Khủng bố ở Pháp: Sức mạnh của bài Quốc ca

Thể thaoThứ Hai, 16/11/2015 06:00:00 +07:00

Khủng bố ở Pháp: Trong lo sợ, họ vẫn cố gắng rời sân trong trật tự và hát Quốc ca để lấy tinh thần và tự trấn an.

Sân bóng và nhiều cuộc thể thao từng là mục tiêu của bọn khủng bố. Đó chính là những vụ khủng bố đáng lên án nhất trong những vụ đáng lên án.

Trong vô vàn câu chuyện về ngày đẫm máu tối 13/11 tại Paris thì câu chuyện về những CĐV Pháp cất lên tiếng hát Quốc ca trong đường hầm sân Stade de France khi rời sân sau vụ khủng bố ở Pháp để lại ấn tượng rất mạnh.


Truyền thông thế giới đưa tin: “60.000 CĐV đã có mặt trên khán đài Stade de France để theo dõi màn trình diễn của những ngôi sao hàng đầu thế giới. Khi tiếng nổ đầu tiên vang lên, các CĐV thậm chí tưởng đó là tiếng pháo hoa và tiếp tục hò hét cổ vũ. Tuy nhiên, không khí vui vẻ ngay lập tức chuyển thành hoảng loạn sau đó một phút, khi vụ nổ thứ hai xảy ra”.
Quang cảnh Stade de France sau trận đấu
 Quang cảnh Stade de France sau trận đấu
Trong lo sợ, họ vẫn cố gắng rời sân trong trật tự và hát Quốc ca để lấy tinh thần và tự trấn an.

Bóng đá, có lẽ là môn thể thao duy nhất có thể khiến cả vạn con người cùng đứng lên hát Quốc ca trước mỗi trận đấu của đội tuyển.

3 CĐV bóng đá thiệt mạng khi một quả bom nổ ở cửa J sân Stade de France. Điều độc ác nhất mà con người có thể làm, đó chính là tạo ra thảm họa ở giữa những ngày hội, giữa những niềm vui. Sân bóng và nhiều cuộc thể thao từng là mục tiêu của bọn khủng bố. Đó chính là những vụ khủng bố đáng lên án nhất trong những vụ đáng lên án.
Clip: CĐV hát Quốc ca Pháp sau khi biết tin vụ khủng bố ở Paris
Nhưng cái cách mà những CĐV Pháp đối mặt với thảm họa, cũng giống như cách người Nhật đối mặt với thảm họa động đất sóng thần cách đây vài năm càng chứng tỏ: họ sẽ nhanh chóng vượt qua nỗi đau, lớn mạnh hơn.

Hôm 13/11, người ta thấy sức mạnh của Quốc ca.

Nó làm cho nhiều người Việt nhớ lại câu chuyện về VĐV điền kinh Đào Văn Thủy ở SEA Games vừa rồi trên đất Singapore. Thủy vượt qua mức xà khó, chuẩn bị ăn mừng thì Quốc ca Việt Nam vang lên ở lễ trao huy chương gần đó. Thủy lập tức đứng nghiêm ngắn, giơ tay chào. Hình ảnh này trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất ở SEA Games vừa qua của thể thao Việt Nam.
Đào Văn Thủy chào cờ tại SEA Games
 Đào Văn Thủy chào cờ tại SEA Games

Bóng đá có luật thi đấu sân nhà, sân khách. Nhiều người phân tích sức mạnh sân nhà rằng do quen với mặt sân, thời tiết, được sự ủng hộ của khán giả, thậm chí là ông trọng tài nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân tiếp thêm sức mạnh cho những đội bóng (chủ yếu là những đội tuyển) là khi nghe cả vạn người cùng hát Quốc ca.

Với ĐTVN, nếu để ý thật kỹ, khi họ yếu đuối cũng chính là lúc mà ý thức về trách nhiệm với tổ quốc, với quốc gia bị xem nhẹ. Nói như vậy có thể là lý thuyết giáo điều nhưng gần 10 năm qua, sức mạnh của đội tuyển được thể hiện nhất là năm 2008 thời Calisto, nơi mà Thành Lương đã giấu sẵn một lá cờ trong ống quyển.

Quốc ca đôi khi chỉ là một bài hát. Nhưng có lúc nó tạo ra sự liên kết, gắn mọi người lại với nhau hơn để tạo ra sức mạnh.

Bạn đã tự thử đối diện với chính mình, rằng: “Liệu bạn có chắc chắn thuộc lời Quốc ca Việt Nam không?”.


Nguồn: Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn