Kinh doanh bảo hiểm đang lãi khủng

Kinh tếThứ Năm, 22/06/2017 07:19:00 +07:00

Có đến 86,7% số doanh nghiệp được hỏi tự tin cho rằng, doanh thu năm 2017 sẽ tăng trên 10% và 13,3% số doanh nghiệp còn lại đặt mục tiêu khiêm tốn hơn.

Dữ liệu tài chính của các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ số doanh nghiệp bảo hiểm báo lãi trong năm 2016 đã tăng đáng kể, từ 5 lên 10 doanh nghiệp đối với nhóm bảo hiểm nhân thọ, và từ 17 lên 18 doanh nghiệp với nhóm bảo hiểm phi nhân thọ.

Điều này phản ánh sự khởi sắc trong kinh doanh bảo hiểm trong năm vừa qua, là tiền đề tạo thêm niềm tin tăng trưởng toàn ngành này nói chung trong năm 2017.

kinhdoanhbh-1498043482062

Hoạt động kinh doanh khởi sắc, ngành bảo hiểm cũng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp 

Theo khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2017, có đến 86,7% số doanh nghiệp được hỏi tự tin cho rằng, doanh thu năm 2017 của doanh nghiệp mình sẽ tăng trên 10%, 13,3% còn lại khiêm tốn hơn với kế hoạch tăng trưởng trên 10%.

Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), gần 86% thị phần doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gốc nằm trong tay 5 ông lớn bao gồm: Prudential, Bảo Việt Nhân thọ, Manulife, AIA và Dai-ichi. Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, gần 60% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc thuộc về Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO.

Với số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ (18 công ty) và phi nhân thọ (30 công ty) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay, thì ở sân chơi thị phần còn lại không bao gồm các ông lớn kể trên sẽ chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các công ty có quy mô vừa và nhỏ.

Khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho thấy, cạnh tranh trong ngành được đánh giá là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất (85,7% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều”) đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng không kém (78,6% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều”), bởi theo phản hồi của nhiều khách hàng đang tham gia bảo hiểm, việc tư vấn để khách hàng hiểu đúng và đủ về hợp đồng bảo hiểm còn nhiều hạn chế.

Do đó, theo khuyến nghị của đơn vị khảo sát, trong thời gian tới, các công ty bảo hiểm cũng cần lưu ý đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực, thay vì mở rộng kinh doanh tràn lan, tuyển dụng ồ ạt những nhân sự chưa thực sự am hiểu sản phẩm bảo hiểm.

Video: Trục lợi bảo hiểm y tế - Những con số không tưởng

Hiện, Chính phủ đang rất tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trực tiếp thông qua các chính sách thuế và hoa hồng, các chính sách an sinh xã hội...

Hàng loạt các đề án lớn, quan trọng liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm được triển khai trong năm 2016, như đề án tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp… đã phần nào giúp thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong ngành này vẫn đề xuất Chính phủ, bên cạnh hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo hiểm thì nên tăng mức phạt đối với hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, tạo đà cho sự phát triển bền vững của ngành bảo hiểm.

(Nguồn: Dân Trí)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn