Không đọc kỹ hợp đồng, khách vay tiền ấm ức

Kinh tếThứ Bảy, 18/12/2010 11:24:00 +07:00

Anh Thế vay 30 triệu đồng từ Prudential và muốn tất toán trước hạn nhưng không được công ty này chấp nhận.

Anh Thế vay 30 triệu đồng từ Prudential và muốn tất toán trước hạn nhưng không được công ty này chấp nhận. Theo khách hàng này, trước khi vay vốn, một phần do không được nhân viên Prudential giải thích kỹ càng về quy định tất toán trước hạn, đến khi ký hợp đồng anh cũng chủ quan không đọc kỹ từng điều khoản trong phụ lục.

Khách vay tiền nhớ đọc kỹ điều khoản hợp đồng để tránh rắc rối về sau. Ảnh: Báo Công Thương 
Anh Thế cho biết, vào tháng 11/2008 có ký hợp đồng vay tín dụng cá nhân với Công ty TNHH một thành viên Tài chính Prudential Việt Nam với số tiền 30 triệu đồng, thời hạn 36 tháng, lãi suất 1,52% một tháng.


Theo khách hàng này, trước khi vay vốn, một phần do không được nhân viên Prudential giải thích kỹ càng về quy định tất toán trước hạn, đến khi ký hợp đồng anh cũng chủ quan không đọc kỹ từng điều khoản trong phụ lục. Do đó, anh không phát hiện ra sự "đánh đố" tại điều khoản quy định: "Theo yêu cầu của bên vay, bên cho vay có quyền nhưng không có nghĩa vụ cho phép bên vay trả trước hạn…". "Họ dựa vào điều này và không cho tôi tất toán trước hạn dù tôi có năn nỉ kiểu gì", anh ấm ức nói.

Trước sự việc trên, đại diện Công ty TNHH một thành viên Tài chính Prudential Việt Nam cho rằng, điều 4.2, khoản a, phụ lục 2 về điều kiện và điều khoản chung của hợp đồng quy định: “Theo yêu cầu của bên vay, bên cho vay có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) cho phép bên vay trả trước hạn toàn bộ dư nợ gốc của khoản vay với những điều khoản và điều kiện mà bên cho vay chấp thuận”.

Do đó, đại diện Prudential cho biết, căn cứ vào điều khoản trên, công ty là bên cho vay có toàn quyền chấp thuận hoặc từ chối yêu cầu tất toán trước hạn của bên vay. Hơn nữa, thời gian này công ty đang áp dụng chính sách chung tạm ngưng thực hiện yêu cầu tất toán trước hạn, chính sách này phù hợp với điều kiện và điều khoản chung của hợp đồng đã ký kết với khách hàng.

Không chỉ anh Thế, cơ quan báo chí cũng nhận được nhiều phản ánh khác từ khách hàng khi vay tiền tại các công ty tài chính. Họ cho biết do không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký nên phải nhiều phen "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trường hợp cuả chị Thanh, Bình Thạnh là một ví dụ. 6 tháng trước chị vay 20 triệu đồng từ một công ty tài chính có trụ sở tại quận 1, nhưng trong hợp đồng không thấy có quy định cụ thể về lãi phạt khi trả nợ trước hạn là bao nhiêu %. Đến khi chị tới xin tất toán trước hạn đã bị nhân viên tính tiền "loạn xạ". Cho rằng mình bị "ăn chặn", nhưng chị cũng đành phải thanh toán cho xong.

Chị Thanh nhận xét, các hợp đồng tín dụng cá nhân của nhiều công ty tài chính hiện nay thường có các điều khoản rất "đánh đố', nếu khách không chịu xem kỹ trước khi ký sẽ gặp rắc rối lớn về sau. “Tôi hy vọng đây sẽ là bài học nằm lòng cho nhiều khách hàng, cần cẩn thận và kỹ tính hơn khi tham gia vay tín dụng”, chị Thanh nói.

Theo luật sư Kiều Đại Bằng (thuộc một văn phòng công chứng tại TP HCM), thông thường trong hoạt động cho vay tín dụng, người vay bao giờ cũng có quyền được tất toán trước hạn nếu thỏa điều kiện bên cho vay.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp tổ chức tín dụng cố tình đưa ra những điều khoản mang tính "đánh đố" để ép người vay vào thế khó. Do đó, việc tìm hiểu kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký bao giờ cũng cần thiết. Đây là công cụ pháp lý giúp khách hàng tự bảo vệ mình, để tình ngay và lý khó gian.


Theo Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn