Không thể nhân danh 'nghèo', 'mưu sinh' để làm bậy, tước mạng sống người vô tội

Thời sựThứ Ba, 27/09/2016 15:54:00 +07:00

Không thể nhân danh cái nghèo, sự mưu sinh để làm bậy, đi ngược lại luật pháp, tước đoạt mạng sống của người vô tội.

Vụ việc chiếc xe máy chém 'cắt cổ' cháu bé vô tội vẫn đang được cư dân mạng bàn luận. Tôi đọc được đa số ý kiến bảo vệ người lái xe xích lô chất đầy những tấm tôn sắc như dao đậu bên đường gây ra cái chết thảm thương cho cháu bé vô tội. Họ cho rằng hành vi của người đàn ông đó là vô ý, chỉ đáng xử phạt hành chính.

Họ lập luận rằng người chết thì đã chết rồi, rằng người đàn ông vì quá nghèo khổ nên phải đi 'mưu sinh', lại là cựu chiến binh nên việc ông gây ra không được xử lý hình sự.

Nhân danh “mưu sinh”

Một cháu bé 10 tuổi đang chơi đùa ở đầu ngõ gần nhà, một người phụ nữ 54 tuổi đứng chờ xe bus để về với gia đình, hai con người đang sống cuộc sống rất đời thường ấy phải chịu cái chết đau đớn bởi cùng một lý do, những tử thần khoác áo mưu sinh trên đường phố. 

Người dân sống ở các thành phố lớn, chẳng ai còn xa lạ với những chiếc xe “thương binh” ba gác, xe máy kéo theo xe cải tiến, chở theo phía sau là những thanh sắt thép dài lê thê, hàng chồng tấm tôn lợp được chằng buộc lỏng lẻo, những tấm kính cồng kềnh góc cạnh nào cũng sắc lẹm, “mù màu” trước tất cả các loại đèn giao thông, phóng bạt mạng trên đường phố.

Phải gọi, đó là những tử thần kéo lê máy chém đi khắp thành phố này mới đúng. Lý do, thì hiển hiện quá rồi. Sẽ còn bao nhiêu cháu bé như ở Tân Mai, bao nhiêu người phụ nữ đứng chờ đèn đỏ phải lìa đời một cách oan ức và vô lý như vậy?

img_0110-2142

 Những chiếc máy chém lê khắp thành phố 

Những người dân lao động nhân danh cái nghèo, nhân danh mưu sinh, coi luật pháp như cái chợ, bằng mọi cách kiếm tiền: Từ gánh hàng rong lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường nườm nượp xe cộ đến chị buôn sắt vụn chở cồng kềnh bao tải lởm chởm dây thép chìa tứ phía lưu thông trên phố; từ người thu mua phế liệu hồn nhiên cưa bom giữa khu dân cư đông đúc đến những người thương binh thật và cả thương binh giả, nghênh ngang để lại những tiếng khóc xé lòng phía sau nơi “máy chém” đi qua.

Những người thực thi pháp luật cảm thông với cái nghèo, thấy xe chở hàng cồng kềnh quá quy định vượt đèn đỏ, cũng quay mặt đi, tặc lưỡi thôi thì gánh nặng cơm áo gạo tiền, giữ lại có khi không đủ tiền mà nộp phạt.

Và chính mỗi chúng ta, cũng nhiều lần tặc lưỡi bỏ qua chiếc xe vừa thiếu chút nữa quẹt ngang người mình, thôi thì cái nghề bần cùng…

Mỗi cái tặc lưỡi ấy, là một lần tiếp tay cho những cái chết đau đớn của hôm kia, hôm qua.

Nhưng hãy thử nhìn lại, nếu người bị tôn cứa cổ đến lìa xa cõi đời ấy không phải hiện tượng đâu đó ngoài kia được báo chí phản ánh, mà là chính con, cháu, người thân trong gia đình chúng ta, trong một khoảnh khắc chỉ còn là cái xác không lành lặn nằm đó, có còn ai đủ bao dung để tặc lưỡi?

Không thể tồn tại mãi xã hội duy tình

Xã hội chúng ta, đã ăn sâu bén rễ tư duy đứng về phía tầng lớp yếu thế, “phe nước mắt”, để rồi từ người dân đến chính quyền đều mặc định thỏa hiệp với những sự nhân danh ngụy biện. Từ bao giờ mà người nghèo lúc nào cũng đúng? 

Nhưng khóc thương “phe nước mắt”, ai sẽ khóc cho người dân chết vô tội ngoài kia? 

Những cái chết đau quặn lòng ấy, không lẽ chưa đủ cảnh tỉnh rằng không thể bao biện mãi cho một xã hội duy tình, động đến đâu cũng thấy “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”.

img_4141-2151

 Không thể nhân danh mưu sinh để tước đi mạng sống của người khác.

Cứ để ý mà xem, trong tất cả các mối quan hệ xã hội hay khuôn khổ pháp luật, bao giờ cũng là định hướng, vận động, khuyên bảo…chán chê rồi mới dùng tới các biện pháp, chế tài theo quy định.

Thế nên mới có chuyện, anh thượng sỹ xô xát với người bán hàng rong lấn chiếm lề đường ở TP HCM cách đây chưa lâu, chưa biết đúng sai đến đâu đã bị đẩy vào tận cùng những lời chỉ trích, chửi bới, thóa mạ đến không ngẩng mặt lên được.

 
Chúng ta đã mù quáng thương người, mà quên mất điều quan trọng nhất, một xã hội chỉ có thể phát triển khi đó là xã hội thượng tôn pháp luật.

Chúng ta đã mù quáng thương người, mà quên mất điều quan trọng nhất, một xã hội chỉ có thể phát triển khi đó là xã hội thượng tôn pháp luật.

Và mọi người dân, dù giàu hay nghèo, đều bình đẳng trước pháp luật. Không thể vì anh nghèo, hoàn cảnh của anh đáng thương với ti tỉ lý do: Cần tiền đóng học cho con, tiền chữa bệnh cho vợ, tiền gửi về quê lợp căn nhà dột…mà anh được phép đẩy xã hội tới chốn vô pháp, nhếch nhác, hỗn loạn và đầy bất trắc.

Bởi bản chất của cuộc sống là cuộc đua mưu sinh đầy khắc nghiệt. Ai cũng phải lao động, không bằng cách này thì cách khác để tồn tại và vươn lên. Vậy lý do gì để một bộ phận nhân danh mưu sinh mà bất chấp sinh mạng người khác?

Nhìn sự ráo riết quản lý các phương tiện thô sơ chở hàng hóa lưu thông trên đường sau những cái chết thương tâm mới thấy, đúng là chúng ta không có thói quen xây chuồng trước khi mua bò, chỉ có thói quen cuống cuồng làm cái chuồng sau khi bò bị mất. Hay nói cách khác, thứ chúng ta giỏi nhất là chạy theo giải quyết hậu quả.

Nên nhớ rằng, không một chính sách nào của chính quyền có thể đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người công bằng một cách tuyệt đối. Nói vui như “Anh có thích nước Mỹ không”, thì “Trái đất này không thể vì sự đau khổ của một người mà thay đổi quy luật tự nhiên của nó…”

Nên bằng bất cứ giá nào, cũng không thể nhân danh mưu sinh, không thể ngụy biện thương người nghèo mà đánh đổi kéo cả xã hội đi lùi, đẩy những người vô tội đến chỗ chết đầy oan uổng như vậy.

Video: Bị xe xích lô cứa "máy chém" vào cổ, bé trai 10 tuổi chết thương tâm 

An My
Bình luận
vtcnews.vn