Không dám về quê ăn Tết vì... nỗi lo "túi rỗng"

PhimThứ Hai, 22/02/2010 09:36:00 +07:00

(VTC News) - Tết đến, mọi người đều mong về đoàn tụ với gia đình. Nhưng cũng có những trí thức trẻ "sợ" và "trốn" về quê vì nỗi lo túi rỗng...

(VTC News) - Mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều người mong chờ đến ngày được về quê đoàn tụ với người thân. Thế nhưng, cũng những ngày này, có những người như Tống Bình Dương, nhân viên một công ty thương mại ở khu Giang Bắc, Quảng Châu, Trung Quốc, đã phải đưa ra một quyết định khó khăn – không về quê ăn tết.

Đi Vân Nam “trốn tết”

“Ai mà chẳng mong về nhà, ăn bữa cơm tất niên do mẹ mình nấu, tôi cũng thèm lắm chứ; nhưng không có tiền, không dám về nhà” - Chàng trai 27 tuổi Tống Bình Dương kể. Công ty anh đang làm năm vừa rồi làm ăn kém đi, lương tháng từ 5000 NDT (khoảng 13 triệu đồng) giảm xuống còn dưới 3000, trừ đi tiền thuê nhà, tiền điện nước, đi lại, tiền điện thoại… thì cũng chẳng còn là bao cho sinh hoạt phí, nói gì đến tiền tiết kiệm. Vốn chỉ chờ đến ngày nhận tiền thưởng Tết, ai ngờ gần đến ngày nghỉ, lãnh đạo công ty tuyên bố, do công ty gặp khó khăn, năm nay chỉ phát cho mỗi người 1000 NDT gọi là “an ủi”.

Bao nhiêu hi vọng tan thành mây khói, anh chàng lên mạng than thở, không ngờ gặp ngay mấy người bạn khác cùng cảnh ngộ. Cuối cùng, tất cả lên một kế hoạch: không về quê ăn tết, mà đến Vân Nam “nghỉ Tết” – mà thực chất là “trốn Tết”.

Nhiều thanh niên Trung Quốc tự mình từ chối xum họp gia đình dịp Tết vì những lý do khó nói (Ảnh minh hoạ). 
Kế hoạch của họ là đi bằng phương tiện rẻ nhất, ở nhà nghỉ xoàng nhất, cơm nước giản tiện nhất có thể, để cả hành trình chỉ tiêu hết dưới 2000 NDT. Tống Bình Dương khoe anh đặt được vé máy bay hạ giá tới 35%, rẻ còn hơn đi tàu hỏa.

Nỗi lòng khó nói

Tống Bình Dương cho biết, gia đình anh ở quê rất đông họ hàng, bố có 7 anh chị em, mẹ có 4 anh chị em. Riêng trong nhà, anh là con thứ 4, trên có 2 ông anh, 1 bà chị. Mỗi năm Tết đến, cả gia tộc có truyền thống đoàn viên, rồi cứ theo tục lệ, biếu ông bà nội ngoại tiền “hiếu kính”, rồi mừng tuổi cho các em, các cháu, mỗi người ít nhất 100 NDT. Anh nhẩm tính, những bậc “lão niên” trên 70 như ông bà nội ngoại, tất cả có 7 người, mỗi người ít nhất 200 tệ, đã là 1400; các cháu con anh chị tất cả 5 đứa, ít nhất 1000; lại còn 6 anh chị em họ còn đang đi học, bỏ rẻ mỗi người 100 tệ, cũng là hết 600; thêm cháu họ 5, 6 đứa, cũng phải mất vào đó 5, 6 trăm tệ. Ngoài ra, còn phải biếu riêng bố mẹ 1000 tệ. Như vậy, chưa tính chi phí đi đường, chỉ riêng tiền mừng cho mọi người trong nhà đã là 4- 5000 tệ.

“Tất cả tài khoản của tôi bây giờ chỉ có 6, 7 nghìn, cứ như vậy thì ra tết, đến tiền ăn cũng chẳng có” – Bình Dương giải thích.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Tống Bình Dương nói thẳng rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến anh không dám về nhà là áp lực tâm lý, không muốn cha mẹ và người nhà thấy hoàn cảnh hiện tại của mình.

“Cả 2 anh trai tôi đều không học đại học, chỉ làm thuê ở Thâm Quyến, vậy mà đều mua được ô tô, mua được nhà riêng, cuộc sống không giàu sang thì cũng gọi là sung túc. Vậy mà tôi thì học hết đại học, đi làm đã 4 năm nay, đến tiền về quê ăn tết cũng không lo nổi, đến ngẩng đầu lên cũng không nổi, thật không còn tâm trạng nào mà tết nhất nữa. Rồi lúc cả nhà ngồi hàn huyên, thế nào chả bị hỏi đến những chuyện công việc, lương lậu. Tất nhiên là ba hoa một tí thì cũng được thôi, nhưng trong lòng chẳng thấy ngọt ngào gì. Chẳng thà không về nhà, có khi còn thấy thoải mái hơn”.

Vì những lí do ấy, Tống Bình Dương và những người bạn đồng cảnh ngộ quyết định “trốn tết”, gọi điện về nhà nói dối là phải làm thêm, rồi hứa đến tết Thanh minh hoặc mùng 1 tháng 5 sẽ về.

Chuyện không của riêng ai

Câu chuyện của Tống Bình Dương được đưa lên mạng vào những ngày gần tết, đã gây ra sự chú ý của dư luận. Tưởng như chuyện đùa, nhưng điều bất ngờ là vừa được đưa lên, đã có nhiều người lên tiếng chia sẻ, đồng cảm. Số trí thức trẻ vì đồng lương eo hẹp mà không dám về quê hóa ra không hề ít, và đa số đều tán thành cách làm của Tống Bình Dương.

Một độc giả tên là Lý Dũng ở Khải Dương tâm sự, anh tốt nghiệp đã 2 năm, đến giờ vẫn chưa tìm được công việc tử tế, lương lậu chẳng được mấy đồng, nên tết này không về quê mà cùng mấy người bạn đồng hương ở lại tìm việc làm thêm, mong sau tết sẽ tìm được chỗ làm tốt hơn, có vậy sang năm mới có thể vui vẻ về nhà ăn tết. Lý Dũng cũng cho biết, những người “sợ về nhà” như anh không phải hiếm. Lưu Á Lệ, một cô gái An Huy, tốt nghiệp đại học ở Trùng Khánh và ở lại đó làm việc, cũng cùng mấy người bạn của mình quyết định chỉ gọi điện về nhà, nói dối là cơ quan phải làm thêm việc.

Một độc giả phân tích: “Tâm trạng này là biểu hiện của áp lực lớn và nhịp sống quá nhanh ở thành thị. Tất nhiên cách nghĩ này nói lên áp lực tâm lí, nếu có thể dùng những cách như là đi nghỉ xa đế thấy nhẹ nhõm thanh thản thì cũng nên thông cảm và khuyến khích". Một độc giả khác bất bình lên tiếng: “Đều là chẳng đặng chẳng đừng. Trí thức trẻ bây giờ, lương thì không đủ ăn, làm thì như trâu cày, thu nhập chẳng bằng một ông giáo về hưu. Tôi mà rơi vào hoàn cảnh đó thì cũng chọn cách “trốn” ăn tết ở quê ”.

Trong một cuộc điều tra trên mạng mới đây về việc “Vì sao bạn không dám về quê ăn tết?”, có đến 43% người chọn câu trả lời là “Chi phí tốn kém, lo không nổi.” 80% những người tham gia trả lời là thanh niên nam nữ còn độc thân, trong đó 90% có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 5000 NDT. Cuộc điều tra trên mạng Nhân tài Trung Quốc cho thấy, chi phí cho việc tiêu tết của giới trí thức văn phòng vào khoảng 3000 – 5000 tệ, trung bình 4000 tệ, chỉ có không đến 10% dưới 3000, một bộ phận nhỏ có mức chi trên 10.000. Chuyên gia nghiên cứu cho biết, việc chi tiêu 1/12 đến 1/6 mức thu nhập cả năm như vậy là quá cao.

Chuyên gia tâm lí Chu Vạn Lí, người phụ trách đường dây nóng tư vấn ở Quảng Châu cho biết: “Hiện nay áp lực lớn, cạnh tranh gay gắt, những người sống ở thành phố ngày tết không dám về quê như vậy ngày càng nhiều. Có nhiều người hoàn cảnh tương tự như Tống Bình Dương thậm chí đã gọi điện đến đường dây nóng xin chuyên gia tư vấn cho cách giải quyết”.

Rõ ràng, "sợ về quê ăn tết" là một dạng phản ứng bản năng, nỗi lo sợ của những người “sợ về quê” không phải là với bản thân việc về quê, mà là với các kiểu nỗi lo kéo theo khi trở về nhà vào dịp tết.

Tất nhiên, ngoài những ý kiến ủng hộ, cũng có nhiều độc giả cho rằng những hành động như vậy là quá cực đoan, và quá chú trọng đến khía cạnh quan hệ vật chất cũng như thể diện, mất đi ý nghĩa đích thực của ngày đoàn tụ. Một độc giả tên Ngô Nhất lên tiếng: “Các bạn phải biết, cha mẹ, người thân ở nhà trông ngóng các bạn trở về bất kể các bạn giàu hay nghèo, vì tình thân cao hơn tất cả. Mỗi người nên đặt mình vào vị trí của người làm cha làm mẹ để suy nghĩ, xin hãy bớt nghĩ đến chuyện sĩ diện, so bì, hư vinh đi một chút”. Một người mẹ thì tâm sự: “Con trai tôi cũng vừa tốt nghiệp, làm việc ở Bắc Kinh, lương cũng thấp. Tôi luôn nói với con, cần giữ tâm lí thoải mái, không có tiền cũng cứ vui vẻ mà về nhà, cả nhà đoàn tụ, vui vẻ khỏe mạnh là tốt rồi”.

Đông Linh (theo Sina và Quảng Châu nhật báo)

Bình luận
vtcnews.vn