Không quy định người ứng cử tự vận động bầu cử

Thời sựThứ Năm, 14/08/2014 05:36:00 +07:00

(VTC News) - Đại diện ban soạn thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nêu ra thực tế có trường hợp người ứng cử sử dụng vật chất gây mất công bằng

(VTC News) -  Đại diện ban soạn thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nêu ra thực tế đã có trường hợp người ứng cử sử dụng vật chất gây mất công bằng.

Chiều 14/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 
                                                                  
Ông Hà Minh Sơn, Phó trưởng ban công tác đại biểu cho biết dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định về vận động bầu cử. Hiện nay, có hai hình thức vận động bầu cử là thông qua Hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.
Trong quá trình soạn thảo, có ý kiến đề nghị nên quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri.

Ý kiến khác cho rằng, không nên quy định hình thức này bởi cách thức tổ chức bầu cử ở nước ta có đặc thù riêng, người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, do vậy, những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử.

“Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”, ông Sơn thông tin.

Vì vậy, ông Sơn cho rằng, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.

Ngoài ra, Phó trưởng ban công tác đại biểu Hà Minh Sơn cho biết  liên quan đến quyền bầu cử, có ý kiến đề nghị cần quy định việc tổ chức bầu cử đối với công dân Việt Nam hiện đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài, vì đây là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định.

Ban soạn thảo thấy rằng để đảm bảo quyền công dân, tất cả công dân Việt Nam đều có quyền bầu cử, tuy nhiên quy định đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào, thuộc đơn vị bầu cử nào là khó có thể xác định.

Hơn nữa, cử tri là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, lao động học tập ở nước ngoài không nhiều nhưng lại sống rải rác khắp nơi trên thế giới, múi giờ của các nước trên thế giới cũng chênh lệch nhau, ... do đó có nhiều khó khăn trong việc tổ chức bầu cử và phương tiện đi lại.

Căn cứ điều kiện hoàn cảnh thực tế Việt Nam hiện nay, ban soạn thảo đề nghị trước mắt không quy định về vấn đề này trong Luật bầu cử mà nên để Ủy ban thường vụ Quốc hội có hướng dẫn thi hành.

Về hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, ông Sơn cho biết: Thực tiễn các cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, hồ sơ ứng cử, nhất là của người tự ứng cử, không làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có những thiếu sót nhất định.

Nhiều người tự ứng cử là chủ doanh nghiệp tư nhân, sơ yếu lý lịch do “cơ quan công tác” là chính doanh nghiệp của người đó tự xác nhận, không đảm bảo độ chính xác, thiếu tính chất pháp lý.

Vì vậy, cần bổ sung lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ban soạn thảo đã bổ sung  quy định về Hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải có phiếu lý lịch tư pháp.

Phó trưởng ban công tác đại biểu cũng nêu thêm thêm: "Về việc bổ sung giấy khám sức khỏe, thực tiễn các nhiệm kỳ vừa qua, có tình trạng đại biểu không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ, ở Quốc hội có đại biểu ốm dài ngày, có đại biểu được bầu nhưng sau đó không thực hiện được nhiệm vụ đại biểu do sức khỏe.

Vì vậy, ban soạn thảo đề nghị hồ sơ ứng cử cần có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền".
 
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng người ứng cử cần phải lý lịch tư pháp, phiếu kiểm tra sức khỏe và thậm chí nên có bản kê khai tài sản.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định trong hồ sơ ứng cử đối với người tự ứng cử phải được ít nhất 30% cử tri nơi cư trú giới thiệu, ban soạn thảo thấy rằng, người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, phải được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cử tri nơi công tác giới thiệu mới được nộp hồ sơ ứng cử, nhưng người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương, do vậy thiếu sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Do vậy, ban soạn thảo đề nghị bổ sung quy định đối với người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc đưa ra tỷ lệ 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu sẽ hạn chế người dân tự ứng cử. Ông Phúc cũng khẳng định quy định này là không cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng đối với một người bình thường thì không nên quy định cứng nhắc 30% cử tri tổ dân phố, thôn giới thiệu.

Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức bầu cử cần cung cấp mẫu in phải rộng rãi để người tự ứng cử được khai đầy đủ để người đi bầu cử được biết chính xác.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn