Kiến nghị bảo tồn biệt thự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thời sựThứ Năm, 02/12/2010 09:13:00 +07:00

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 khu vực xây dựng nhà Quốc hội.

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 khu vực xây dựng nhà Quốc hội.

Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, khu vực xây dựng nhà Quốc hội có quy mô nghiên cứu là 184.112 m2 (18 ha), bao gồm lô D và lô E trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, không bao gồm khu di tích 18 Hoàng Diệu (sẽ được nghiên cứu riêng).


Khu vực nghiên cứu có phía Đông giáp đường Hoàng Diệu, phía Tây giáp quảng trường Ba Đình (đường Hùng Vương), phía Nam giáp đường Điện Biên Phủ, phía Bắc giáp khuôn viên khu di tích 18 Hoàng Diệu.


Đường Hoàng Diệu rợp bóng cây cổ thụ.  

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng cho phép giữ lại các công trình hiện trạng, cải tạo, bảo tồn, như phần diện tích thuộc lô D đã được triển khai cắm mốc định vị ranh giới giao đất để thi công xây dựng tòa nhà Quốc hội.

Các công trình như tượng đài Bắc Sơn, trụ sở chính của Bộ Ngoại giao hiện nay, Cục Thanh tra Bộ Quốc phòng, Công ty Than Đông Bắc, Ban quản lý quảng trường Ba Đình, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và một số công trình trong khu vực có kiến trúc cảnh quan đẹp cần được bảo tồn, tôn tạo.


Đặc biệt, trong khu vực này có nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là khuôn viên biệt thự có kiến trúc cảnh quan đẹp, khu vực có nhiều giá trị văn hóa lịch sử cách mạng gắn liền với cuộc đời của Đại tướng. Công trình được Bộ Xây dựng kiến nghị bảo tồn tôn tạo để sau này trở thành nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Với khu vực quảng trường Ba Đình, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu cải tạo, mở rộng thêm ô cỏ ở phía Nam, tạo sự cân xứng của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trục cảnh quan chính Bắc Sơn. Các cây xanh thuộc phần diện tích còn lại của vườn hoa Bà Huyện Thanh Quan được giữ nguyên trạng, cải tạo mặt lát đường dạo, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách và công chúng.


Để đảm bảo phục vụ lưu lượng giao thông đoạn qua phía trước Lăng, Bộ đề xuất mở rộng lộ giới đường Độc Lập (một ô cỏ), cải tạo các ô cỏ trong phần lộ giới mở rộng thành mặt lát hè đường.


Các cây xanh thuộc phần diện tích còn lại của vườn hoa Bà Huyện Thanh Quan được giữ nguyên trạng, cải tạo mặt lát đường dạo, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách và công chúng.


Bộ cũng đề xuất dỡ bỏ 4 biệt thự phía nam Quảng trường Ba Đình do có kiến trúc chưa đẹp, làm cản trở tầm nhìn đối với các hoạt động đảm bảo an ninh chung cho khu vực, ngoài ra làm mất cân đối không gian của Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh qua trục Bắc Sơn.


Một số công trình nhà làm việc tạm và nhà kho xây dựng xung quanh Ban quản lý quảng trường Ba Đình hay các công trình phục vụ hoạt động của Bộ Ngoại giao hiện nay như nhà xe, nhà ăn, y tế, hành chính... phía đường Tôn Thất Đàm có kiến trúc không phù hợp, gây cảnh quan lộn xộn cần được dỡ bỏ.


Ngoài nội dung liên quan tới quảng trường Ba Đình, có một số hạng mục đáng chú ý như xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại vườn Kính Thiên, khai thác không gian ngầm để bố trí toàn bộ nhu cầu khoảng 600 xe phục vụ các hoạt động của Quốc hội. Trên bãi đỗ xe ngầm xây dựng vườn hoa, cây xanh phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của công chúng và du khách.


Về quy hoạch giao thông, các tuyến đường Độc Lập, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Chùa Một Cột được chỉnh trang, hoàn chỉnh. Phố Tôn Thất Đàm được kéo dài nhập vào đường Bắc Sơn thêm một đoạn...

(Theo VnEconomy)

Bình luận
vtcnews.vn