Kho đồ cổ tiền tỷ của 'chuyên gia tái sinh rác thải'

Thời sựThứ Hai, 29/09/2014 04:51:00 +07:00

(VTC News) - Trong gia tài mà ông Thơm đang sở hữu có nhiều món đồ giá trị được nhiều khách tìm đến mua với giá cao nhưng ông vẫn chưa bán.

(VTC News) - Trong gia tài mà ông Thơm đang sở hữu có nhiều món đồ giá trị được nhiều khách tìm đến mua với giá cao nhưng ông vẫn chưa bán.

Rác thải thành ‘cổ vật' tiền tỷ

Chúng tôi tìm đến nhà ông Tống Văn Thơm - người được mệnh danh là “chuyên gia tái sinh rác thải”. Căn nhà nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Văn Khương (quận 12, TP.HCM) nhìn vào chẳng khác một vựa ve chai nhỏ.

Từ cổng vào bên trong căn nhà toàn đồ cũ như: đầu đĩa, điện thoại, tivi, lon bia, lồng đèn, đồng hồ, chai nhựa… được xếp thành từng đống, chồng chất lên nhau.

Ông Tống Văn Thơm - người được mệnh danh là 'chuyên gia tái sinh rác thải'.

“Những thứ được người ta vứt bỏ lăn lóc ngoài đường xen lẫn trong đống rác rưởi đã được tôi thu gom, mua lại rồi đem về nhà tái chế.” - ông Thơm nói.

Nhìn những vật dụng ngổn ngang ấy khiến ai lần đầu đến đây đều cảm thấy ngột ngạt. Thế nhưng, ít ai biết những thứ ve chai đó có giá trị cả tỷ đồng.

Trong gia tài mà ông Thơm đang sở hữu có nhiều món đồ giá trị được nhiều khách tìm đến mua với giá cao nhưng ông vẫn chưa bán.

Những vật dụng được người ta bỏ đi trở thành "cổ vật" dưới bàn tay tái chế của ông Thơm 

“Cây đàn xếp được một người Pháp trả giá 45 triệu đồng; những cây đàn organ đời đầu với hơn 30 năm tuổi có giá  20 - 30 triệu đồng; bộ hươu cao cổ, nai làm bằng rễ cây được một Việt Kiều mua 600 USD... cùng vô vàn đồ điện tử đời đầu của Nhật, Mỹ có giá từ 4 - 5 triệu đồng nhưng tôi vẫn chưa bán” - ông Thơm nói.

Sau hơn 22 năm, giờ ông có một gia tài hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế, ước tính trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Theo ông Thơm, chỗ đồ cổ này không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị về tinh thần mà đó còn là những thứ mà ông đã lao động, dành dụm sau hơn 20 năm và miệt mài tái chế, những đứa con tinh thần của ông.

 Chiếc quạt trần 'độc nhất vô nhị' mà ông Thơm tái chế được, khi ngừng quay nó trở thành một búp hoa với 8 cánh.
 Và khi quay nó trở thành một chiếc quạt trần với 8 cánh xòe rộng.

Ông Thơm cho biết, trong số các món đồ được ông tái chế có chiếc quạt trần mà ông cho rằng đó là “độc nhất vô nhị”.

Chiếc quạt này được kết hợp với đèn cảnh chế từ kính của xe hơi. Khi xoay nó sẽ là chiếc quạt trần, khi ngừng cánh quạt sẽ cụp xuống thành bóng đèn chùm như một búp hoa.

“Việc uốn những cánh quạt này rất khó vì phải dùng máy để uốn cong, nếu cắt lệch các cánh với nhau khoảng 1 cm thì quạt sẽ không quay và không cụp. Tôi phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành được chiếc quạt để đời này” - ông Thơm tâm đắc nói về cổ vật của mình.

Bạn bè nói ông bị điên


Ông Thơm chia sẻ về cái duyên đến với nghề gom, nhặt ve chai rồi thành “chuyên gia tái chế ve chai: "Khi nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ, chinh chiến ở nhiều chiến trường. Sau giải phóng, tôi được phân công về làm công nhân đóng tàu tại Sài Gòn, do sức khỏe yếu lại thường hay lặn xuống sâu để sửa chữa tàu, nên tôi quyết định chuyển sang nghề thu gom rác".

Bộ sưu tập đồng su của ông Thơm 

Ông bắt đầu từ việc thu nhặt đồ phế thải tại các kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp đem về tái chế. Từ những đầu đĩa bỏ đi, lon bia, hộp sữa, máy cassette, tivi… ông mày mò tìm cách “tái sinh” chúng thành những đồ vật độc đáo và sử dụng được.

Sau nhiều năm miệt mài sửa chữa, sáng tạo, 'làm sống lại' những đồ bỏ đi, ông Thơm đã có một gia tài khổng lồ với nhiều sản phẩm độc đáo.

 Những sản phẩm trang trí đặc sắc từ các loại chai nhựa, vải... được ông Thơm đem về tái chế
 Cây đàn xếp được một người Pháp trả giá 45 triệu đồng; những cây đàn organ đời đầu với hơn 30 năm tuổi có giá  20 - 30 triệu đồng.

“Mấy đồng nghiệp thấy tôi lượm những vật dụng bỏ đi, không còn sử dụng được về nhà thì cứ nói tôi bị điên. Thế nhưng tôi vẫn cứ bỏ ngoài tai và miệt mài với đam mê. Buổi sáng tôi làm việc tại nghiệp đoàn rác TP.HCM và nửa buổi chiều đi lượm rác” - ông Thơm chia sẻ.

Phạm Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn