Kiến ba khoang lại ồ ạt tấn công dân thủ đô

Thời sựThứ Năm, 30/10/2014 04:00:00 +07:00

'Quá sợ kiến ba khoang' là tâm trạng của nhiều người dân Hà Nội trong thời gian này, khi 'đến hẹn lại lên', kiến ồ ạt tấn công vào nhà dân.

'Quá sợ kiến ba khoang' là tâm trạng của nhiều người dân Hà Nội trong thời gian này, khi "đến hẹn lại lên"- kiến ồ ạt tấn công vào nhà dân, chui vào các toà cao tầng.

Gần một tuần nay, căn hộ gia đình anh Ngọc Anh (chung cư Xuất khẩu Bao bì, ngõ 15 An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội) luôn trong tình trạng đóng cửa kín mít, bật điều hòa dù thời tiết Hà Nội về tối trời thu se lạnh.

Theo anh, khu chung cư gần vườn đào Phú Thượng nên người dân vô cùng khốn khổ với sự xuất hiện của kiến ba khoang. Loại kiến này có rất nhiều ở vườn đào, đặc biệt là dưới các gốc đào lâu năm.

"Chục năm trước, khi còn ở với bố mẹ dưới nhà đất thi thoảng tôi thấy một vài con. Nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, tôi lập gia đình riêng ở trên tầng 7 chung cư mà vẫn thấy kiến này ngày một nhiều, đặc biệt là giai đoạn tháng 9, 10 này", anh Ngọc Anh nói.

Kiến ba khoang thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm), bụng có đốt. Ảnh: M.T. 

Dù đã phun thuốc phòng từ đầu mùa nhưng giống như năm ngoái cứ đến tối là kiến bay vào anh. Kiến bò đầy cửa sổ, rụng cả xuống bàn ăn. Do nhà có con nhỏ, vợ chồng anh đành đóng cửa kín mít, bật điều hòa.

"Đến sáng mở cửa hành lang là phải quét xác kiến. Tôi dặn người nhà cẩn thận, phải đeo bao tay vì kiến chết nhưng chất độc vẫn còn trong bụng", anh Ngọc Anh chia sẻ. Đây cũng là lo lắng của cả khu chung cư.

Anh Nguyễn Văn Cảnh (Ban quản lý chung cư Bao Bì) cho hay, sau gần chục năm làm bảo vệ thì vài năm gần đây anh mới thấy kiến ba khoang xuất hiện nhiều.

Kiến ba khoang đuôi nhọn, có tên quốc tế thường gọi là Paederus fuscipes curtis (thuộc họ Staphylinidae, chi Coleoptera`).

Con trưởng thành rất thích bay vào bóng đèn, thân mình dài trung bình khoảng 7mm, có màu đen và cam, với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ.

Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. (Nguồn: Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn).
Gần như tầng nào cũng có người bị đốt. Khu nhà nhiều trẻ con, không thể cấm các cháu không được xuống sân chơi. Có gia đình ở tầng 7 do căn đầu hồi, đúng hướng gió nên thành ra sống "chung với lũ". Cứ thấy xuống mua hồ nước là biết ngay bị kiến đốt.

"Người nặng nhất là thanh niên chưa vợ ở tầng 3, có thói quen cởi trần đi ngủ nên một năm bị kiến đốt đến chục lần, có lần bị nặng đến mức không xỏ được tay áo vì vết loét rộng, mặc áo cọ xát rất đau", anh Cảnh kể.

Chị Thu Linh (Trung Liệt, Hà Nội) chia sẻ, chồng chị bị kiến đốt cách đây 10 ngày. Hai vợ chồng chị lên mạng đọc và đi mua thuốc bôi theo hướng dẫn tư vấn của mọi người nhưng không khỏi.

Ba ngày sau vết thương của chồng chị có dấu hiệu loét và sưng như... Ebola. Sợ quá, nên anh chị phải đến viện Da liễu Hà Nội khám, gần một tuần sau chồng chị Linh mới khỏi song vết thương vẫn để lại sẹo.

Theo ghi nhận, từ cuối tháng 9 vừa qua, khắp các chung cư cao tầng cho tới nhiều nhà tập thể cũ, nhà riêng... ở thủ đô, nhiều người đã bị kiến ba khoang tấn công. Thông tin độc tố của loại kiến này cao gấp nhiều lần so với rắn hổ mang khiến các gia đình, nhất là những nhà có con nhỏ hoang mang.

Tránh nơi điện sáng, rũ sạch quần áo, ngủ mắc màn

Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Thị Khoa (nguyên cán bộ Khoa hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, kiến ba khoang xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay.

Trước đây loài kiến này thường có ở những vùng lá khô, các gốc cây, cánh đồng lúa. Mật độ mùa thu nhiều hơn so với các mùa khác trong năm. Tuy nhiên, gần đây, loại kiến này được ghi nhận có quanh năm. Đáng lưu ý, kiến ba khoang cũng giống như bọ xít hút máu còn tấn công cả các tòa nhà cao tầng.

Theo bà, đặc điểm của loại kiến này thích ánh sáng trong khi các nhà cao tầng luôn là nơi nhiều ánh sáng.

Ban đêm, theo ánh đèn chúng bay vào các hộ gia đình gần khu vực có đồng ruộng. Ban ngày loài vật này trốn trong những góc khuất, hoặc bám vào quần áo để trốn ánh sáng.

"Bên cạnh đó, do thói quen phun thuốc, phun hóa chất bừa bãi của con người mà không tìm hiểu kỹ khiến các loài thiên địch của kiến bị loại trừ, côn trùng kháng thuốc. Như một phản xạ, kiến sẽ tìm đến nhưng nơi an toàn hơn, ít thuốc hơn...", tiến sĩ Khoa phân tích.

Độc của kiến ba khoang sẽ làm vết thương viêm loét, phù nề nếu không điều trị kịp thời. 

Vẫn theo tiến sĩ Khoa, loài kiến này rất khó diệt bằng những loại thuốc xịt côn trùng thông thường, mà phải mua thuốc diệt côn trùng ở viện vệ sinh dịch tễ mới xử lý hiệu quả. Trong kiến có độc tố pedirine khi chạm vào da sẽ cộng sinh dính vào và gây tổn thương cho da, làm da tổn thương nổi bọng nước, rát rất khó chịu, khi vỡ sẽ lây lan rộng.

Các chuyên gia côn trùng khuyến cáo, nếu thấy kiến bò trên da người thì không nên đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng. Người dân cần thổi nhẹ để kiến bay xuống đất, sau đó dùng giấy ăn khô để giết kiến. Bàn tay lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt để tránh độc tố dính vào.

Kiến ba khoang thon, dài như hạt thóc (dài 1 - 1,2 cm, ngang 2 - 3 mm), bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, thân nhiều màu sắc khác nhau, khi màu cam tối, sậm màu. Tùy vùng mà gọi là kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...

Độc của kiến ba khoang sẽ làm vết thương viêm loét, phù nề nếu không điều trị kịp thời.

Dù độc tố từ kiến ba khoang rất mạnh song, lượng độc trong kiến nhỏ không đủ làm chết người. Tuy nhiên, vết thương do kiến đốt có thể sưng phồng, tấy đỏ, loét và lâu khỏi. Người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị mà nên đi khám để bác sĩ chỉ định dùng thuốc.

Theo tiến sĩ Khoa, cách phòng tránh là hạn chế để đèn sáng quá mức vào buổi tối. Khi ra đường người dân nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng. Các gia đình nên bật đèn ban công để hút côn trùng còn bên trong nhà dùng loại đèn vừa phải. Ban đêm nên tắt những bóng đèn không cần thiết.

Ngoài ra, khi ngủ cần nằm màn, xung quanh nhà có thể trồng dạ hương, sả giúp đuổi côn trùng. Các khu đô thị có thể dùng lưới chống muỗi, côn trùng ở các cửa sổ hoặc những chỗ thông gió trong nhà. Việc phun thuốc cần tuân thủ các hướng dẫn cụ thể.
Gần đây Bệnh viện Nhi Trung ương liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân nhập viện vì viêm da do kiến ba khoang. Mỗi ngày phòng khám da liễu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, con số này gia tăng đáng kể so với trước đây. Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, nếu thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Theo bác sĩ Phạm Thị Mai Hương, cách xử lý cần thiết khi xác định bị kiến ba khoang tấn công là rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và bôi thuốc sát trùng nhẹ. Nếu bệnh nhân nặng cần bôi thuốc dịu da, corticosteroid, uống kháng Histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.

Theo Zing

Bình luận
vtcnews.vn