Hàng trăm tàu cát giăng kín sông Đà: Dân kêu cứu vì sạt lở, Sở TN&MT nói do mưa lũ

Kinh tếThứ Tư, 24/05/2017 07:44:00 +07:00

Trong khi người dân làm đơn kêu cứu vì gần 2 tháng qua xuất hiện hơn 100 tàu khai thác cát ngày đêm khiến bờ sông sạt lở, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hòa Bình nói rằng, sạt lở do mưa lũ, chứ không phải khai thác cát.

Như báo điện tử VTC News đã phản ánh, người dân phàn nàn gần 2 tháng qua trên sông Đà đoạn qua địa phận 2 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) xuất hiện hàng trăm tàu cuốc, tàu hút cát khai thác tận diệt tài nguyên ngày đêm, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân, sạt lở 2 bên sông, mất an ninh trật tự tại địa phương.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Bùi Quang Điệp - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Nội dung mấy hôm nay rất nóng, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các ngành các cấp để xử lý. Tỉnh hôm qua cũng vừa họp chỉ đạo về vấn đề này”.

Video: Hàng trăm tàu cát rầm rộ khai thác giăng kín sông Đà.

Theo ông Điệp, vị trí giữa sông là nơi giáp ranh giữa 2 địa phương, bên này là huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), bên kia thuộc tỉnh Phú Thọ. Nhà nước có cấp cho 2 mỏ cát, về "cát tặc" thì đã giải quyết cơ bản ổn hết rồi. Giờ chỉ liên quan 2 mỏ cát cấp phép theo quy định.

"Vừa rồi, do nhu cầu về cát lớn nên một số tàu bè bên dưới ngược lên muốn và thu mua cát ở trong mỏ. Nó chưa để xảy ra hậu quả gì cả, nhưng bà con thấy nhiều tàu, nhiều bè mà hơn nữa doanh nghiệp được cấp phép làm đêm ngày ầm ầm, bà con thấy phản cảm nên phản ánh.  Cấp huyện, Sở TN&MT và cấp tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, về cơ bản là các tàu rút hết rồi", ông Điệp nói.

Hinh anh  3

Một nhóm tàu hút cát giăng kín mặt sông Đà. (Ảnh: Đ.T)

Tuy nhiên, thực tế PV VTC News ghi nhận thì dọc 2 bên bờ sông thuộc xã Hợp Thịnh và Hợp Thành (nơi tỉnh cấp giấy phép cho 2 công ty khai thác), bãi trồng hoa màu ven sông sạt lở một đoạn dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp, và nguy hiểm cho người dân.

Hinh anh

 Vị trí sạt lở nằm 2 bên bờ sông thuộc xã Hợp Thịnh và Hợp Thành - nơi tỉnh cấp giấy phép cho 2 công ty khai thác. (Ảnh: Đ.T)

Ông Điệp cho rằng: “Sông Đà bước vào mùa mưa có rất nhiều đoạn lở, nhưng lở nhỏ thôi, lở to thì không phải. Nhân tiện câu chuyện này (khai thác cát), bà con lo ngại về sau. Đến mùa mưa thì chỗ nào cũng thế, chứ không phải vị trí đó".

Trước câu trả lời này của ông Điệp, PV thắc mắc, mùa lũ ở miền núi nói riêng và miền Bắc nói chung thường bắt đầu vào cuối tháng 7 hàng năm, không hiểu vì kém hiểu biết hay cố tình bênh doanh nghiệp mà ông Điệp có thể nói tháng 4, tháng 5 là mùa mưa lũ; trong khi bây giờ đang là đỉnh hè, cả miền Bắc đang chịu những trận nóng oi ả?!.

Ông Điệp nói tiếp: “Các doanh nghiệp mới làm, tôi tin rằng không phải hành vi khai thác mà nó lở. Vị trí không có mỏ cát nó vẫn cứ lở. Sở chưa nhận được phản ánh của người dân về việc bờ sông lở”, ông Điệp nói.

Hinh anh

 Đơn của người dân phản ánh về tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình - ông Bùi Văn Khánh cho biết: “Trước những thông tin báo nêu, chúng tôi đã cho kiểm tra, xử phạt hai công ty trên. Quan điểm của UBND tỉnh những gì sai thì phải xử lý nghiêm, hai công ty đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ, mới đi vào hoạt động, tuy nhiên việc khai thác lộn xộn, hiện nay đang được giao cho Sở TN&MT tiếp tục xử lý”.

Được biết, 2 công ty khai thác cát được tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép là Công ty TN HH xây dựng Hùng Yến và Công ty Cổ phần khai khoáng SAHARA.

Ngày 4/5/2017 UBND huyện Kỳ Sơn đã có văn bản số 61/BC-UBND do Phó Chủ tịch huyện Hoàng Văn Minh ký báo cáo về việc khai thác cát của Công Ty TNHH xây dựng Hùng Yên và Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara tại xã Hợp Thịnh và xã Hợp Thành để tìm ra hướng xử lý tình trạng trên.

Tại báo cáo thể hiện nội dung: Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến từ năm 2013 được cấp phép tổ chức khai thác hoạt động khoáng sản chỉ có khoảng 2-3 tàu thuyền. Đến tháng 4/2017 đã tổ chức khai thác rầm rộ, có ngày trên 10 tàu khai thác.

Hinh anh  4

 Tại thời điểm PV ghi hình là 13h, song trên sông vẫn có khoảng vài chục tàu cuốc, tàu hút cát đang khai thác rầm rộ. (Ảnh: Đ.T)

Phía Công ty Cổ phần khai khoáng SAHARA từ năm 2015 được cấp phép tổ chức khai thác hoạt động khoáng sản chỉ có khoảng 2-3 tàu thuyền. Đến tháng 4/2017 đã tổ chức khai thác rầm rộ, có ngày lên đến trên 20 tàu khai thác.

Trong một văn bản mà Công ty Cổ phần khai khoáng SAHARA báo cáo tỉnh Hòa Bình, công ty này chối bỏ việc mình vi phạm và cho rằng, các tàu trên sông là của một công ty khác của tỉnh Phú Thọ.

Tuy nhiên, trong các văn bản kể trên, rõ ràng 2 công ty Hùng Yến và công ty  SAHARA đã vi phạm về số lượng tàu đăng ký khai thác. Liệu, việc xin cấp giấy khai thác ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh có phải chiêu trò lách luật mà các doanh nghiệp đang sử dụng để khi bị tố cáo, nó sẽ là “lá bùa” để doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng "đá bóng trách nhiệm".

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn