Khám phá công dụng tuyệt vời của ngải cứu

Bệnh và thuốcChủ Nhật, 08/05/2016 06:52:00 +07:00

Ngải cứu được coi là một trong những cây thuốc quý, nó không chỉ là một loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng mà còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người.

(VTC News) - Ngải cứu từ xa xưa luôn được coi là một trong những cây thuốc quý, nó không chỉ là một loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng mà còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người.

Theo Đông y, ngải cứu vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng để chữa trị trong các trường hợp: phụ nữ kinh nguyệt không đều, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun, điều hòa khí huyết, ôn kinh, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ…

Ngải cứu là cây thuốc quý có nhiều công dụng
Ngải cứu là cây thuốc quý có nhiều công dụng 

Cầm máu

Những trường hợp ho ra máu, nôn ra máu, trĩ ra máu và đặc biệt là các trường hợp có thai ra máu thì thường dùng ngải cứu để chữa trị.

Đối với những vết thương ngoài da đang bị chảy máu thì bạn có thể dùng lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối rồi đắp lên vết thương sẽ giúp cầm máu nhanh và giảm đau nhức.

Điều hòa kinh nguyệt 

Lá ngải cứu có thể dùng để điều trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt nhiều hoặc đau bụng kinh.

Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy 10g ngải cứu khô, thêm 200 ml nước, sắc còn lại 100 ml thì đổ ra cốc, rồi thêm chút đường để uống, chia làm 2 lần 1 ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần 1 ngày. Sau từ 1 đến 2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

Điều trị cảm cúm, ho do lạnh

Ngải cứu giúp điều trị cảm cúm, ho do lạnh
Ngải cứu giúp điều trị cảm cúm, ho do lạnh 

Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Đun sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Làm liên tục 2 - 3 ngày bệnh sẽ đỡ.

Điều trị cơ thể suy nhược

Dùng cho người mới ốm dậy, trẻ gầy còi xương, biếng ăn, người già ăn không ngon miệng, bỏ ăn: Dùng 250gr thuốc cứu, 2 quả lê, 20gr câu kỷ tử, 10gr đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150gr, hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm) còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần.

Giúp an thai

Những người đang mang thai có thể sử dụng ngải cứu nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu. Dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn lại 100ml thì đổ ra cốc, chia làm 3 đến 4 lần uống trong một ngày sẽ có tác dụng an thai. Ngoài ra, ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

Những trường hợp sau đây cần lưu ý khi sử dụng ngải cứu để tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc:

- Người bị viêm gan không nên ăn ngải cứu, vì tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng là thành phần có độc tính, những người viêm gan ăn ngải cứu, dược chất đi vào gan sẽ gây rối loạn chuyển hóa của tế bào và dẫn tới viêm gan cấp tính.

- Người bị rối loạn đường ruột cấp tính không nên ăn ngải cứu, sẽ khiến bệnh khó kiểm soát và nặng hơn.

- Người bị sỏi thận, xơ vữa động mạch vành…hạn chế ăn trứng

- Người mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh ăn ngải cứu quá nhiều vì có thể bị sảy thai, sinh non, hoặc bị tăng nguy cơ ra máu.

Thúy Nga(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn