Khởi kiện Trung Quốc sẽ giúp gì cho Việt Nam?

Thời sựThứ Hai, 30/06/2014 07:20:00 +07:00

Việc kiện Trung Quốc ra tòa cho Việt Nam khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến biển Đông hiện nay một cách khả thi, công bằng và hòa bình nhất.

Việc kiện Trung Quốc ra tòa cho Việt Nam khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến biển Đông hiện nay một cách khả thi, công bằng và hòa bình nhất.

Cuối tuần rồi, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chính thức đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP.HCM, nhiều ý kiến của cử tri TP cũng ủng hộ việc này.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo về tình hình biển Đông chiều 26/6 cũng cho hay đang cân nhắc kỹ thời điểm khởi kiện Trung Quốc.

Vậy việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế trong bối cảnh hiện nay sẽ có những hệ quả gì? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên cứu biển Đông) phân tích về vấn đề này.


Dưới ánh sáng của công lý và dư luận quốc tế, Trung Quốc không thể ngang ngược dùng vũ lực để uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật trên biển và ngư dân Việt Nam như hiện nay. Trong ảnh:Vết tích của tàu Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư 951 tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Nguyễn Đông
Dưới ánh sáng của công lý và dư luận quốc tế, Trung Quốc không thể ngang ngược dùng vũ lực để uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật trên biển và ngư dân Việt Nam như hiện nay. Trong ảnh:Vết tích của tàu Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư 951 tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Nguyễn Đông 

Việc kiện Trung Quốc (TQ) ra tòa án quốc tế là một cách thức đấu tranh hòa bình được Điều 33.1, Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định.

Cách bảo vệ hòa bình và ngăn sự ngang ngược

Trước tham vọng độc chiếm biển Đông bằng “đường lưỡi bò” đã được TQ kiên trì theo đuổi và thực hiện càng ngày càng ngang ngược từ nhiều chục năm nay, kiện là một cách thức tiếp cận hiệu quả, khả thi hơn so với sự nhẫn nhịn bấy lâu nay của Việt Nam. Rõ ràng là khó có thể áp dụng các biện pháp truyền thống như bấy lâu nay với TQ để giải quyết các vấn đề chủ quyền trên biển Đông nói chung và vấn đề Hoàng Sa nói riêng vì nước này thậm chí còn không chấp nhận là có “vấn đề Tây Sa” như cách nói của họ.

Đến lúc này ta phải thấy rằng đấu tranh bằng biện pháp pháp lý, Việt Nam sẽ đạt được sự công bằng tương đối đối với TQ hơn so với các phương thức đấu tranh trên thực địa hay thậm chí đấu tranh học thuật và truyền thông trên các diễn đàn quốc tế như hiện nay.

Ngoài ra, việc kiện TQ ra tòa là một cách bảo vệ hòa bình và ngăn khả năng chiến tranh ở xa Việt Nam nhất. Vì sao khi mỗi lần Việt Nam nói về khả năng sử dụng biện pháp pháp lý thì TQ lại tức giận?

Chắc chắn không phải vì sợ sứt mẻ tình hữu nghị giữa hai nước mà vì khi đưa sự vụ ra tòa, dưới ánh sáng của công lý và dư luận quốc tế, TQ không thể ngang ngược dùng vũ lực để uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, ngư dân Việt Nam và hung hăng đe dọa tiếp.


Về nội dung khởi kiện, Việt Nam cần phải nhanh chóng kiện việc TQ triển khai giàn khoan Hải Dương 981 với sự hộ tống của máy bay và tàu chiến ra một tòa trọng tài thành lập theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Đó có thể là Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea) ở Hamburg (Đức); Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) tại La Haye (Hà Lan); hay một tòa trọng tài được thành lập đúng theo thủ tục của UNCLOS như cách Philippines đang làm.


Tòa này có thể phán quyết cách hành động liên quan đến giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của TQ là vi phạm công pháp quốc tế và yêu cầu dừng các hoạt động này lại.

Cơ hội cho sự phát triển dài hạn


Tất nhiên việc khởi kiện TQ ra tòa đặt người Việt Nam trước một ứng xử mới với TQ. Việc kiện diễn ra trong thời gian dài sẽ đặt lại mối quan hệ giữa hai nước, các giá trị hữu nghị sẽ có những biến dạng nhất định và tất cả đều diễn ra trong hòa bình.

Nhưng khi chọn một vị thế rõ ràng hơn với TQ, Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn lớn hơn của cộng đồng quốc tế. Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của TQ, điều mà các cố gắng, kiên trì đang tiến hành hoặc sự đứt gãy từ chiến tranh không thể mang lại.

Khả năng đọc thấy được ngay là TQ có thể tiến hành các trả đũa kinh tế đối với Việt Nam và gây nên một số khó khăn trong ngắn hạn mà Việt Nam cần đối phó. Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn, đó sẽ là cơ hội để Việt Nam hướng đến những bạn hàng bình đẳng hơn, với cán cân thương mại thăng bằng hơn cho Việt Nam, ví dụ như Hoa Kỳ và EU và giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào TQ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội và ý chí để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc hợp tác kinh tế với TQ như quản lý chặt chẽ các dự án FDI hay chấm thầu nghiêm túc các dự án EPC (tổng thầu theo kiểu “chìa khóa trao tay”) liên quan đến TQ.


Trước tòa, Việt Nam và TQ đều phải trưng ra những bằng chứng lịch sử, pháp lý chính xác nhất. Khi câu chuyện lịch sử được nhắc đến một cách duy lý, rõ ràng, vì chủ quyền đất nước, vì những vấn đề hệ trọng của dân tộc, cần sự chia sẻ của nhiều người thì nó giúp người Việt vừa hiểu biết rõ về lịch sử, vừa hiểu nhau và dễ hòa giải với nhau hơn.

Quan trọng hơn, việc kiện giúp người Việt phần nào thoát ra khỏi chính mình và tiến đến với những giá trị phổ quát của nhân loại như “công bằng”, “hòa bình”, “duy lý”. Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh thật sự cho Việt Nam.

LÊ TRUNG TĨNH (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
Hy vọng khôi phục Hoàng Sa một cách công bằng và hòa bình

Song song với việc kiện như trên đã trình bày, Việt Nam nên yêu cầu chính thức TQ đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế. Điều kiện đủ để phiên tòa này diễn ra là các bên đồng thuận đưa tranh chấp này ra tòa.

Nếu TQ đồng ý ra tòa, chúng ta có hy vọng khôi phục Hoàng Sa một cách công bằng và hòa bình. Ít nhất là có hy vọng hơn là để tranh chấp Hoàng Sa không được quốc tế nhắc đến và TQ quản lý trên thực tế Hoàng Sa như hiện nay.

Các dấu hiệu gần đây cho thấy khả năng TQ chấp nhận ra tòa có thể cao hơn khi nước này gửi đến Liên Hiệp Quốc tài liệu nêu lên lập trường của họ: Khẳng định quản lý Hoàng Sa từ thời Tống và đưa ra các vấn đề như công hàm Phạm Văn Đồng, sách giáo khoa và bản đồ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ…

Nếu TQ không đồng ý ra tòa, quyết định này là một sự ngăn chặn việc TQ đang càng ngày càng lấn tới và ngang ngược trên biển Đông. Việc TQ từ chối ra tòa sẽ là bằng chứng hùng hồn trước quốc tế rằng Việt Nam là nước tôn trọng các giá trị tốt đẹp của nhân loại và TQ là nước coi thường công pháp quốc tế.

Điều đó sẽ làm yếu đi đáng kể vị thế của TQ và bắt buộc họ phải kiềm chế khi hành xử trên biển Đông, không thể tiếp tục bắt giữ, xua đuổi, đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam; tôn trọng luật pháp quốc tế; tiến hành đàm phán phân chia ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử COC nghiêm túc và công bằng hơn.

» Nóng sáng 3/6: Trung Quốc lập phi đội tiêm kích quanh giàn khoan
» Kiện Trung Quốc: Kịch bản nào cho Việt Nam?
» Kiện Trung Quốc, Việt Nam phải lựa chọn toà án nào?

Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn