10 bước để chụp ảnh tuyệt đẹp trên ĐTDĐ

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 03/08/2011 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Tính năng chụp ảnh của điện thoại có khả năng cho ra các bức ảnh chất lượng chuyên nghiệp.

(VTC News) - Tính năng chụp ảnh của điện thoại có khả năng thực hiện các bức ảnh đạt chất lượng chuyên nghiệp. Những kỹ thuật sau sẽ giúp bạn chụp ảnh bằng smartphone đẹp hơn.

Với tính chất nhỏ gọn, có thể cất vào túi đem theo khắp nơi và chức năng máy ảnh gắn bên trong nên điện thoại chụp ảnh hiện nay đã trở nên rất phổ biến.

Mặc dù vậy, việc làm thế nào để chụp được các bức ảnh có chất lượng từ thiết bị được thiết kế với chức năng chính là thông tin liên lạc đã đặt ra những thử thách không dễ vượt qua với nhiều người sử dụng. Dưới đây là những thao tác kỹ thuật dành cho các chủ nhân điện thoại cao cấp chụp được các bức ảnh màu sắc tươi tắn, chi tiết rõ nét.

1. Chủ động chụp ảnh ngoài trời

Bộ cảm biến hình ảnh của điện thoại là loại nhỏ nên nó hoạt động tốt trong điều kiện đủ ánh sáng, và tốt nhất ở ngoài trời, trong ánh sáng ban ngày. Làm theo những lời khuyên mà các nhiếp ảnh gia đã phổ biến sẽ hữu ích với bạn:

Tận dụng ánh sáng tự nhiên giúp ảnh chụp từ ĐTDĐ rõ nét 

Đặt đối tượng chụp ảnh ở trước cảnh nền có ánh sáng rọi vào. Tránh chụp ảnh trực tiếp vào mặt trời, hoặc chủ đề của bạn hoàn toàn thiếu sáng. Nếu bạn chụp ảnh trong nhà thì bạn quay lưng về cửa sổ và bật đèn lên.

2. Áp dụng quy tắc 1/3

Chụp ảnh đẹp không chỉ đơn thuần là bạh biết cách cài đặt chuẩn các chức năng của máy. Yếu tố không kém phần quan trọng là phải biết sắp đặt bố cục ảnh một cách bài bản. Chia đều khung hình thành ba phần hay còn gọi là quy tắc 1/3 được sử dụng bởi các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Theo đó, đơn giản là bạn hãy chia khung hình thành 9 phần bằng nhau với 3 đường kẻ dọc và ngang, sau đó “căn” cho vật thể chính không nằm vào phần giữa ảnh, nhờ vậy mà tác phẩm trở nên sống động và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Chia khung hình ra 3 phần và không đặt chủ đề ở giữa 

Ngoài ra, cách này cũng giúp cho bạn giữ cho máy ảnh không chụp ảnh bị nghiêng. Và đảm bảo rằng không có vật thể nào cao hơn đầu của người là đối tượng cần chụp ảnh.

3. Cài đặt khởi động nhanh máy ảnh

Một số điện thoại bố trí nút mở máy ảnh không được thuận tiện cho lắm, vì thế bạn cũng mất đi nhiều cơ hội để "chộp được" những khoảnh khắc hình ảnh tuyệt vời. Nếu sở hữu một điện thoại thông minh và hệ điều hành cho phép di chuyển các ứng dụng, bạn nên đưa máy ảnh đến một địa điểm thuận tiện hơn để sử dụng.

Đặt ứng dụng chụp ảnh tại màn hình chính để dễ sử dụng 

Lấy chiếc iPhone làm ví dụ, bạn cài đặt cho ứng dụng máy ảnh hiển thị ngay tại màn hình đầu tiên, hoặc đặt nó trong khu vực truy cập nhanh ở phần dưới của màn hình. Một số điện thoại còn có chức năng tuỳ biến cho phép bạn gán các phím tắt để khởi động máy ảnh.

4. Cố định điện thoại

Một lý do làm cho ảnh chụp bị mờ là điện thoại của bạn mỏng và nhẹ, nên khó để giữ cố định so với một máy ảnh thông thường. Vì vậy, bạn hãy cầm chặt điện thoại hết sức có thể, với cả hai tay, và giữ cho khuỷu tay của bạn tì vào người để có điểm tựa. Hãy hít thở sâu và sau đó thở ra chậm, đều trong khi bạn nhẹ nhàng bấm nút chụp ảnh của điện thoại.

5. Biết rõ khi nào nút chụp đã bấm

Một số điện thoại có sự chậm trễ đáng kể sau khi bạn nhấn nút chụp. Nếu màn trập chậm, bạn sẽ cần phải lường trước điều đó. Và nếu chụp trên một màn hình cảm ứng (như điện thoại iPhone), màn trập sẽ hoạt động sau khi bạn nhấc ngón tay ra khỏi nút bấm chứ không phải khi bạn nhấn xuống.

Dù bằng cách nào đi nữa thì bạn vẫn cần phải giữ máy điện thoại ổn định trong khi hình ảnh đang được lưu lại. Và không chạm vào màn hình, hoặc rung điện thoại sẽ làm mờ hình ảnh của bạn đang chụp.


6. Tối ưu hoá cài đặt

Nếu máy ảnh của điện thoại có chức năng điều chỉnh cân bằng trắng, bạn nên đặt nó ở chế độ tự động sẽ nhận được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, nếu màu sắc bị biến dạng, bạn phải thiết lập lại sự cân bằng cho phản chiếu ánh sáng xung quanh, như ánh sáng ban ngày, đèn huỳnh quang, hay hoàng hôn. Chỉ cần đảm bảo cho thiết lập lại nó với chế độ tự động bạn sẽ có được những hình ảnh đẹp.

Sử dụng các chế độ cài đặt được điện thoại hỗ trợ 

Nếu máy ảnh cũng hỗ trợ điều chỉnh ISO (thường là trong trình đơn Settings hoặc Camera trên điện thoại Android, và dưới các biểu tượng công cụ của Windows Phone), thì nên tắt chế độ tự động. Khi bạn đang ở ngoài trời trong ánh sáng ban ngày, hãy thiết lập chế độ ISO giá trị thấp nhất để giảm nhiễu kỹ thuật số trong hình ảnh. Trong điều kiện ánh sáng yếu, thì tăng ISO cao tới mức có thể cho màu sắc tươi tắn hơn.

7. Mở rộng độ sâu màu sắc

Một số điện thoại (chẳng hạn như iPhone 4 và điện thoại Windows 7), hỗ trợ chế độ High Dynamic Range (HDR) để chụp ảnh với chất lượng ấn tượng, rõ nét các chi tiết và một loạt các gam màu và màu sắc khác nhau.

Ảnh chụp với chế độ HDR của ĐTDĐ hỗ trợ 

Hiệu ứng này chỉ độ sâu màu giữa vùng sáng và vùng tối mà máy ảnh có thể ghi nhận, giúp xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo để cho ra đời các tác phẩm tưởng chừng như không có thật.

Kỹ thuật HDR tương tự như cách phần mềm xử lý đồ họa có thể kết hợp nhiều hình ảnh để tạo ra một hình ảnh phong phú về chi tiết, rực rỡ về màu sắc. Bạn hãy thử lựa chọn HDR thay cho đèn flash khi chụp với điều kiện ánh sáng phức tạp, bạn sẽ có được bức ảnh ấn tượng.

8. Xử lý ảnh ngay trên điện thoại

Hầu hết các điện thoại đều có các tùy chọn chỉnh sửa hình ảnh. Do đó, bạn có thể điều chỉnh độ tương phản, độ đậm đặc, và các hiệu ứng hình ảnh. Bạn có thể sử dụng thử giống như việc thêm gia vị cho món súp ngon hơn. Ví dụ kiểm soát độ đậm của màu sắc, điều chỉnh độ tập trung của màu sắc trong ảnh và thử làm đi làm lại và áp dụng những cái mà bạn thích và thấy đẹp mắt.

Các chế độ xử lý ảnh được ĐTDĐ hỗ trợ 

Chất lượng ảnh tốt nhất thường là để độ đậm đặc ở mức trung bình, vì mức độ bão hòa cao có xu hướng làm cho tất cả mọi người trông như bị cháy nắng. Hiệu ứng hình ảnh âm bản, nâu đỏ, đen và trắng có thể giúp bạn chụp được những bức ảnh ấn tượng.

9. Sử dụng đèn flash để xoá bóng

Trong ánh sáng ban ngày, đèn flash được sử dụng như một công cụ để xoá bóng, loại trừ các bóng đổ do ánh sáng mặt trời tạo ra trên chủ đề. Mặc dù đèn flash không đủ mạnh để bù vào tất cả các bóng tối, nhưng nếu bạn đủ gần chủ đề của bạn (trong phạm vi 1 mét), nó có thể cung cấp đủ ánh sáng, kể cả ánh sáng trên khuôn mặt của chủ đề trong ảnh.

10. Không dùng zoom kỹ thuật số

Điện thoại máy ảnh của bạn không thể phóng to hình ảnh bằng cách di chuyển ống kính. Thay vào đó, nó hỗ trợ zoom kỹ thuật số. Kỹ thuật này chỉ đơn thuần là làm cho các điểm ảnh to ra và các khối ô vuông làm mất các chi tiết đẹp của ảnh. Do vậy, nếu muốn chụp cận cảnh chủ đề, thay vì phóng to khung hình, bạn đi bộ gần hơn đến chủ đề của bạn.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn



Vũ Anh Tú(theo PC World)


Bình luận
vtcnews.vn