Không có chuyện 'thổi phồng' cơn bão số 3

Thời sựThứ Tư, 03/08/2011 07:15:00 +07:00

(VTC News) – "Trung tâm đã dự báo khá chính xác khu vực đổ bộ và cường độ bão trước 18 tiếng" – Phó TGĐ Trung tâm KTTV quốc gia cho biết.

(VTC News) – "Trung tâm đã dự báo khá chính xác khu vực đổ bộ và cường độ bão trước 18 tiếng" – ông Phạm Văn Đức, Phó TGĐ TT KTTV quốc gia cho biết.

Người dân vùng ven biển xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh neo chằng nhà cửa đối phó cơn bão số 3. Ảnh: Hà Anh

Sau khi cơn bão số 3 đi qua, có một số ý kiến cho rằng, nhà đài đã “khai vống” sức mạnh của cơn bão này, làm người dân mất công đi sơ tán, tốn kém tiền của và thời gian.

Để tìm hiểu rõ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Ông Phạm Văn Đức, Phó TGĐ TT KTTV quốc gia. 

- Ngày 30/7, Trung tâm đã dự báo cơn bão số 3 sẽ đổ bộ vào Việt Nam, tâm bão sẽ nằm ở Thái Bình đến Hà Tĩnh và mức độ của cơn bão này cực kỳ nguy hiểm, có thể mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12. Tuy nhiên, trên thực tế thế nào?

- Có lẽ đã có sự nhầm lẫn khi nghe và hiểu về bản tin dự báo Cơn bão số 3. Thực tế, ngay từ đầu Cơn bão số 3 đã được nhận định không phải là cơn bão mạnh khi độ bộ vào đất liền. Bản tin dự báo bão phát sáng ngày 29/7 (trước khi bão đổ bộ vào đất liền 18 tiếng) đã nhận định, bão số 3 có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi bão đổ bộ vào đất liền cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Thực tế bão đã đổ bộ vào khu vực nam Thanh Hoá, bắc Nghệ An (Quỳnh Lưu – Tĩnh Gia), tốc độ gió ghi được ở các trạm ven biển đạt cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Như vậy Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã dự báo khá chính xác khu vực đổ bộ và cường độ bão trước 18 tiếng. Theo chúng tôi, dẫu bão chỉ mạnh cấp 8, cấp 9, cũng đã gây nguy hiểm cho vùng ven biển nơi bão đổ bộ, nên phải triển khai phòng tránh triệt để, đề phòng bất trắc xảy ra.

- Nhiều người cho rằng, việc dự báo chưa chính xác của Trung tâm sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Họ phải tốn công, tốn sức…để sơ tán. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, chẳng cứ gì dự báo bão, làm bất cứ việc gì nếu không đúng, không chính xác đều ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Nếu dự báo bão sai chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của bão. Nhưng theo tôi, nếu dự báo bão yếu mà bão mạnh sẽ gây hậu quả lớn hơn khi dự báo bão mạnh hơn chỉ 1 cấp so với thực tế.

- Để hạn chế tình trạng sai số trong dự báo thời tiết, đặc biệt là báo bão, theo ông, ngành khí tượng thuỷ văn cần làm những gì?

Để nâng cao chất lượng dự báo thời tiết nói chung, dự báo bão nói riêng, Ngành khí tượng thủy văn cần triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020 đã đựơc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước hết tổ chức thực hiện thật hiệu quả Đề án hiện đại hóa mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn giai đoạn 2010-2012. Tuy nhiên phải nói thêm rằng ta muốn làm điều gì cũng phải xem xét điều kiện thực tế chung của đất nước, không thể đốt cháy giai đoạn và đòi hỏi đầu tư vượt quá khả năng của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê mới nhất của TT, sai số trung bình của dự báo vị trí bão đổ bộ vào đất liền trước 24 giờ của nước ta là 127 km, trước 48 giờ là 210 km, xấp xỉ với đa số các nước trong khu vực.

Hoàng Lan
(thực hiện)

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.v



Bình luận
vtcnews.vn