Không thể đổ hết lỗi cho game online

Thế giới gameThứ Năm, 05/08/2010 07:31:00 +07:00

Theo anh Đoàn Mạnh Tiến, kỹ sư công nghệ thông tin, không thể nào "ngăn sông cấm chợ" trong một thế giới ngày càng có tính "mở" như hiện nay.

Báo chí những ngày này đang nói về chuyện game online (GO) như một vấn nạn, còn những người chơi game, những người trong cuộc và những người không chơi game thì nói gì? Nhiều độc giả đã đã chia sẻ ý kiến nhằm góp phần có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về game online cũng như cách quản lý trò chơi trực tuyến sao cho hợp lý.

GO - trò giải trí sáng tạo

Bạn đọc [email protected], cho rằng, GO chỉ là một hình thức giải trí, giao lưu, không phải ai chơi game cũng nghiện. “Tôi hiện giờ là sinh viên năm cuối, học hành vẫn bình thường, năm sau vẫn sẽ tốt nghiệp, từ hồi chơi game chưa sút cân nào. Nói vậy, còn rất nhiều thứ có khả năng gây nghiện và độc hại hơn cả game như thuốc lá, rượu bia... nhưng có ai cấm đâu”, bạn chia sẻ.

Theo độc giả này, nếu không có game, không có những trò giải trí, phần lớn các em hoặc những người ít bạn bè, sẽ không có gì để giải trí khi buồn... Nếu không có game, các em sẽ làm gì khi rảnh rỗi? Có phải em nào cũng sẽ giành thời gian học, ở bên gia đình, hay sẽ ra đường tụ tập bạn xấu, hoặc sa đà vào những thứ khác như thuốc lá, rượu bia... những thứ mà hiện nay nước ta vẫn chưa có chủ trương cấm… Do đó không thể đổ hết lỗi cho GO.

 Nhiều game online thu hút được rất đông người chơi (Ảnh: Giadinh.net)

Cùng quan điểm này, anh Đoàn Mạnh Tiến, kỹ sư công nghệ thông tin, trưởng phòng kỹ thuật của một công ty trong ngành tài chính, góp ý: GO là một hình thức cung cấp nội dung mang đầy tính sáng tạo vì vậy thúc đẩy phát triển ngành này lên. “Chúng ta có thể nhìn sang những hình thức cung cấp nội dung số khác (tin nhắn rác, quảng cáo, kết quả sổ xố...) thì rõ ràng game online mang rất nhiều tính sáng tạo và giải trí cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn, và cần nhận được những chính sách của nhà nước để phát triển lĩnh vực này nhiều hơn nữa”, anh Tiến chia sẻ.

Theo anh, không thể nào "ngăn sông cấm chợ" trong một thế giới ngày càng có tính "mở" như hiện nay. Vì vậy, những người làm quản lý trước hết phải là những người hiểu rõ thị trường game, có thông tin đầy đủ trước khi quyết định đưa ra chính sách. Có rất nhiều case study cho chúng ta học tập, như Hàn Quốc, Ấn Độ... Các nước này có thể nói là kinh đô của game, người ta vẫn phát triển và quản lý được, chúng ta nên học tập.

Trẻ cần có sân chơi

Bạn đọc thuan…@pvgas.com.vncho rằng, học sinh sau giờ học cần có sân chơi, đó là nhu cầu không thể thiếu. Tuy nhiên, ở các thành phố, các bãi đất trống nào có bao giờ giành cho sân chơi của thanh thiếu niên hay bãi giữ xe không? Sân chơi thì không được khuyến khích, nhưng nhà hàng, quán nhậu, karaoke, ngay cả nhà nghỉ lại cho phát triển không có kiểm soát nào hết.

Độc giả Đặng Minh Tâm thì cho rằng, những đứa trẻ mê chơi game và phạm pháp vì game đều là con em của những gia đình không biết cách quản lý và chăm sóc con, thậm chí không quan tâm gì tới con cái. Để dạy dỗ một đứa trẻ hư hỏng nên người, không thể cấm tất cả những nơi nó đặt chân đến, hay nói một cách khác là cấm các mặt, các hoạt động của xã hội xung quanh nó… “Cái gì chúng ta cũng nhìn thấy toàn là những mặt tiêu cực xung quanh đứa trẻ đó rồi chúng ta cấm như vậy thì liệu đứa trẻ đó có nên người không?”.

Theo độc giả này, chúng ta cần phải làm lại từ đầu với những đứa trẻ còn rất nhỏ, chúng ta phải quản lý chúng chặt chẽ hơn, phải dạy dỗ chúng nhiều hơn, phải chỉ ra được cho chúng biết đâu là tốt đâu là xấu và cần phải làm gì để tránh những cái xấu đó. Khi đứa trẻ đó lớn dần thì chúng ta dành nhiều thời gian quan tâm chúng hơn (không thể để một đứa trẻ 14 -15 tuổi đi chơi 11 giờ khuya mà gia đình không biết con em mình đi đâu), chúng ta phải tạo điều kiện cho trẻ tham gia những hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh vào những lúc rảnh rổi, khuyến khích học hành bằng những phần thưởng mang giá trị tinh thần cao…

Kỹ sư Đoàn Mạnh Tiến, cũng cho rằng, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội vẫn là cái thiếu tại Việt Nam. Nhà trường chỉ muốn đại lý game cách xa về mặt vật lý càng xa càng tốt, gia đình không quan tâm giám sát các cháu học sinh đúng mức đến lúc phát hiện ra mất tiền, con cái sa đà quá thì mới phát hiện ra và đặc biệt về mặt xã hội cần tạo ra những sân chơi khác cho các cháu. “Tôi thấy ở HN đang thiếu rất các sân chơi cho các cháu. Có thể nói Game nếu quản lý tốt thì là một sân chơi hết sức bổ ích cho các cháu”, anh Tiến chia sẻ.

Còn theo ý kiến của bạn đọc luongkim…[email protected], các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên Việt Nam... nên có các chương trình hấp dẫn hơn nữa để tạo được sân chơi, giải trí lành mạnh hơn để học sinh sinh viên có chỗ, có nơi mà đóng góp, khi đó mới có nhận thức tốt hơn. Bạn cho rằng, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian chăm sóc, quan tâm con mình, bởi vì con của bạn không chỉ cần vật chất mà còn cần cả tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc. Chính tình yêu thương của bố mẹ sẽ giúp con cái không sa đà nghiện chơi game.

Cần có biện pháp quản lý hài hòa

Theo bạn luongkim…[email protected], cấm đoán tuyệt đối việc chơi game là không thoả đáng, nên có biện pháp quản lý thỏa đáng hài hòa. Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa nội dung của game và các tiêu chí đánh giá đưa ra của nhà quản lý không thể chỉ từ góc độ quản lý mà phải tham khảo cả ý kiến của người dân. Song song với đó, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người chơi game hơn nữa để họ biết và làm chủ được hành vi của mình tốt hơn.

Theo bạn thuan…@pvgas.com.vn, quản lý GO không nên chỉ là những biện pháp hành chính như cắt đường truyền điện thoại và quy định cửa hàng Internet phục vụ game online nằm cách các trường học 200m. Bạn cho rằng, giải pháp này là không khả thi và chỉ người ngồi bàn giấy suốt ngày mới nghĩ ra vì không thể làm được với mật độ dân cư dày đặc như ở Hà Nội hay Tp.HCM.

Trở lại vấn đề giáo dục trẻ em, độc giả Đặng Minh Tâm cho rằng, về phía nhà nuớc, cần phải quan tâm nhiều hơn tới giáo dục, phải là cầu nối trung gian để liên kết nhà trường với gia đình để quản lý thời gian của trẻ được chặt chẽ. Xây dựng những chính sách pháp luật phù hợp để buộc gia đình quan tâm tới trẻ nhiều hơn (luật quản lý trẻ em dưới 18 tuổi), xây dựng những trường giáo dưỡng để dạy học và đào tạo nghề cho những trẻ lang thang phạm tội.

Về phía xã hội, cần có những game có ý nghĩa, những môn giải trí lành mạnh mang tính hấp dẩn cao để thu hút được giới trẻ nhất là những trẻ lang thang, bụi đời (thành phần rất dễ phạm pháp), cần phải tuyên truyền rộng rãi vào từng hộ gia đình thấy được tác hại của game để khuyên răn, ngăn chặn con em mình tránh chơi game quá nhiều.

Độc giả Đặng Minh Tâm cho rằng, các tệ nạn nếu phát sinh là một hệ lụy của rất nhiều vấn đề mà chúng ta đã lơi lỏng từ trước tới nay, do đó cần có nhiều thời gian và công sức của tất cả mọi người, cùng nhìn nhận vấn đề và từng bước tháo gỡ.

Theo VNR500 - Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn