Chuyện phối giống ly kỳ của ‘rùa Hồ Gươm’ khổng lồ ở Trung Quốc

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 22/05/2017 07:20:00 +07:00

Báo chí đưa tin rầm rầm, thậm chí truyền hình trực tiếp hành trình “nàng giải” về “nhà chồng” với quãng đường cả ngàn km.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Giải khổng lồ sắp biến mất

Như kỳ trước đã viết, tác giả đã vô tình lạc vào Tây Viên Tự - ngôi chùa cổ kính đẹp nhất thành phố Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc), và bắt gặp cặp “rùa Hồ Gươm” khổng lồ, mà người ta gọi là con giải, với tên khoa học Rafetus swinhoei.

Cặp giải nặng cả tạ này đã sống ở chùa 400 năm, gồm một đực, một cái, nhưng lại không sinh sản cả trăm năm nay. Cả nước Trung Quốc chỉ còn 4 con nữa, Việt Nam còn 1 con ở Đồng Mô, trong khi rùa Hồ Gươm thì mới qua đời.

Những nhà sinh học của Trung Quốc, đều đau xót khi một thời kỳ, những năm giữa thế kỷ 20, ở Trung Quốc rộng lớn đã diễn ra cơn sốt săn lùng “đánh chén” tất cả các loài vật.

Hinh anh

Tấm pa-nô giới thiệu về giải khổng lồ ở Tây Viên Tự 

Thập niên 50-60 thế kỷ trước, người dân Trung Quốc đào bới đất đai, vét cạn sông hồ để tìm bất cứ thứ gì ăn được. Những con giải khổng lồ chậm chạp, phải mất vài trăm năm mới lớn được như thế, cho nhiều thịt, cứu đói cho trăm người cùng lúc, là mục tiêu săn lùng hàng đầu.

Những năm 80, cả nước Trung Hoa rùng rùng chuyển động. Người ta bạt núi ngăn sông phát triển kinh tế bằng mọi giá. Rừng không còn, sông suối cạn khô, muông thú hết sạch. Rùa hoặc giải với cái mai và bộ xương là thuốc quý, phục vụ giới nhà giàu, nên bị săn lùng càng ráo riết hơn.

Năm 2004, các chuyên gia sinh học ra sức săn lùng, thống kê, thì chỉ thấy có tổng số 6 con giải Dương Tử mai mềm còn sống sót, gồm: 2 con ở sở thú Bắc Kinh, một con ở Thượng  Hải, hai con ở Tô Châu và con còn lại bơi lội bì bõm, tắm nắng thường xuyên ở Hồ Gươm của Việt Nam. Khi đó, chưa ai biết có một con nhỏ ở hồ Đồng Mô.

Hinh anh

 Giải 100kg ở Tây Viên Tự lên phơi nắng

Hàng trăm chuyên gia trên khắp thế giới tìm cách bảo tồn loài rùa mai mềm, tức loài giải này. Họ ủ mưu tính kế để chúng “yêu nhau”, rồi sinh con đẻ cái, giữ lại nòi giống.

Trong khi còn đang bàn tính, thì năm 2005, con giải khổng lồ ở sở thú Bắc Kinh lăn đùng ra chết.

Các tu sĩ ở Tây Viên Tự tôn sùng hai con giải trong chùa là linh vật tôn nghiêm, không cho các nhà khoa học động vào, không cho di chuyển và cũng không cho “yêu đương” những con khác.

Đến năm 2006, sau nhiều khó khăn vất vả, ban quản lý chùa Tây Viên mới đồng ý cho các nhà khoa học đưa con giải ở Thượng Hải đến ngôi chùa này để phối giống. Thế nhưng, việc se duyên chưa được thực hiện, thì con giải ở Thượng Hải lại đột tử vào cuối năm.

Hinh anh  3

 Hình ảnh con giải cái được làm bằng đồng với kích cỡ y như thật bên hồ nước trong chùa Tây Viên.

Hinh anh  4

Con giải đực được đúc bằng đồng. 

Đến năm 2007, các nhà sinh vật học lại phát hiện ở thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) có một con giải cái khá lớn, nặng đến 100kg. Năm nào con giải này cũng đẻ tầm 20 trứng, thế nhưng, không có đực để thụ tinh, nên không nở.

Các chuyên gia Trung Quốc đã mất gần 1 năm trời để tính toán mọi phương án, nhưng không có cách nào khác, là buộc phải ghép đôi chúng với nhau, thì mới sinh sản được.

Thế nhưng, có một điều khó khăn, là cả chính quyền hai thành phố đều coi con giải của mình là linh vật, là báu vật có một không hai, nên không chấp nhận cho các nhà sinh vật học khênh chúng ra khỏi địa giới của mình.

Các nhà sinh vật học đã phải viện đến lãnh đạo cấp cao can thiệp, sở thú thành phố Trường Sa mới đồng ý cho các nhà sinh vật đưa rùa cái đến “nhà chồng”.

Câu chuyện của các tăng ni ở chùa Tây Viên (Tô Châu, Giang Tô) về cuộc tình trong ngôi chùa này, quả thực vô cùng thi vị. Cả nước Trung Quốc nín thở theo dõi. Báo chí đưa tin rầm rầm, thậm chí truyền hình trực tiếp hành trình “cô dâu” về “nhà chồng” với quãng đường cả ngàn km.

Một đoàn xe dài nhiều cây số đưa dâu, hàng triệu người đứng hai bên đường cờ hoa rực rỡ. “Nàng giải” an vị trong một thùng xe siêu trường siêu trọng, với bể bơi, có cả thềm đá và chỗ tắm nắng. Các nhà sinh vật học thiết kế hồ nước trên thùng xe một cách giống tự nhiên nhất, để đảm bảo “nàng giải” không bị stress.

Hinh anh  5

 Phóng viên bên con giải được đúc bằng đồng với kích cỡ thật.

Đi theo chiếc xe siêu trường, siêu trọng, là đội ngũ đông đảo bác sĩ thú y giỏi nhất đại lục. Trực thăng cũng được sẵn sàng, để gọi bất cứ khi nào khẩn cấp.

Theo lý thuyết, giải là loài cực kỳ khỏe mạnh. Sức mạnh của một con giải 100kg bằng một con trâu mộng. Tuy nhiên, nó là báu vật quốc gia, là linh vật khiến cả triệu người Trung Hoa cúng vái, nên nó được chăm sóc như thế cũng không có gì quá đáng.

Giải đến hồ Quảng Nhân trong Tây Viên Tự, thì đã có một hồ nước nhỏ nhân tạo kế bên, làm “phòng hoa chúc”. Căn phòng này không chỉ được rào bởi những cột thép, giàn thép cực kỳ vững chãi, mà còn được bọc một lớp kính chống đạn. Camera hoạt động suốt ngày đêm. Bảo vệ với súng ống canh giác 24/24. Các nhân viên sở thú của hai thành phố dựng lều túc trực trong khuôn viên chùa.

Tiếp đó, hồ Quảng Nhân được rút nước cạn đi. Các chuyên gia bắt rùa đã tóm cổ giải đực lên, thả vào hồ nhỏ, để sống chung với nàng giải từ mãi thành phố Trường Sa. Chả biết, chàng giải này chung thủy với nàng giải vô sinh trong hồ, hay sống trong chùa với các vị sư mấy trăm năm nay, mà không hám gái gì cả. Cả ngày anh chàng chỉ nằm phơi nắng, hong hóng cái mặt ra phía hồ, mà chả để ý gì đến giải cái.

Sau nhiều tháng, không thấy cặp đôi này làm chuyện tình yêu, các chuyên gia buộc phải sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tức là có sự can thiệp của con người.

Hinh anh  6

Hồ Quảng Nhân trong Tây Viên Tự vẫn còn cặp giải 500 tuổi. 

Đợt đó là cuối xuân 2008, cuộc thụ tinh nhân tạo đã thành công. Theo như cam kết, thì sau khi thụ tinh thành công, hai thành phố sẽ chia nhau số giải con. Với số lượng đẻ mỗi lứa 20 trứng, thì có thể có đến 20 giải con ra đời.

Tuy nhiên, sau khi thụ tinh thành công, giải cái được di chuyển về lại thành phố Trường Sa của tỉnh Hồ Nam và từ đó, không thấy người ta nhắc gì đến chuyện giải cái ở Trường Sa có nở ra được giải con hay không. Có thể, đây là câu chuyện tuyệt mật, nên báo chí không biết, mà các tăng ni ở Tây Viên Tự cũng không hay. Chuyện ấy giờ đã rơi vào quên lãng. Cũng có thể cuộc thụ tinh đã thất bại.

Với người Trung Quốc, rùa hay giải, là linh vật, tượng trưng cho may mắn, sức khỏe và tuổi thọ. Thế nhưng, nó cũng là món ăn bổ dưỡng, và họ tin nó là thần dược, nên ra sức săn lùng, ăn cho bằng hết. Có những con rùa, chẳng hạn như rùa hộp ba vạch (rùa vàng), có giá tới cả tỷ đồng/con, họ vẫn cho lên mâm để thưởng thức.

Những ngày lang thang ở các khu chợ buôn dược liệu, tôi gặp hàng loạt gian hàng trưng bày những chiếc mai rùa to nhỏ. Có những chiếc mai to bằng lòng cái mâm, dùng để làm thuốc bồi bổ.

Người Trung Quốc, kể cả người Việt Nam, đã từng có nhiều năm ra sức tàn phá môi sinh để phục vụ đời sống con người. Để rồi, giờ đây, lại phải ra sức khắc phục hậu quả. Nhưng, rốt cuộc, là hàng loạt loài vật đã biến mất khỏi lãnh thổ, thậm chí biến mất khỏi địa cầu. “Cụ rùa”, hay giải khổng lồ Hồ Gươm mới qua đời, khiến loài vật quý hiếm này sắp biến mất là một bài học cho con người.

Trong nhiều năm tới, cả thế giới chăm chú nhìn về Trung Quốc xem hai con giải trong Tây Viên Tự kia sẽ “làm ăn” ra sao. Liệu chúng có duy trì được nòi giống dưới sự giúp đỡ của con người hay không, hay chúng sẽ biến mất khỏi thế giới này, sau khi đã ngự trị suốt mấy trăm triệu năm?

Video: Cụ ông dắt rùa khổng lồ dạo phố gây xôn xao

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn