Kinh dị những bộ hàm và cuộc sưu tập răng người

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 25/04/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Trên tay Hiệp là một xương hàm dưới, trắng bóc, còn nguyên những chiếc răng, gồm cả răng hàm và răng giữa, với chân răng đầy đủ.

(VTC News) - Tôi đang bay bổng với những khúc xương đang trong giai đoạn hóa thạch, Hiệp vỗ vai tôi. Tôi ngoái lại, thấy trên tay Hiệp là một xương hàm dưới, trắng bóc, còn nguyên những chiếc răng, gồm cả răng hàm và răng giữa, với chân răng đầy đủ.


Lần lục trong lòng núi Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) từ sáng đến hơn 1 giờ chiều, đoàn thám hiểm chúng tôi đã đói cồn cào. Lẽ ra, việc ăn trưa phải tiến hành từ lúc 12 giờ trưa, nhưng vì cứ cố đi, xem có gặp được suối nước huyền thoại, hay chỉ là vũng nước cũng được, để rửa tay trước khi ăn, nên mới ăn muộn như vậy.

Xương cốt trong các ngách hang. 

Không có nước rửa tay, nên cũng đành chịu. Những bàn tay bám núi bò lê bò la bẩn thỉu, nhặt những con côn trùng lạ như dòi bọ bám ở chân, rồi những bàn tay vừa bốc xương người, thậm chí bóp xương vụn thành bột, được lau tạm vào vạt áo, rồi bẻ bánh mì chia nhau ăn.

Trong hoàn cảnh bình thường, ở trên mặt đất, lỡ tay cầm vào khúc xương người, chắc phải tắm cả tiếng đồng hồ, thậm chí đốt lửa xua tà khí, rồi rửa tay bằng các loại xà bông cho hết mùi, mới dám bưng bát cơm. Thậm chí, những khúc xương người có thể ám ảnh khiến nhiều ngày không nuốt nổi. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ấy, có một điều lạ, là cả bọn ăn uống ngon lành. Bàn tay vừa bốc xương người, giờ thì bẻ bánh mì nhai ngấu nghiến.

Ăn trưa trong hang động đầy xương người. 

Nuốt bánh chưa trôi khỏi cổ họng, đoàn khám phá hang động chúng tôi tiếp tục chia nhau lên đường, len vào các ngóc ngách để tìm xương cốt. Từ phía ngách đá chứa hàng ngàn mẩu xương, chúng tôi tiếp tục bám vách đá đi tiếp. 6 người chia làm 3 nhóm, tỏa đi 3 hướng khác nhau tìm kiếm để tiết kiệm thời gian.

Càng vào sâu, cảm giác càng âm u, rùng rợn. Ôxi dưới động cũng ít, mà nhiều mùi hôi hám khiến rất khó thở. Những bóng đèn pin cứ xa dần, lập lòe như đom đóm trong các ngách hang. Dây dù rải đường không chia cho cả 3 nhóm được nên thi thoảng chúng tôi lại cất tiếng gọi nhau đề phòng trường hợp lạc đường.

Những khúc xương đang chìm dần vào nhũ đá. 
Rất nhiều xương cốt đã bị nhũ đá bao phủ như thế này. 

Tôi lần dò ở một vách đá khá ẩm ướt, với cột nhũ đá đang hình thành. Những giọt nước nhả xuống, kéo theo tạp chất từ lòng núi để tạo nhũ. Tại khu vực đang tạo nhũ, tôi phát hiện một số khúc xương đang chìm dần trong nhũ đá. Những khúc xương đã chuyển sang màu vàng của nhũ, nên nếu không để ý kỹ, sẽ không phát hiện được.

Quan sát những khúc xương đang chìm dần vào đá, có thể tin rằng, những khúc xương này đã nằm đây cả trăm năm rồi. Tôi bấm thời gian, thấy cả chục phút mới có một giọt nước nhỏ xuống. Trong giọt nước đó, chỉ có một phần ngàn lượng tạp chất từ đá tiết ra. Như vậy, để lượng tạp chất tạo nhũ phủ ngập những khúc xương, khiến những khúc xương lặn dần vào phiến đá, cũng phải mất hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm chứ không phải ít.

Răng người. 

Những khúc xương vô tình được nhũ đá bao phủ, sẽ được bảo quản hàng triệu năm. Hàng ngàn năm sau, những khúc xương này sẽ lặn hẳn vào trong một khối đá lớn, các vi chất sẽ ngấm vào xương, làm hóa thạch những khúc xương này. Rồi quá trình kiến tạo, hàng chục triệu năm sau, núi Sài Sơn sẽ dâng lên cao hơn nữa, khối núi dần vỡ bung ra, là cơ hội cho con cháu chúng ta được chiêm ngưỡng xương cốt hóa thạch của tổ tiên từ nhiều triệu năm trước! Tôi vừa ngắm những khúc xương đang trong giai đoạn hóa thạch vừa có suy nghĩ như vậy.

Tôi đang bay bổng với những khúc xương đang trong giai đoạn hóa thạch, Hiệp vỗ vai tôi. Tôi ngoái lại, thấy trên tay Hiệp là một xương hàm dưới, trắng bóc, còn nguyên những chiếc răng, gồm cả răng hàm và răng giữa, với chân răng đầy đủ.

Xương hàm đã mục nát, nhưng răng vẫn đẹp. 

Hiệp nhẹ nhàng chuyển hàm răng người sang tay tôi. Tôi bóp nhẹ, xương quai hàm bở ra như khoai luộc nhừ. Bộ xương quai hàm này đã quá mục nát, tôi có cảm tưởng, chỉ cần nước xối vào, sẽ tan ra thành bột. Riêng những chiếc răng thì vẫn đẹp, vẫn sáng và có cảm giác như chưa bị tác động gì của thời gian. Tôi thầm ước, giá như có một chuyên gia về răng ở đây, có thể sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị.

Sau khi phát hiện chiếc hàm với bộ răng khá đẹp, đoàn thám hiểm chúng tôi chú ý đến việc “sưu tầm răng”. Chỉ một lát, mỗi người đã mang đến vài chiếc răng. Có những chiếc răng vẫn dính ở xương quai hàm, có những chiếc răng nằm lẫn trong đống xương, thậm chí có chiếc răng nhặt được trong khe đá, chẳng thấy có bộ xương nào ở cạnh. Nghĩ đến cảnh răng người rơi vãi khắp động mà lạnh sống lưng.

Hàm răng được tìm thấy rất nhiều dưới động. 
 

Càng vào sâu trong lòng núi, chúng tôi càng gặp nhiều ngóc ngách và nhiều hốc đá. Gần như hốc đá, ngóc ngách nào cũng có xương cốt. Xương nằm vung vãi mỗi chỗ một chiếc, rồi xương nằm trải dài trong một khe đá, xương ụn thành đống ở một hõm đá nào đó. Hiệp còn phát hiện một bộ xương nằm dưới một tảng đá lớn. Nhìn tảng đá này, rất giống như từng sập, hoặc lăn từ trên xuống. Chả lẽ, tảng đá này đã đè chết một người?

Răng người nhặt được ở khắp nơi. 

Dù cố gắng truy tìm thông tin, song chúng tôi không thể biết khu vực này thuộc tầng động thứ mấy. Chỉ có thể khẳng định một điều, là không thấy có dấu vết người mới xuống khu vực này. Cứ cộng tất cả những mẩu xương trong những đống xương mà chúng tôi phát hiện trong các khe vách, thì không hiểu, có đến hàng trăm, hay hàng ngàn người đã bỏ xác ở hẻm núi sâu tít, tối tăm, rùng rợn như thế này? Cái con số 3.600 lính tráng chết trong động, theo truyền thuyết nhà chùa và người dân Sài Sơn kể, quả là con số không ngoa, chỉ có điều, những bộ cốt này có thực sự là quân lính Lữ Gia từ 2.100 năm trước hay không mà thôi.

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có đoạn: “Lữ Gia (? – 111 TCN), người Việt, là Tể tướng 4 đời vua nhà Triệu, nước Nam Việt, từ Văn Vương (136 – 125 TCN), Minh Vương (124 – 113 TCN), Ai Vương (112 – 111 TCN) tới Thuật Dương vương (112-111 TCN)… Ông là người đứng ra nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối cùng để chống lại Hán Vũ Đế, quyết không chấp nhận thân chư hầu. Tuy nhiên, ông đã thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán…”.


Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn