Khan ngoại tệ, nhiều DN đối mặt nguy cơ phạt hợp đồng

Kinh tếThứ Bảy, 04/12/2010 04:00:00 +07:00

Không có ngoại tệ để thanh toán, doanh nghiệp nhập khẩu đứng trước nguy cơ bị đối tác phạt do phá hợp đồng.

Không có ngoại tệ để thanh toán, doanh nghiệp nhập khẩu đứng trước nguy cơ bị đối tác phạt do phá hợp đồng.


Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc), cho biết đã hai tháng nay, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu trong nước đang như ngồi trên lửa do không mua được ngoại tệ để thanh toán.

Cũng chung hoàn cảnh này, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho hay Petrolimex đã gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương… đề nghị đáp ứng ngoại tệ cho việc nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, đã hơn một tháng nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện dù Ngân hàng Nhà nước đã công bố sẽ cung cấp đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Không biết bao giờ số ngoại tệ bị thiếu hụt mới được bơm và các mặt hàng nào là được nằm trong danh mục thiết yếu.

Căng như dây đàn


Theo ông Kiên, từ nay đến cuối năm, Petrolimex cần khoảng 800 triệu USD để nhập khẩu xăng dầu. Nếu không vay được ngoại tệ để nhập xăng dầu thì nguy cơ bị đối tác phạt do phá hợp đồng là điều rất đáng lo ngại. Hơn nữa, còn có thể bị mất cả bạn hàng.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu sẽ được ưu tiên cung ứng ngoại tệ 

“70% sản lượng xăng dầu tiêu dùng trong nước là phải đi nhập khẩu. Nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu hiện rất căng thẳng và tình trạng này sẽ còn tăng lên trong năm 2011. Năm 2010, ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 5,3 tỉ USD. Nếu các ngân hàng không cho vay tiền nữa thì nguy cơ đứt đoạn nguồn xăng dầu rất có thể xảy ra” - ông Kiên lo ngại.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp là rất lớn. Đến thời điểm này cho thấy các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là chưa đủ để hạ nhiệt thị trường.

“Ngân hàng Nhà nước cần phải áp dụng các biện pháp mạnh tay và kịp thời hơn để thu hẹp chênh lệch giữa tỉ giá niêm yết và tỉ giá giao dịch. Chỉ khi đó, ngân hàng, doanh nghiệp mới có thể mua được số lượng ngoại tệ cần và đủ đúng với tỉ giá niêm yết” - ông Phú đề xuất.

Xăng dầu sẽ được ưu tiên cung ứng ngoại tệ

Trước mắt, các mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến mặt bằng giá cả, đời sống người dân mà phụ thuộc vào nhập khẩu như xăng dầu sẽ được ưu tiên cung ứng ngoại tệ ngay. Đó là khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vào chiều 3-12. Hiện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ để giải quyết thực trạng này.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngay từ tháng 11, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết đã có buổi làm việc với 16 ngân hàng thương mại có quy mô hoạt động lớn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay bằng ngoại tệ để nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Cung ngoại tệ bất ổn

Tình hình ngoại tệ diễn ra không bình thường. Bộ Công thương đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đáp ứng ngoại tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đủ cho tiêu dùng trong nước. Hiện mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 40 triệu lít xăng dầu. Mặt hàng xăng dầu hiện nay vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng - Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.


Theo Pháp luật TP.HCM 

Bình luận
vtcnews.vn