Áp sàn giá vé máy bay: Thời kỳ 'đi ngược' của hàng không Mỹ

Kinh tếThứ Ba, 04/04/2017 09:36:00 +07:00

Từ năm 1938 đến 1978, các hãng hàng không Mỹ bị áp sàn giá vé, dẫn tới việc thị trường hàng không nước này bị kìm hãm và phát sinh cạnh tranh không lành mạnh.

Năm 1938, trước sự bùng nổ của ngành hàng không với sự ra mắt của nhiều máy bay phản lực có khả năng chở số lượng lớn hành khách, CAB đã áp quy định về giá vé. Trong đó, hàng không Mỹ áp sàn giá vé máy bay.  

Không có khả năng đi máy bay vì giá cao

Theo giáo sư Alex Tabarrok của Đại học George Mason (Virginia, Mỹ), việc Cục hàng không dân dụng Mỹ (CAB) áp quy định về mức giá sàn đã khiến thị trường hàng không nước này bị kìm hãm, nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh và lãng phí trong vận hành của các hãng hàng không.

Ap san ve may bay: Thoi ky 'di nguoc' cua hang khong My hinh anh 1

Áp sàn giá vé đã khiến nhiều hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Mỹ tàn lụi trong giai đoạn 1938-1978. Mới đây, tại Việt Nam, một hãng hàng không giá rẻ Jetstar lại đề xuất áp giá sàn. (Ảnh minh họa)

Giáo sư Tabarrok cho rằng quy định này không chỉ khiến các hãng hàng không giá rẻ không thể cạnh tranh trên thị trường mà còn gây ra sự lãng phí do các hãng buộc phải cạnh tranh về chất lượng. 

Ông phân tích cuộc chạy đua về chất lượng dịch vụ nghe có vẻ rất tích cực, tuy nhiên lại trở nên vô cùng lãng phí khi khách hàng phải trả thêm tiền cho những dịch vụ không cần thiết. Trong khi đó, các hãng hàng không lãng phí nguồn lực để chạy đua giành khách hàng.

Với việc áp sàn giá vé, các hãng hàng không chắc chắn có một lượng lợi nhuận nhất định. Mục tiêu của các hãng hàng không thời bấy giờ là lôi kéo nhiều khách hàng bằng những dịch vụ xa xỉ như nội thất máy bay đẹp mắt, đồ ăn hảo hạng.

Hệ quả là trước năm 1978, hơn 80% dân số Mỹ không có khả năng chi trả cho dịch vụ hàng không và chưa bao giờ đặt chân lên máy bay theo số liệu của Airlines for America.

Cái chết của các hãng giá rẻ

Không chỉ gây lãng phí, việc áp giá vé của CAB còn giết chết các hãng hàng không giá rẻ của Mỹ trong giai đoạn 1938-1978 do không thể sử dụng ưu thế cạnh tranh về giá.

Trước khi CAB áp sàn giá vé, nước Mỹ có 16 hãng hàng không. Đến năm 1978, con số này chỉ còn 10 hãng dù nhu cầu thành lập hãng hàng không mới là rất cao. Có tới 79 đơn vị muốn thành lập hãng hàng không nhưng không được chấp thuận do những yêu cầu về sàn giá vé cũng như đòi hỏi về chất lượng dịch vụ tối thiểu quá cao.

Ap san ve may bay: Thoi ky 'di nguoc' cua hang khong My hinh anh 2

Giá vé máy bay Mỹ giảm nhanh chóng sau năm 1978, tạo điều kiện cho nhiều người dân Mỹ tiếp cận với dịch vụ hàng không. (Đồ họa: Carpe Diem Blog)

Năm 1978, quy định về sàn giá vé máy bay được tháo bỏ, thị trường hàng không Mỹ bùng nổ trở lại.

Việc CAB áp giá sàn vé máy bay vào năm 1938 đến nay vẫn được sử dụng như một ví dụ điển hình về tác động của việc áp giá sàn một mặt hàng đến thị trường.

Tại Việt Nam, mới đây, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đã đưa ra kiến nghị với Cục Hàng không xem xét việc áp giá sàn vé máy bay bởi thị trường đang phát triển quá nóng. Hãng cho rằng đây là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế khi chính phủ Indonesia cũng quy định giá sàn (bằng 40% giá trần) đề phòng ngừa nguy cơ cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành.

Ông Bayu Sutanto, Chủ tịch hiệp hội các hãng hàng không quốc gia Indonesia, cho rằng chỉ tính chi phí nhiên liệu của một chuyến bay đã chiếm 45% chi phí vận hành, việc giá vé được bán dưới 40% giá trần là việc bất khả thi, không thực tế.

Tuy nhiên, một hãng hàng không giá rẻ khác là Vietjet Air khẳng định hiện trên thế giới không còn nước nào quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hàng không và việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của 80 triệu dân đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam.

Video: Cân hành khách béo để xếp chỗ, hãng hàng không bị kiện

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn