Kinh ngạc bộ rễ cây ‘cổ phật’ 30 tấn ở Sóc Trăng

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 29/03/2015 06:17:00 +07:00

Tại khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng hiện đang là nơi đặt bày một bộ rễ cây thật hoành tráng, có vòng quanh (chu vi) trên 30 mét, nặng khoảng 30 tấn.

Tại khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng hiện đang là nơi đặt bày một bộ rễ cây thật hoành tráng, có vòng quanh (chu vi) trên 30 mét, nặng khoảng 30 tấn.


Theo nhiều người dân kể lại, đây là bộ rễ của một trong số hai cây bàng đá tại miếu Phụng Tường, xã Song Phụng, huyện Long Phú - Sóc Trăng đã chết, được ông Mai Kiên, người quê Sóc Trăng mua về làm cảnh và đang hóa thân nó thành một tác phẩm nghệ thuật mang tên “cổ phật”.

Theo lời ông Kiên, cây bàng đá mà ông mua được xếp vào hàng lão thụ nhưng không ai biết chắc tuổi của cây. Có người nhìn những thớ thịt và vân cây, đặc biệt là phần nu bông đã ước đoán cây có trên 400 năm.
Gốc bàng vừa đào lên được bố trí tại khóm 2, P.5, TP. Sóc Trăng có vòng quanh trên 30 mét, nặng khoảng 30 tấn 
Sau khi mua xong ông phải mất đúng 1 tháng trời đào xới, móc từng bộ rễ rồi cắt ra từng mảng để vận chuyển về nhà bằng xe cần cẩu. Hiện nay bộ rễ này được an tọa trong một ngôi nhà rộng lớn vừa mới xây và hằng ngày ông đều thuê người cạo rửa, lau chùi, gọt giũa tỉ mỉ và làm sạch bóng để vân cây từ từ nổi lên, đồng thời ông cũng mạnh dạn cắt bỏ những chi tiết thừa để làm nổi bật chủ đề.

Nhiều người đến tham quan đều công nhận đây là một bộ rễ thuộc vào hàng “kỳ mộc”, càng nhìn càng choáng ngộp trước vẻ đẹp hùng kỳ, lạ mắt, nhất là bộ rễ u nần, nhiều hang bọng, âm dương hài hòa với nhiều dáng hình kỳ quái, khiến cho nhiều người tha hồ tưởng tượng chỗ nầy là đầu rắn, chỗ kia là rồng, cọp, chỗ nọ cá sấu…
Nhiều mảng rễ được lắp ráp đúng theo nguyên trạng ngoài tự nhiên. 
Được biết ông dự định sẽ thực hiện một tác phẩm cây khô mỹ thuật mang ý nghĩa nhân văn và văn hóa tâm linh, chủ yếu là các hình tượng về tôn giáo, tín ngưỡng. Ngay trên đỉnh đầu tác phẩm ông sẽ bố trí tượng Phật Thích Ca cao 3 mét đứng trên đài hoa sen. Toàn bộ nguyên liệu đều bằng cây bàng đá. Ngoài ra, dựa vào các vân cây, nu bông có sẵn, ông sẽ khai thác những nét đẹp trừu tượng để khắc họa thành hình người, hình chim thú.

Ước muốn của ông là giữ nguyên dáng vẻ mộc mạc của bộ rễ tự nhiên. Ông chỉ dựa theo hình dạng của cây và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, hoa văn kỳ thú để chế tác, tuyệt đối không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ, trừ Hoa sen và tượng Phật mới sử dụng đến nghệ thuật điêu khắc. Bắt đầu từ nay ông sẽ hợp đồng với các nghệ nhân nổi tiếng về cây khô nghệ thuật để bắt tay vào các công đoạn chế tác.
Bộ rễ sau khi đã gọt giũa tỉ mỉ 
Ông Mai Kiên đang giới thiệu những nét kỳ thú của bộ rễ được cho là của loại cây bàng đá 
Từ lúc mang cây về đến nay hơn nửa năm, ông đã tốn gần 2 tỷ đồng, kể cả tiền xây nhà. Theo ông cần phải đầu tư thêm 3 tỷ nữa công trình mới hoàn tất. Tuy ông không nói giá cả nhưng đã có nhiều đại gia và doanh nghiệp đến xin ông nhường lại với giá 2 tỷ, 3 tỷ…

Trong số đó có một công ty đồng ý mua với giá 12 tỷ nhưng ông chỉ trả lời một cách khiêm tốn: “Tôi mua được gốc cây này có lẽ cơ duyên trời cho nên không muốn rời xa nó. Tôi chỉ muốn đem hết tình cảm của mình hóa thân nó thành một tác phẩm có hồn để cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng”.

Ông còn chia sẻ với nhiều người: “Tôi không những yêu vẻ đẹp bề ngoài của cây mà còn yêu cả cái hồn cổ thụ có tuổi cao gấp ba bốn lần tuổi đời của một con người”.


Nguồn: Phúc Lộc(Dân Việt)
Bình luận
vtcnews.vn