn tăng mạnh. Đóng cửa phiên, CTG tăng 800 đồng/CP lên 16.800 đồng/CP, chỉ thấp hơn mức giá trần 300 đồng/CP. CTG giúp vốn hóa thị trường Vietinbank có thêm 2.979 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực bất động sản, không có cổ phiếu đại gia nào tăng trần nhưng sức mạnh của VIC là không thể phủ nhận được. Cùng với nhóm ông lớn ngân hàng, VIC góp phần không nhỏ đưa chỉ số VN-Index tìm được đích mới.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/4, VIC tăng 3.000 đồng/CP và dừng ở mức 54.500 đồng/CP. Trước đó, có thời điểm VIC tăng trần lên 55.000 đồng/CP. VIC mang về 5.820 tỷ đồng vốn hóa thị trường cho Vingroup.

VIC đang rất được nhà đầu tư quan tâm khi VIC công bố nhiều chỉ tiêu kinh doanh lạc quan trong Đại hội đồng cổ đông được tổ chức trong sáng nay. Theo đó, doanh số bất động sản thực tế năm 2015 của Tập đoàn đạt kỷ lục 70.000 tỷ, gấp hơn 3 lần số hạch toán. Quý 1/2016, công ty mẹ ước lãi 1.100 tỷ đồng.

VNM tăng chậm hơn nhưng cũng có thêm 3.000 đồng/CP và đóng cửa ở mức 140.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Vinamilk đạt mức 168.093 tỷ đông sau khi tăng 3.602 tỷ đồng. VNM được nhaf đầu từ quan tâm khi Vinamilk báo lãi trước thuế quý 1 hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gần 38%.

Như vậy, vốn hóa thị trường của Vinamilk và các ông lớn ngân hàng, địa ốc tăng 22.622 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) chỉ trong 1 phiên.

Không thuộc lĩnh vực nóng như ngân hàng hay bất động sản nhưng VNM (Tổng công ty sữa Việt Nam), PNJ (Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), AMD (Công ty cổ phần Đầu tư AMD Group) cũng có “màn trình diễn” khá ấn tượng.

Trong phần lớn thời gian giao dịch, PNJ thường xuyên được mua bán ở mức giá trần. Chốt phiên, PNJ vẫn tăng 3.500 đồng/CP lên 56.000 đồng/CP. Nhờ PNJ, đại gia vàng bạc cộng thêm 344 tỷ  đồng vào vốn hóa thị trường.
Cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư AMD Group (AMD) cũng có “màn trình diễn” khá ấn tượng phiên cuối tuần

Cổ phiếu AMD cũng có nhiều bứt phá. AMD tăng 700 đồng/CP lên 12.500 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần 100 đồng/CP. Giống như VNM và VIC, cổ phiếu AMD hút giới đầu tư khi AMD Group công bố báo cáo tài chính quý 1/2016 với lợi nhuận tăng đột biến.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ tăng trưởng 130,5% đạt 301,4 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng mạnh 146,5% đạt 29,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 12,1 tỷ đồng, tăng 164%.

Theo AMD Group, sự tăng trưởng của lợi nhuận quý 1/2016 đến từ các hoạt động thương mại, nhập khẩu và phân phối máy móc, thiết bị và hoạt động kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, công ty đã thực hiện tái cấu trúc lại hệ thống bán hàng nên chi phí bán hàng giảm mạnh.

Được biết ngày 8/4/2016 AMD Group đã ra mắt thương hiệu điều hòa không khí số 1 Thái Lan Saijo Denki do công ty nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Các sản phẩm đá ốp lát của công ty theo kế hoạch sẽ có mặt trên thị trường vào cuối quý II.


Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn