Kiệu rước đâm nát vụn kính xe Kia Morning: Đâu là sự thật?

Thời sựThứ Bảy, 28/02/2015 07:24:00 +07:00

Đâu là sự thật vụ kiệu rước đâm nát vụn kính xe Kia Morning đang được truyền đi nhanh chóng trên các trang mạng xã hội mấy ngày qua?

(VTC News) – Lễ rước kiệu đã có từ lâu nhưng mấy năm gần đây mới có hiện tượng 'kiệu va lung tung', đỉnh điểm là vụ đâm vỡ kính chiếc Kia Morning.

Ngày 26/2, trên mạng internet truyền đi một video clip khiến người xem không khỏi “choáng váng”. Video này ghi lại cảnh rước kiệu tại lễ hội làng Xuân Đỉnh. Trong video, một nhóm thanh niên gần chục người thay nhau khiêng một chiếc kiệu, lao liên tiếp nhiều lần vào một chiếc ô tô hiệu Kia Morning BKS 29A-607.65. 
Hậu quả, kính sau của chiếc xe ô tô đã bị đâm vỡ vụn. Đoàn rước kiệu chỉ chịu dừng lại khi thấy một người phụ nữ được cho là chủ của chiếc ô tô cầm trên tay một tờ tiền, quỳ lạy, miệng nói liên tiếp “Con lạy ngài! Con lạy ngài!…”
Ngay khi video trên được đẩy lên mạng đã thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng. Hàng loạt các bình luận được đưa ra, trong đó, đa số các ý kiến đều cho rằng, hành động của đoàn rước kiệu là không thể chấp nhận được. 

 Chiếc ô tô bị đâm vỡ kính.
 Người phụ nữ được cho là chủ xe quỳ lạy, van xin.

Liên quan đến sự việc, ngày 27/2, phóng viên VTC News đã tìm về nơi có lễ hội được cho là “kỳ quặc” này để tìm hiểu. Một số người dân cho biết, hình ảnh trong video nói trên diễn ra trước cổng trường THPT Xuân Đỉnh. Tuy nhiên, sự việc này được ghi lại từ lễ hội đầu năm 2014 chứ không phải năm nay. Kiệu rước trong video là của thôn Tân Trào, xã Xuân Đỉnh, nay là tổ dân phố Cáo Đỉnh, thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Bà K., 77 tuổi, tổ dân phố Cáo Đỉnh cho biết, lễ hội của thôn được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm và rước kiệu là nghi thức không thể thiếu trong lễ hội. Lễ rước này đã có từ lâu đời. Theo  bà K., trong quá trình rước kiệu, “thánh thần” thường “nhập” vào kiệu rồi “bay” lung tung, đoàn rước chỉ biết chạy theo chứ không làm chủ được tình hình.
Khi chúng tôi hỏi về sự việc kiệu đâm vỡ cửa kính xe ô tô, bà K. cho biết, bà không chứng kiến sự việc đó. Tuy nhiên, bà K. cho rằng, nếu chẳng may kiệu rước có va chạm gì thì ban tổ chức lễ hội cũng không phải đền vì đó là do “thánh làm”. 
“Thường thì kiệu chỉ lao gần chạm vào cửa nhà dân hai bên đường rồi lại lao ra. Kiệu lao tới nhà ai thì là phước của nhà đó,” bà K. nói.
Khác với quan điểm của bà K., nhiều người dân ở đây đã tỏ ra bức xúc khi chứng kiến cảnh kiệu rước “va lung tung” nói trên. 
Ngay khi video kiệu rước đâm vỡ cửa kính ô tô được đăng tải trên mạng, một bạn đọc đã gửi thông tin với báo VTC News. 
Bạn đọc này khẳng định rằng, đoàn rước kiệu đã cố tình dàn xếp sự việc, lấy đà để đâm vỡ kính ô tô chứ không hề có chuyện “thánh thần” hay “kiệu bay” lung tung như những người trong cuộc biện luận.

 Cổng trường THPT Xuân Đỉnh - nơi được cho là đã xảy ra vụ kiệu đâm vỡ kính ô tô hồi đầu năm 2014.

“Vụ việc này xảy ra đầu năm mới 2014 vào hội làng của Xuân Đỉnh. Khi đó đám rước kiệu qua cổng trường cấp 3 Xuân đỉnh và gặp chiếc ô tô của khổ chủ. Thói côn đồ của một số thanh niên làng, vịn cớ không điều khiển được kiệu đã đâm thẳng vào ô tô của giáo viên trường. Sau nhiều lần đâm không vỡ được kính, đám thanh niên đó đã thay người lấy đà đâm vỡ nát kính ô tô”, bạn đọc này kể lại.
Đây cũng là quan điểm của ông H., một cán bộ nhà nước đã về hưu, mới chuyển về sống ở phường Xuân Đỉnh được khoảng 6 năm. Ông H. cho biết, khoảng 2 năm đầu khi ông tới đây thì thấy người dân rước kiệu có chạy nhanh ngoài đường nhưng không có hiện tượng va vào chỗ này chỗ khác. 
“Khoảng vài năm trở lại đây mới có hiện tượng kiệu rước va vào chỗ này chỗ khác. Có lần kiệu lao vào vỡ cả cửa kính nhà dân 2 bên đường. Khi tới trước cổng trường học thì kiệu rước cứ đâm vào cổng trường đòi lao vào bên trong. Năm ngoái thì đoàn rước kiệu này đâm vỡ cửa kính sau của một chiếc ô tô đỗ trước cổng trường THPT Xuân Đỉnh,” ông H. nói.
Nhận định về việc “kiệu bay lung tung”, ông H. cho rằng, đây là một hình ảnh phi văn hóa. “Đã là thánh thần thì phải mang điều tốt đẹp tới cho người dân chứ không thể có chuyện gây hại cho dân như vậy được. Tôi nghĩ, một số người dân đã lợi dụng lễ hội, lợi dụng vấn đề tâm linh để làm việc không hay. 
Tôi còn được nghe rằng, mỗi lần kiệu lao tới trước cổng trường học là trường lại đem một ít đồ lễ ra, có khi đặt cả phong bì lên đó. Sau khi ‘nhận lễ’, kiệu rước liền quay đầu đi nơi khác. Đây là một hình ảnh không đẹp, các cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc để xem xét”, ông H. nói.

 Lễ rước kiệu của thôn Cáo Đỉnh bắt đầu ở Đình Giàn vào khoảng 7-8h00 sáng, kết thúc vào khoảng 12h00 trưa. Sau lễ rước, kiệu được di chuyển về đình.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Khiêm – Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh. 
Ông Khiêm xác nhận có sự việc kiệu rước lao vào và làm vỡ cửa kính xe ô tô tại lễ hội của tổ dân phố Cáo Đỉnh tổ chức trước đây.
Theo ông Khiêm, phường Xuân Đỉnh có 5 tổ dân phố, trong đó 4 phường có đình đền thì đều tổ chức lễ hội hàng năm. Cứ 4 năm thì có một hội lớn. Khi đó, một tổ dân phố sẽ được chọn làm nơi tổ chức hội chính.
Trước ngày hội, 3 tổ dân phố còn lại đều di chuyển kiệu về đền chính để chuẩn bị cho buổi rước vào ngày hôm sau.
“Mỗi khi tổ chức lễ hội thì các tổ dân phố đều rước kiệu. Kiệu của từng tổ dân phố chỉ được rước trong một đoạn đường nhất định chứ không phải kiệu nào cũng rước khắp phường”, ông Khiêm cho hay.
Nói về hiện tượng “kiệu bay”, ông Nguyễn Hữu Khiêm cho rằng, “kiệu thì ở đâu cũng bay”. Theo quan điểm của Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh thì “kiệu bay” là việc kiệu được nhiều người rước chạy đều và nhanh chân, tạo nên hình ảnh 'bay' đẹp mắt.
Tuy nhiên, ông Khiêm xác nhận rằng, khoảng 3 năm trở lại đây, tại lễ rước kiệu của tổ dân phố Cáo Đỉnh có hiện tượng đoàn rước va vào chỗ này chỗ khác, trong đó có nhà dân và đỉnh điểm là vụ đâm vỡ cửa kính ô tô mà dư luận đang quan tâm.
“Chỉ vài năm trở lại đây và chỉ tại hội của tổ dân phố Cáo Đỉnh mới có hiện tượng kiệu va vào chỗ này chỗ khác”, ông Khiêm khẳng định.
Liên quan đến vụ kiệu đâm vỡ cửa kính ô tô, ông Khiêm cho biết, thời điểm đó, phía chính quyền cũng có cử lực lượng đảm bảo trật tự an ninh lễ hội. Tuy nhiên, do là vấn đề tâm linh nên lực lượng của xã, nay là phường Xuân Đỉnh không dám ngăn cản.
Theo ông Khiêm, sau vụ việc đó, phía UBND phường Xuân Đỉnh đã chỉ đạo, giao cho ban quản lý di tích đình làng Cáo Đỉnh (Đình Giàn) – nơi tổ chức lễ rước tiến hành bồi thường cho chủ xe ô tô. 

“Tuy nhiên, theo tôi được biết thì chủ xe ô tô không có yêu cầu bồi thường,” ông Khiêm nói.
Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh cho rằng, những vụ "kiệu va lung tung" là sự bộc phát, xảy ra đột ngột, nên khó kiểm soát.
"Khi sự việc xảy ra thì mình mới biết vậy và xử lý tình huống. Trước mỗi lễ hội, chúng tôi cũng luôn tuyên truyền, đề nghị người dân tổ chức lễ hội an toàn, đúng quy định của nhà nước”, ông Khiêm cho hay.

Video: Rước kiệu đâm vỡ kính xe ô tô. Nguồn: Internet


Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một cán bộ Công an phường Xuân Đỉnh cho hay, sự việc kiệu đâm vỡ cửa kính ô tô xảy ra khi Xuân Đỉnh còn là mô hình cấp xã. 
Kể từ khi được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 4/2014, Công an phường Xuân Đình chưa thấy được bàn giao, cũng không nhận được bất cứ phản ánh, khiếu nại, tố cáo nào của người dân liên quan đến sự việc này. Chính vì vậy, Công an phường Xuân Đỉnh không nắm được tình tiết cụ thể, cũng như việc giải quyết vụ việc nói trên.
Trước câu hỏi, nếu tại lễ hội sắp tới cũng xảy ra hiện tượng tương tự thì lực lượng chức năng sẽ xử lý như thế nào, công an phường Xuân Đỉnh cho hay: “Dưới sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng cấp trên, chúng tôi đã lên kế hoạch đảm bảo trật tự an ninh tại các lễ hội trên địa bàn trong năm 2015. Trên cơ sở kế hoạch đó, chúng tôi sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn về tài sản, sức khỏe của người dân.”

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn