"Không sợ lộ bí mật tại cảng Cam Ranh"

Thời sựThứ Ba, 02/11/2010 07:41:00 +07:00

Cam Ranh không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài, cũng không phải cho nước ngoài thuê làm căn cứ.

Cam Ranh không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài, cũng không phải cho nước ngoài thuê làm căn cứ.

Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố Việt Nam có kế hoạch xây dựng một cảng dịch vụ tổng hợp tại Cam Ranh để cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm theo cơ chế thị trường. Giải thích rõ hơn kế hoạch này, bên hành lang Quốc hội ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết:

Cam Ranh hiện do quân đội quản lý. Khu vực vịnh này rộng lớn, nước sâu, có khả năng tiếp nhận nhiều tàu lớn, trong khi đó tàu thuyền của mình chưa nhiều nên công suất sẽ dư thừa. Cho nên phải kết hợp làm dịch vụ cho cả tàu hải quân nước ngoài, kể cả tàu dân dụng, kinh tế.

Tàu sân bay cũng không loại trừ

. Thưa bộ trưởng, Cam Ranh có thể tiếp đón những loại tàu chiến nào? Có khả năng cung cấp dịch vụ cho tàu sân bay không?

+ Cả tàu ngầm và tàu mặt nước. Tàu sân bay cũng không loại trừ.

. Tàu hải quân của nước đang tranh chấp lãnh thổ với ta thì có được dùng dịch vụ ở Cam Ranh không?

+ Cái đó mình cũng có thể xem xét. Trường hợp cụ thể có thể cho vào. Vì đây là căn cứ để làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước với tinh thần bình đẳng và chủ quyền chúng ta quản lý có kiểm soát. Tàu nào muốn vào phải xin phép, phải làm hợp đồng kinh tế. Hiện nay chúng ta vẫn cho tàu của họ vào thăm các cảng của chúng ta qua con đường ngoại giao.

Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao (Ảnh: CTV/Pháp luật TPHCM) 

Khu dịch vụ kỹ thuật-hậu cần hải quân này là tách riêng với căn cứ tàu nổi, tàu ngầm của ta nên không sợ lộ bí mật. Hơn nữa, đây là làm dịch vụ chứ không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài, cũng không phải cho nước ngoài thuê làm căn cứ.

. Thủ tướng nói ta cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường, vậy hiệu quả kinh tế của dự án thế nào và liệu có khả năng cạnh tranh với các trung tâm dịch vụ hải quân khác trong khu vực?

+ Chắc chắn tốt. Tôi đã đi một số nước, như Singapore họ thu lợi rất nhiều. Còn ta ít nhất cũng bù đắp được phần dịch vụ cho tàu hải quân mình. Nếu có đội ngũ chuyên môn kỹ thuật giỏi, hậu cần tốt thì ta có thể cạnh tranh được.

Ngoài hiệu quả kinh tế, việc cung cấp dịch vụ hải quân còn giúp tăng cường giao lưu giữa hải quân Việt Nam và các nước. Qua đó chúng ta cũng học tập kỹ thuật để xây dựng hải quân theo hướng hiện đại.

Đàm phán thuê tư vấn của Nga

. Dự án được triển khai đến đâu rồi, thưa ông?

+ Chúng tôi đang đàm phán để thuê tư vấn của Nga và còn có thể phải thuê chuyên gia nước khác để thẩm định, phản biện, bảo đảm khách quan, hợp lý, hiệu quả nhất… Ổn hết mới trình lãnh đạo phê duyệt, rồi mới triển khai xây dựng. Vốn của ta, ta làm chủ đầu tư, ta quản lý nên hoàn toàn thuộc chủ quyền của ta. Dự án như vậy, nhanh cũng phải ba năm mới xong.

. Tại sao lại chọn Nga làm đối tác trong dự án này?

+ Vũ khí trang bị của ta chủ yếu là của Liên Xô viện trợ. Vũ khí mới đang và sẽ mua cũng chủ yếu là của Nga. Đây là đối tác chiến lược, về mặt chính trị tin cậy; về mặt công nghệ thì hiện đại, ta đã quen sử dụng. Giá cả hợp lý, so với phương Tây rẻ hơn nhiều. Do đó, chúng ta phải thuê chuyên gia tư vấn, vận hành ban đầu của Nga.

. Có nhiều nước quan tâm tới kế hoạch này không, thưa ông?

+ Nhiều nước tỏ ra quan tâm nhưng chính thức mới chỉ có Nga. Còn nước khác đặt vấn đề chính thức thì ta sẽ xem xét, đàm phán. Cảng Cam Ranh kín gió, lại là cảng nước sâu, nó gần tuyến hàng hải quốc tế nên tàu thuyền ra vào thuận lợi.

. Ta mở dịch vụ hải quân như vậy, có nước nào lo ngại không?

+ Đây là chủ quyền của chúng ta. Trung Quốc cũng có các căn cứ hậu cần kỹ thuật cho các nước, kể cả tàu chiến của Mỹ. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, tăng cường giao lưu và là đối tác tin cậy của các nước nên làm dịch vụ vậy là bình thường.

. Xin cảm ơn bộ trưởng.

Nhiều nước quan tâm dự án Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh có nước sâu tự nhiên, không phải tốn nạo vét, kín gió, không phải chắn sóng, lại rộng rãi, tàu lớn vào được và ngay gần các tuyến hàng hải quốc tế. Nhu cầu dịch vụ của các nước lại lớn. Như Nga, Ấn Độ, Pháp, Nhật, Mỹ và cả Úc, Canada… đều đề nghị lâu rồi nhưng mình chưa có điều kiện đầu tư nên chưa làm.

Khả năng cạnh tranh của Cam Ranh với các cảng trong khu vực là rất tốt nhưng phải đầu tư lớn. Singapore đầu tư 7 tỉ USD, mình chắc chưa thể nhưng chắc mở là có lãi. Cam Ranh có cả sân bay, đường sắt, đường bộ. Dự kiến ngoài cung ứng dịch vụ kỹ thuật, tiếp liệu, sửa chữa nhỏ, thực phẩm… ta cũng phải triển khai các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ ngơi, khách sạn, sân golf cho thủy thủ đoàn. Đa số họ đến nghỉ trên bờ và rất mạnh chi. Tàu lớn họ vào, có thể vợ con bay sang luôn để thăm.

Hiện quân chủng Hải quân đang lên kế hoạch nhân lực, kể cả gửi ra nước ngoài để đào tạo tiếng Anh, kỹ năng quản lý. Còn chuẩn bị dự án thì một số công ty trong nước đã xúc tiến tìm hiểu để cùng hải quân mở các dịch vụ ở Cam Ranh.

Tư lệnh quân chủng Hải quân NGUYỄN VĂN HIẾN 

Theo Thành Văn - Nghĩa Nhân/Pháp luật TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn