Không đóng bảo hiểm xã hội thì phải phá sản

Kinh tếThứ Năm, 29/05/2014 02:10:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu doanh nghiệp không có tiền đóng bảo hiểm xã hội thì phải tính đến việc phá sản.

(VTC News) -  Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu doanh nghiệp không có tiền đóng bảo hiểm xã hội thì phải tính đến việc phá sản.

Sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phát biểu tại cuộc họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Luật bảo hiểm xã hội còn rất nhiều vấn đề chưa ổn.
Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi phải khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội. Chỉ có ở Việt Nam khi nợ thuế  xảy ra nhưng cán bộ thuế và doanh nghiệp cứ du di với nhau. Việc nợ bảo hiểm xã hội xâm hại quyền lợi người lao động.
Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý 

“Nếu một doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội nhiều thì đến lúc phải áp dụng luật phá sản”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.


Ông Nghĩa cũng lấy ví dụ trường hợp doanh nghiệp Mai Linh nợ bảo hiểm xã hội gần 90 tỷ đồng nhưng lại lập luận rằng nếu nộp thì không có tiền trả lương người lao động.

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đã thừa nhận ngay về khoản nợ bảo hiểm xã hội của tập đoàn, cũng như việc đã thu tiền của người lao động hàng tháng nhưng chưa nộp bảo hiểm. Số tiền thu của người lao động được lý giải được dùng để trả lương, không nợ lương người lao động. Mặc dù tập đoàn đang khó khăn về tài chính.

Đại diện của tập đoàn này cho biết mặc dù nợ "rất xấu hổ, mắc cỡ nhưng thà rằng nợ chứ không để người lao động mất việc".

Tuy nhiên, quan điểm này cũng không được các đại biểu đồng tình. “Không ai đi kinh doanh trong cơ chế thị trường lại lập luận trái khoáy như thế. Nếu doanh nghiệp không có tiền đóng bảo hiểm xã hội thì phải tính đến chuyện phá sản”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội không có khả năng chi trả thì phải tính tới chuyện phá sản 

Vị đại biểu này cho rằng cần phải làm rõ những vấn đề này trong Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi. Việc thực hiện này đảm bảo quyền lợi cho những người lao động thấp cổ bé họng, luật phải đảm bảo cho họ, nếu không họ thiệt thòi, trong khi đóng góp rất nhiều. Phải bảo vệ người thế yếu, số đông trong xã hội.


Bảo hiểm xã hội là quản lý tiền của người lao động. Đây là cuộc sống, tương lai của rất nhiều người nên không được lấy làm ăn đầu tư bừa bãi. Vì vậy, luật này cần phải quy định rõ ràng và có tiêu chí để báo động, tách chuyện đầu tư một cách minh bạch.

“Dùng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư cần phải có một chính sách riêng. Thậm chí phải có một nghị định quản lý chặt vấn đề này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất cũng cho rằng luật không khắc phục được tình trạng nợ đọng bảo hiểm. “Bảo hiểm phải thiết kế thu như thuế để đảm bảo. Để nợ doanh nghiệp phá sản lấy gì đòi”, ông Ánh.

Không đồng tình với việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư một cách bừa bãi, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội cũng đem đầu tư ra ngoài ngành, vì vậy cần phải quy định chặt chẽ.

Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Hưng băn khoăn trong khi đang lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội nhưng "kết dư thừa hàng nghìn tỷ đồng đem đi đầu tư tài chính bị thiệt hại trách nhiệm thuộc về ai?".


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn