Khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình Thung lũng Silicon

Thời sựThứ Tư, 19/08/2015 11:58:00 +07:00

Chỉ sau 4 tháng tham gia chương trình thúc đẩy doanh nghiệp, giá trị công ty khởi nghiệp do người Việt trẻ sáng lập đã được nhà đầu tư định giá gấp 9

(VTC News) - Chỉ sau 4 tháng tham gia chương trình thúc đẩy doanh nghiệp, giá trị công ty  khởi nghiệp do người Việt trẻ sáng lập đã được nhà đầu tư định giá gấp 9 lần (1,8 triệu đô). 

Đó là điển hình tiêu biểu và cũng là mong muốn chung của tất cả các nhà đầu tư khi tham gia vào Hệ sinh thái khởi nghiệp hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. 
Hệ sinh thái khởi nghiệp là khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Theo mô hình của Mỹ, hệ sinh thái khởi nghiệp xoay quanh các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) - các chương trình đào tạo - tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp - quỹ đầu tư mạo hiểm.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa) 

Tại Mỹ, các công ty khổng lồ như Google, Facebook đều khởi nghiệp thành công từ Thung lung Silicon và hiện nay, khi đã ở trên đỉnh cao của sự phát triển, họ lại đầu tư cho các startup mới để nhằm hỗ trợ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Điều này  khiến cho Thung lung Silicon ngày nay càng trở nên sôi động và hấp dẫn.
Những yếu tố làm nên thành công của Thung lũng Silicon gồm: Nguồn nhân lực, các trường đại học, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, và các chính sách của Chính phủ.


Thị trường nước ta hiện có một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động như IDG Ventures, Mekong Capital, Vina Capital, Cyber Agent... Tuy nhiên, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này, một con số khá khiêm tốn so với khoảng 300 doanh nghiệp được đầu tư mỗi năm tại các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc…   
Nhận thấy tầm quan trọng của việc hình thành và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, ngày 13/8/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm đối với cộng đồng Startup tại Việt Nam. Ông nhận định rằng cần có Quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước, có sự tham gia đầu tư vốn của tư nhân. Sau khi các quỹ này hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như cộng đồng Startup thì nhà nước có thể rút vốn. Bộ KHCN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành có liên quan để tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội và sẽ xây dựng thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị

Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lung Silicon tại Việt Nam” là bước khởi động đầu tiên của Bộ KHCN để hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp.
Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ ưu tiên thuộc các lĩnh vực năng lượng, y sinh, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông theo mô hình Thung lũng Silicon và xây dựng mối quan hệ giữa Quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đề án đã chọn ra được 9 nhóm khởi nghiệp để đưa vào trại tập huấn thúc đẩy kinh doanh (BA). BA đã đầu tư vốn mồi cho mỗi công ty này trung bình 10.000 USD và giữ 10% cổ phần trong mỗi công ty. Một số Startup khá thành công phải kể đến như: Công ty TechElite, Astro Telligent, LoanVi, Lozi…
Điển hình trong số đó là Công ty TechElite được sáng lập bởi ông Phạm Kim Hùng, Phạm Kim Hiệp. Tháng 6/2014 TechElite nhận vốn mồi từ Đề án với mức định giá công ty tại thời điểm đó chỉ là 200.000 Đôla Mỹ thì chỉ sau 4 tháng tham gia BA, giá trị công ty được nhà đầu tư định giá gấp 9 lần (1,8 triệu đô). Hiện nay công ty đang mở rộng bộ máy và có dự định đặt văn phòng tại Thung lũng Silicon Mỹ để đẩy mạnh việc sản xuất và bán sản phẩm của mình.
Bà Thạch Lê Anh- chủ nhiệm đề án
Bà Thạch Lê Anh- chủ nhiệm đề án  

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án, nhận định tại hội thảo: Đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start up) mang lại tỷ suất lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán hiện nay. Tại Thung lung Silicon Mỹ, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ cần đầu tư khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đô cho một công ty khởi nghiệp và thực tế cho thấy họ đã gặt hái nhiều thành công như ngày hôm nay. “Điều đó các nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”.
Trong chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Bộ KHCN, lãnh đạo một số bộ ngành có liên quan và Chủ nhiệm Đề án đã có cơ hội được học hỏi và tìm hiểu sâu sắc hơn các mô hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như các chính sách quản lý, hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm xây dựng và hoàn thiện mô hình tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị 

Đoàn đã đến thăm một số các công ty công nghệ lớn như Microsoft và Google…Điều đặc biệt nhất là các doanh nghiệp này đều dành tiền để tái đầu tư tìm kiếm đội ngũ startups mới và cho phép đội ngũ quản lý của mình dành thời gian để hỗ trợ các sinh viên cũng như các Startups trong khu vực.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN cho biết: Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Cục đang phối hợp với Đề án triển khai xây dựng Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo tại Việt Nam.
Thị trường tiềm năng trí tuệ của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên do môi trường và các chính sách còn gặp nhiều khó khăn nên có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải đưa tiền từ Mỹ sang Sinapore để đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam, như vậy ta sẽ mất đi các nguồn thu thuế, cũng như chảy máu chất xám của người Việt.
Đồng thời, ngay từ ban đầu chúng ta cần làm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp – các nhân tố chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp quen với trạng thái thi đấu quốc tế. “Đào tạo nâng cao tinh thần tự thân vận động của doanh nghiệp như: Đào tạo cách đầu tư kêu gọi nguồn vốn, đào tạo cách thuyết trình trong một thời gian ngắn (5 phút hoặc 3 phút) để có thể thuyết phục được nhà đầu tư” Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Video: Doanh nghiệp 

Trước đó 1 ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt các Startup. Một số doanh nghiệp đã nêu những khó khăn về mặt chính sách, về các hoạt động thành lập, các thủ tục hành chính, thuế…Môi trường đầu tư, cơ chế chưa thực sự rõ ràng khiến không ít doanh nhân khởi nghiệp phải ra nước ngoài đăng ký kinh doanh, dù công ty hoạt động tại Việt Nam.
Đến thời điểm này, xã hội rất cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp để giải đáp các vướng mắc trên. Bộ KHCN đã được Chính phủ giao xây dựng Đề án chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10 tới.
Người Việt Nam rất cần cù, thanh niên Việt Nam rất nhanh nhẹn và thông minh, tại sao tất cả những cái đó không làm cho đất nước phát triển? Câu hỏi luôn đặt ra đối với tất cả các thế hệ người Việt…
“Hy vọng rằng Hệ sinh thái khởi nghiệp này sẽ là một biện pháp, là nguồn động viên, phát huy tiềm năng chí tuệ của người Việt” Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KHCN khẳng định.

Lam Dung
Bình luận
vtcnews.vn