Khám phá máy bay cổ 'hạ cánh' trên cầu Vĩnh Tuy

Thời sựThứ Bảy, 31/03/2012 05:22:00 +07:00

Chiếc IL-14 số hiệu VN-C 516 là một trong số những máy bay do chính phủ Liên Xô tặng nhân dân Việt Nam, là chiếc chuyên cơ Bác Hồ từng sử dụng.

Tối 30/3, chiếc chuyên cơ có số hiệu IL 14 từng chở Bác Hồ đã được kéo qua cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) sang bảo tàng trưng bày. Điều này đã thu hút rất nhiều người đi đường hiếu kỳ.


Chiếc IL-14 số hiệu VN-C 516 là một trong số những máy bay do chính phủ Liên Xô tặng nhân dân Việt  Nam từ năm 1958, được Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Chiếc IL-14 này có ý nghĩa đặc biệt vì nó là một trong những chiếc chuyên cơ Bác Hồ từng sử dụng.

Máy bay IL-14 là loại máy bay vận tải 2 động cơ cánh quạt, vận tốc tối đa 380 km/giờ, hoạt động trong vòng bán kính 700km.

Chiếc IL 14 VN-C482 đã trải qua hai lần phục chế, lần đầu tiên vào năm 2001, khi đó đang nằm tại trung đoàn 918. Sau một thời gian dài không sử dụng, máy bay đã hư hỏng nặng.

Theo đề nghị của Cục Hàng không dân dụng (lúc đó là Tổng công ty Hàng không VN), Phòng nghiên cứu máy bay động cơ Viện Kỹ thuật quân sự quân chủng phòng không - không quân bắt tay vào phục chế.

Vào thời điểm này, nguồn kinh phí có hạn nên phương án phục chế máy bay chỉ là sử dụng chất liệu tôn để làm lại vỏ ngoài.

Chiếc IL 14 được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không từ năm 2001, đến tháng 7/2010 thì được quyết định phục chế lần hai. Lần này Cục Hàng không dân dụng đề nghị phục chế cả vỏ ngoài và buồng lái, buồng tiếp viên, khoang hành khách cũng như nội thất bên trong máy bay.

Chiếc máy bay "hạ cánh" trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) tối 30/3

Phòng nghiên cứu máy bay động cơ Viện Kỹ thuật quân sự phòng không - không quân lại tiếp tục nghiên cứu tìm phương án tối ưu để phục chế nguyên trạng máy bay.

Theo tìm hiểu của nhóm phục chế, trên chiếc IL 14 này có thiết kế một phòng riêng dành cho Bác làm việc và nghỉ ngơi.

Nhóm phục chế đã tìm gặp được ông Phùng Đức Ứng - trước đây là thợ máy mặt đất, người thường xuyên làm việc trong máy bay.

Ông Ứng đã miêu tả lại tỉ mỉ khoang hành khách và căn phòng của Bác Hồ từ chiếc giường Bác nằm nghỉ, ghế Bác ngồi làm việc đến màu rèm cửa.

Còn theo cô Nguyễn Phi Phượng, nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của Việt Nam, từng phục vụ Bác trong chuyến công tác tại nước bạn Trung Quốc năm 1950 kể lại trên báo Văn hóa: Khoang hành khách của máy bay có hai hàng ghế thường dành cho đoàn công tác, tiếp đến là chiếc giường của Bác với tấm rèm cửa, bên cạnh chiếc giường là chiếc bàn nhỏ để cho Bác dùng làm việc hoặc tiếp khách.

Chiếc giường còn lại ở phía đuôi máy bay dành cho tiếp viên và anh em trong tổ lái nghỉ ngơi.

Khi tài liệu về chiếc máy bay đã được kiếm tìm đầy đủ, tháng 8/2010 công việc phục chế bắt đầu.

Theo phương án phục chế, vỏ máy bay sẽ được làm lại bằng một loại nhôm đặc biệt được đặt hàng từ nước ngoài.

Sàn máy bay cũng đã hư hỏng nặng, phương án làm lại sàn bằng sắt thép không khả thi bởi trọng lượng quá nặng, nhóm phục chế đã đưa ra phương án dùng gỗ công nghiệp, composite... sau đó mang về xưởng chế tạo của Viện Kỹ thuật quân sự phòng không - không quân để gia công lại theo đúng kích cỡ góc tròn, góc nhọn của sàn máy bay rồi đưa sang Bảo tàng Hàng không lắp ráp.

Việc chế tạo này cũng đòi hỏi hết sức tỉ mỉ và chính xác để khi lắp ráp được vừa khít.

Chiếc máy bay IL14 VN-C482 sau khi phục chế - Ảnh: Tuổi trẻ 

Các bộ phận cất, hạ cánh như càng, lốp, tang chống cũng bị hư hại hoàn toàn, nhóm phục chế phải tìm mọi biện pháp chế tạo, gia cố để bảo đảm máy bay có thể đứng vững chắc trong khuôn viên Bảo tàng Hàng không.

Theo tài liệu về loại máy bay IL 14 cùng những miêu tả của nhân chứng, chiếc IL 14 VN-C482 đã được phục chế với khoang hành khách có hai hàng ghế thường dành cho đoàn công tác, tiếp đến là phòng riêng của Bác với tấm rèm cửa màu huyết dụ cùng chiếc giường mây, chiếc ghế đặt cạnh giường, tiếp đến là buồng dành cho tiếp viên và buồng lái của phi công.

Riêng buồng lái của phi công đã được nhóm phục chế dày công tái tạo nguyên trạng như khi máy bay hoạt động bình thường.

Nội thất trong máy bay khiến người xem có cảm giác như chiếc máy bay này vẫn đang được sử dụng, đặc biệt là chiếc giường mây giản dị của Bác đưa đến cảm giác gần gũi, thân thuộc như Bác vẫn còn đây.

Đây là một hiện vật có giá trị sẽ được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày đúng vào dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2012).


Theo Phunutoday

Bình luận
vtcnews.vn