Kinh ngạc với cánh rừng pơ-mu ngàn tuổi

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 30/01/2014 03:00:00 +07:00

Với một khu vực chừng 50m2 nhưng có đến 5 cây pơ mu ôm chặt vào nhau phóng lên cao vút.

Pơ mu, một loại lâm sản quý giá nên trở thành miếng mồi ngon để lâm tặc đốn hạ, cũng vì thế nhiều cánh rừng ở nước ta pơ mu đã gần như bị hủy diệt. Nhưng ở huyện miền núi nghèo Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống đã giữ được cánh rừng pơ mu nghìn năm tuổi nguyên vẹn.

Của hiếm sót lại

Quả đúng là rất lạ, bởi những cánh rừng nguyên sinh ở huyện miền núi Tây Giang đã có bàn tay con người xâm phạm đến, do đó cây cổ thụ sót lại rất hiếm. Thế nhưng ở ngọn núi có tên là Zi’lieng, thuộc xã Axan, ngọn núi thiêng cao ngất của người Cơ Tu là nơi trú ngụ của pơ mu.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hạt kiểm lâm Tây Giang, nơi đây có hơn 1.000 cây pơ mu đường kính từ 0,30m - 2,5m, với trữ lượng gỗ lên đến gần 7.000 m3, chưa kể số cây ngã đổ và số cây có đường kính dưới 0,25m. Pơ mu phân bố chủ yếu ở địa bàn xã Axan thuộc tiểu khu 94, tiểu khu 97 và khu vực thôn Ariêu, xã Tr’hy, ở tiểu khu 101. Tổng diện tích thống kê sơ bộ có khoảng 300 ha pơ mu, độ cao phân bố tập trung 900 m trở lên.


Trên đường đi dễ dàng bắt gặp những cây pơ mu cổ thụ

Đi từ TP Đà Nẵng gần 200km, chúng tôi có mặt tại nơi đây. Mùa đông, miền biên viễn chào đón bằng những đợt mưa kéo dài nhưng với mong muốn chiêm ngưỡng cánh rừng pơ mu, người dân bản địa khuyên chúng tôi chờ nắng lên. Có người còn bảo, trời này lên đó có mà điên ạ! Phần thì khó đi, phần sên dính đầy người hút máu…

Đành vậy, chúng tôi ở lại xã Tr’hy 3 hôm, khi mặt trời tảo nắng, cũng là lúc con đường vào Axan không còn ngập bùn đất, tại đây một số người dân tiên phong dẫn vào rừng để khám phá. Từ trung tâm xã Axan vào thôn Gari’l khoảng 4 km, ông Hồ Đớh, thôn Gari’l, trước đây nguyên là một tay lâm tặc nhưng nay đã giải nghệ nhận lời dẫn đường.

Tôi hỏi ông Đớh: Đi vào rừng có xa không? Ông bảo: Người Cơ Tu không tính được quãng đường bằng km, họ tính theo thời gian. Từ đây phải cuốc bộ mất 2 giờ đồng hồ nữa.

Vượt những con dốc cao, thác ghềnh chúng tôi tiếp giáp được rừng pơ mu. Dưới tán rừng ấy, lớp mùn dày 20 - 30cm. Cả cánh rừng sương mù bao phủ chẳng khác gì một Sa Pa thu nhỏ. Những cây pơ mu xuất hiện với thân thẳng đứng cao vút, có cây 5 người ôm không xuể… Cây nào, cây nấy xù xì, vỏ đầy rêu xanh, cao lừng lững chọc trời.


Những cây pơ mu 5 người ôm không xuể

“Lạ lắm chú ạ! Hình như thiên nhiên đã ban tặng cho khu vực này thôi. Cả cánh rừng chỉ có pơ mu không có loại cây nào khác nữa. Với một khu vực chừng 50m2 nhưng có đến 5 cây pơ mu ôm chặt vào nhau phóng lên cao vút. Cây này nối tiếp cây kia phủ kín khắp cánh rừng”, ông Đớh nói.

Để gìn giữ rừng pơ mu, chính quyền huyện Tây Giang đã cử hai đoàn công tác vào rừng để đi kiểm tra đo đếm số lượng, trữ lượng và khoanh vùng nhằm bảo vệ. Hiện tại, tất cả các cây có đường kính 0,30m đều được kiểm tra, đánh số hiệu. Hạt kiểm lâm huyện cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân góp sức gìn giữ, bảo vệ cánh rừng này.



Đánh số thứ tự bảo vệ pơ mu

Cộng đồng bảo vệ

Pơ Mu thuộc nhóm 2A quý hiếm, lại có nhiều đặc tính như đường vân rất đẹp, có mùi thơm, không bị mối mọt nên gỗ pơ mu là một trong những đối tượng săn lùng của dân buôn gỗ lậu. Như tại Tây Giang pơ mu có 15 - 20 triệu đồng/m3. Nhưng lạ thay bao đời nay người Cơ Tu vẫn giữ được cánh rừng đến ngày hôm nay?

Chẳng phải nói gì nhiều, ông Pơ Loong Đinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã A Xan, cho biết: Đấy là nhờ sự bảo vệ của người dân, đặc biệt mới đây, khi phát hiện ra nó thì cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc gìn giữ.


Những cây pơ mu cao vút chọc trời xanh

Ông Pơ Loong Đinh giải thích: “Pơ mu có tinh dầu nhựa thơm, gỗ nhẹ, thân già hay bị rỗng ruột. Loại gỗ này chôn dưới đất lâu ngày không bị mục nát nên người dân chỉ dùng để đóng quan tài. Ở trong xã có người nào chết thì họ đốn hạ rồi lấy một khúc về đục, khoét giống như thuyền độc mộc để làm quan tài. Đến năm 2009, khi các nhà nghiên cứu về đây thì dân mới biết đó là gỗ pơ mu, chứ bao đời nay họ gọi là cây của người chết”.

Ông Đinh nói tiếp: Với người Cơ Tu, dù để nghìn năm sau thì cánh rừng pơ mu này vẫn nguyên vẹn như thuở chưa có dấu chân người khai hoang. “Cánh rừng pơ mu nguyên sinh trên địa bàn xã chủ yếu tập trung ở thôn Agri’h. Những năm gần đây, nhờ phát triển nông nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế, người dân không còn phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi như trước. Cùng với đó, chính quyền xã cũng đã có nhiều biện pháp nhằm duy trì sự bảo vệ của cộng đồng làng đối với cánh rừng pơ mu này”, ông Đinh chia sẻ.

Theo truyền thống của người Cơ Tu, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước. Chính vì những luật tục này mà diện tích rừng pơ mu nguyên sinh ở Tây Giang còn lại khá lớn.

Cùng với thôn Agri’h, xã Axan, thôn Ariêu của xã Tr’hy cũng là nơi tập trung trữ lượng lớn gỗ pơ mu. Ông Riah Nhiết, người dân thôn Ariêu cho biết: “Người Ariêu sống dựa vào rừng, thờ thần rừng, cánh rừng pơ mu là một trong những tài sản của dân Ariêu. Nhờ sự tuyên truyền của xã, của huyện về lợi ích của việc bảo vệ rừng mà người dân trong thôn biết thêm giá trị của rừng pơ mu, biết chung tay bảo vệ rừng”.

“Khối tiền thấy trước mắt nhưng chẳng ai đụng đến một cái cành đâu. Trong rừng có đến mấy chục cây ngã đổ, chết, vậy mà không ai đưa một đoạn nào ra khỏi rừng. Chú thử hỏi tại xã Axan thành lập 3 tổ do người dân bảo vệ, 2 tổ do xã bảo vệ. Ngoài ra, tại xã Tr’hy có 1 tổ thuộc thôn quản lý, 1 tổ do xã đứng ra. Đừng nói là cây pơ mu mà một khúc gỗ cũng không lọt ra khỏi khu vực này”, ông Nhiết nói.

 
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết: “Đây là một rừng gỗ rất quý hiếm, có cây tới vài nghìn tuổi. Hiện cây pơ mu đã già nhưng không có cây con mọc, do đó chúng tôi mong muốn có nguồn kinh phí thực hiện một đề án để nghiên cứu phát triển. Đặc biệt, mong các tổ chức nước ngoài hỗ trợ nghiên cứu nhân rộng pơ mu trên địa bàn huyện”.
Bình luận
vtcnews.vn