'Không thấy đâu tiêu xài ngân sách tùy tiện như nước mình'

Thời sựThứ Tư, 29/10/2014 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay các cơ quan nhà nước đang tiêu xài tiền ngân sách một cách tùy tiện.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay các cơ quan nhà nước đang tiêu xài tiền ngân sách một cách tùy tiện.

Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng dự án Luật ngân sách nhà nước lần này sẽ đổi mới căn bản quy trình thiết lập, công bố, kiểm soát ngân sách để đảm bảo kỷ cương trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) 
"Tôi đi thăm một số nước mà cuối tháng 12 người ta không mời được cơm vì ngân sách chưa có. Còn nước ta thì ăn nhậu vô tội vạ rồi vẫn quyết toán được", ông Lịch nêu ra thực tế.
Vị đại biểu này bày tỏ bức xúc trong cách sử dụng ngân sách ở Việt Nam hiện nay: "Không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như nước mình. Tại sao như vậy?". 
Từ đó ông Lịch đề nghị việc quyết ngân sách phải trải qua 2 kỳ họp Quốc hội. "Kỳ giữa năm chúng ta mổ xẻ từng địa phương, từng ngành trong năm tới hay những địa phương ngành nào cần hỗ trợ bao nhiêu,cái gì, một cách minh bạch thì Quốc hội quyết". 
Vị đại biểu này cho rằng Quốc hội phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận cho kỹ. Sau khi quyết thì Chính phủ thực hiện. Đến kỳ họp cuối năm thì mới rà lại để xem xét. 
“Nếu có "du di" thì phải thuyết minh, lúc đó mới quyết được ngân sách”, ông Lịch nêu ý kiến. 
 
Không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như nước mình
Đại biểu Trần Du Lịch
 
Đề xuất về cách quản lý ngân sách, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng phải thực hiện nguyên tắc tập trung trong quản lý ngân sách. Bởi vì, thực tế vừa qua có rất nhiều cơ quan có thẩm quyền cùng "thò" vào túi ngân sách. 
Ông Hà lấy ví dụ chế độ tiền lương và phụ cấp theo lương, có nhiều chủ thể có thẩm quyền quyết định, từ cơ quan chủ quản, rồi Bộ Tài chính, đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định), Trưởng ban Kinh tế Trung ương lại cho rằng "mục tiêu lớn nhất trong chi tiêu chính là tính hiệu quả, tuy nhiên Luật không đề cập đến mà chủ yếu là khoán định mức".
"Ngân sách không phải là cái kéo mà cắt, xén, Quan trọng là chi thế nào cho hiệu quả. Chi 1 tỷ đồng nhưng hiệu quả cũng phải chi. Còn 1 đồng nhưng không hiệu quả thì cương quyết không chi", ông Huệ nêu ý kiến.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết vừa qua Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư là một khoản chi rất đúng và kịp thời. Tuy đó là khoản chi lớn nhưng được sử dụng hiệu quả, đầy tính nhân văn thì Quốc hội sẽ duyệt chi.
Góp ý vào Luật ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu khác cho rằng thời gian qua có nhiều khoản thu không đưa vào ngân sách Nhà nước khiến thu ngân sách không phát huy hết nguồn lực.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị cần minh bạch khoản thu ngân sách theo nguyên tắc: "Tất cả các khoản thu thuộc quản lý của Nhà nước thì đều phải đưa vào ngân sách Nhà nước". 
Ông Thăng đề xuất cần quản lý các Quỹ Tài chính ngoài ngân sách để chống tham nhũng. 
Cũng có cùng quan điểm này, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho rằng yêu cầu công khai minh bạch ngân sách rất quan trọng bởi quyền thu thuế là của Nhà nước nhưng người đóng góp là dân. Vì vậy theo ông Thảo dân phải biết được Nhà nước chi tiêu tiền ngân sách đó như thế nào?
“Cần phải được thực hiện ở 3 yếu tố như: đơn giản hóa nội dung, thủ tục công khai, tăng cường trách nhiệm giải trình về ngân sách; tăng cường sự tham gia của người dân”, đại biểu Đinh Xuân Thảo kiến nghị.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn