Khi sinh viên hỏi Thủ tướng: 'Cháu học ngành chính trị sẽ khởi nghiệp ra sao?'

Giáo dụcThứ Hai, 17/10/2016 06:18:00 +07:00

Sinh viên ngành Chính trị học đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cách khởi nghiệp khi theo đuổi ngành học này.

Ngày 16/10, tại ĐHQGHN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đối thoại với hơn 1.000 thanh niên, sinh viên về khởi nghiệp.

thu tuong nguyen xuan phuc

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước sinh viên về khởi nghiệp 

Em Phạm Đông Hiếu (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chia sẻ với Thủ tướng việc bản thân hiện đang theo học về ngành chính trị nhưng loay hoay không biết cách nào để có thể khởi nghiệp.

Hiếu đặt câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ: “Câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên ngành chính trị sẽ theo hướng như thế nào? Bởi em thấy rằng sinh viên ngành chính trị không được năng động bằng các sinh viên ngành kinh tế, ngoại giao…”.

Trả lời câu hỏi của Phạm Đông Hiếu, Thủ tướng chia sẻ: "Các bạn trẻ hãy làm gì với niềm yêu thích của bản thân, những chính trị gia ngồi đây có thể ngay lúc đầu chưa nghĩ rằng mình sẽ làm công việc này trong tương lai. Các bạn trẻ có thể làm các công việc khác nhau, miễn là với đam mê và cống hiến".

Trước đó, nói chuyện với sinh viên, Thủ tướng cho rằng khởi nghiệp đó có thể là thực hiện một ý tưởng sáng tạo về kinh doanh hay công nghệ, có thể là một ý tưởng giải quyết một bài toán xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp đến dịch vụ, xóa đói giảm nghèo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế…

Thước đo và mục tiêu cuối cùng của khởi nghiệp không chỉ là lợi nhuận, giá trị nhận được của khởi nghiệp không chỉ là con số tài chính. Đó còn là sự trải nghiệm, sự rèn luyện kỹ năng của nhận thức và giá trị bản thân.

Video: Chàng trai 8X tài năng bỏ lương 'khủng' về Việt Nam khởi nghiệp

Vì vậy, nếu một ý tưởng khởi sự kinh doanh nào đó không thành công thì cũng không nên coi đó là một thất bại hoàn toàn của bản thân. Có thất bại mới có thành công.

Có thể có người thành công, có người kém may mắn nhưng điều quan trọng là các bạn trẻ dám sống với ước mơ của mình, có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện cho hành trình lâu dài này.

khoi-nghiep-5

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đối thoại với thanh niên về khởi nghiệp

Chia sẻ thêm về điều này, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng mọi ngành nghề đều đòi hỏi sáng tạo khi khởi nghiệp. Mọi lĩnh vực đều có thể tìm ra con đường khởi nghiệp của bản thân.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng học ngành chính trị thì phải sáng tạo, phải nghĩ đến các ý tưởng, đề tài sáng tạo.

"Ví dụ như học về tuyên truyền thì phải sáng tạo, viết phần mềm nào đó để việc tuyên truyền của mình đến được rộng rãi nhiều người", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gợi ý.

Buổi giao lưu ngày càng cuốn hút nhiều bạn trẻ. “Tôi là Nguyễn Thị Thơm, sinh năm 1982, đến từ Hải Dương. Xin hỏi là hiện nay, các chân ruộng chiêm trũng kém hiệu quả còn bỏ hoang hóa nhiều.

Thanh niên nông thôn muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm trang trại, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc gia cầm, thì còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các thủ tục hành chính phải qua nhiều cơ quan đơn vị. Vậy Thủ tướng và các bộ ngành sắp tới có chỉ đạo như thế nào để xử lý vấn đề này?”, một thanh niên đặt câu hỏi.

Thủ tướng trả lời: “Bây giờ làm lương thực thì kém hiệu quả, cho nên Thủ tướng đồng ý trước mắt cho phép chuyển đất không trồng lúa sang trồng các loại cây khác, thậm chí đào ao thả cá, nuôi ba ba hay làm việc khác có quả hơn. Yêu cầu các tỉnh phải công khai minh bạch giải quyết nhanh thủ tục cho thanh niên trẻ có ý tưởng. Ai chậm trễ không chịu giải quyết các vị báo cho tôi biết”.

Nhân dịp này, Trung ương Đoàn cũng đã quyết định trao vốn hỗ trợ cho 10 dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, mỗi dự án 50 triệu đồng.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn