Khả năng có đồng phạm trong vụ nhà báo bị đốt rất lớn

Thời sựThứ Năm, 24/02/2011 07:57:00 +07:00

(VTC News) - Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Như Chính đã nhận định như trên khi trao đổi riêng với VTC News về vụ án này.

(VTC News) – Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Như Chính (giảng viên môn Tâm lý học tội phạm) đã nhận định như trên khi trao đổi riêng với VTC News về vụ án. Theo ông Chính, nếu chỉ có mình bà Liễu thì không thể thực hiện hành vi phạm tội trót lọt được. 

Khi mà dư luận vẫn còn chưa hết xót xa sau cái chết của nhà báo Hoàng Hùng thì những người thân trong gia đình nhà báo Hoàng Hùng và dư luận lại tiếp tục lại bàng hoàng khi biết rằng thủ phạm lại chính là bà Trần Thúy Liễu - vợ nhà báo Hoàng Hùng. 

Xung quanh những băn khoăn, khó hiểu về diễn biến vụ án, VTC News đã trao đổi riêng với Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Như Chính, Giảng viên môn tâm lý học tội phạm nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những động cơ và mức độ của vụ án.

- Ông đánh giá như thế nào về diễn biến tâm lý của bà Trần Thị Thúy Liễu người vợ và đồng thời cũng là thủ phạm gây ra cái chết của nhà báo Hoàng Hùng trong suốt quá trình cơ quan Công an tiến hành điều tra thủ phạm của vụ án?

Qua thông tin mà các cơ quan báo chí cung cấp về những dấu hiệu bất minh của bà Liễu như có quan hệ với một số đối tượng là cán bộ nhà nước (quản lí thị trường), nhiều lần rủ nhau sang Campuchia đánh bạc với biệt danh là ZKC Liễu casino và sau khi bị nợ nần do thua bạc hơn 1 tỉ đồng thì bà Liễu đòi chồng bán nhà… có nhiều vấn đề đặt ra từ việc thu thập thông tin tại hiện trường vụ án.
 
Vì vậy, ngay từ quá trình điều tra ban đầu cơ quan Công an đã nhiều lần triệu tập bà Liễu và những người có liên quan đến làm việc nhưng bà Liễu vẫn một mực khẳng định mình không biết gì về cái chết của chồng. Việc bà Liễu khai chỉ đánh bạc một vài lần cho vui, thậm chí còn tự đưa ra ý kiến cho rằng ông Hoàng Hùng tự tử vì nợ nần khi xây nhà để đánh lạc hướng dư luận, làm cho phức tạp hơn và cũng chính vì điều này nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã cử 2 cán bộ xuống hỗ trợ cho Công an Long An.

Thạc sỹ tâm lý  Nguyễn Như Chính. (Ảnh: Quang Tùng)

Việc bà Liễu phạm tội là cả một quá trình do tác động của hoàn cảnh bên ngoài (bà Liễu được người thân đánh giá là khá hiền lành, thương yêu bố mẹ và anh chị em), được bắt đầu từ khi bà sang đánh bạc ở Campuchia bị thua và có mối quan hệ với những người khác ngoài xã hội (không loại trừ việc ngoại tình) và 2 vợ chồng bất đồng về tài chính. Khi thực hiện hành vi phạm tội bà Liễu đã có sự tính toán phương thức gây án (mua xăng để đốt chồng và dây thừng để tạo hiện trường giả), có sự sẵn sàng về tâm thế chứ không hề bị động trước và trong khi gây án (đấy là chưa xem xét đến việc bà đã bàn bạc trước với các đồng phạm của mình).

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, mặc dù lúc đầu bà Liễu tỏ ra khá bình tĩnh khi cơ quan Công an mời đến làm việc song sự đấu trí bền bỉ của các cán bộ điều tra và sự căng thẳng về tâm lý xuất hiện do hệ quả của việc thực hiện hành vi phạm tội đã khiến bà Liễu căng thẳng, mất ngủ liên tục trong vòng 01 tháng, không thể chịu đựng thêm được nữa. Cộng với sự tác động bên ngoài từ phía gia đình và người thân, bạn bè nên bà Liễu đã quyết định khai báo sự thật với cơ quan Công an. Diễn biến tâm lý của bà Liễu như vậy là phù hợp với những vấn đề mà về mặt lý luận tâm lý học tội phạm đã chỉ ra.

- Dư luận cho rằng bà Liễu có đồng phạm, ông có đồng ý với ý kiến này không?

Cá nhân tôi cho rằng khả năng có đồng phạm trong vụ án này là rất lớn. Vì nếu chỉ có một mình thì bà Liễu khó có thể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Ai là người cùng bà Liễu thực hiện hành vi phạm tội sẽ được Cơ quan Công an làm rõ trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra. 


- Khi ra đầu thú tại cơ quan Công an, bà Liễu khai nguyên nhân mua xăng đốt chồng mình chỉ là để “răn đe” nhưng không ngờ hậu quả sự việc lại đi quá giới hạn. Vậy việc đốt để "răn đe" như lời bà Liễu nói có hợp lý không?

Những mâu thuẫn giữa lời khai của bà Liễu và những chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được từ hiện trường vụ án đã chứng minh cho việc khai báo không đúng của bà. Lí do được đưa ra là đốt để "răn đe" chồng là không đúng. Không thể chỉ vì tạm thời chưa thống nhất với chồng chuyện bán nhà trả nợ mà bà Liễu đã tính ngay đến chuyện xử lý người chồng từng chung sống với mình nhiều năm. Trong khi đó nhà báo Hoàng Hùng cũng đối với vợ con khá chu đáo chứ không hề hắt hủi hay bỏ mặc dù rất bận bịu công việc. Nếu hai vợ chồng cãi nhau nhiều lần do mâu thuẫn về việc bán nhà và nhà báo Hoàng Hùng xúc phạm vợ thì con cái họ và người thân phải biết và cung cấp thông tin này cho cơ quan điều tra ngay từ ban đầu. 

-  Như vậy, có thể kết luận động cơ gây án là do mâu thuẫn có liên quan đến chuyện nợ nần từ đánh bạc của bà Liễu, thưa ông?

Để chứng minh động cơ gây án thực sự của người phạm tội xét từ góc độ tâm lý là một việc làm cần thiết nhưng cũng rất khó khăn. Phần lớn hành vi phạm tội trên thực tế ở người bình thường đều là những hành vi có ý thức, do tâm lý tội phạm điều khiển và nhằm đạt đến một mục đích nhất định (chiếm đoạt tài sản, trả thù vì ghen tuông...) song thường bị che đậy bởi những lí do có vẻ rất hợp lí khác. Để kết luận về động cơ gây án của bà Liễu (là do nguyên nhân nào, có phải nợ nần do bà Liễu chơi bạc không) còn phải chờ cơ quan điều tra thu thập thêm các chứng cứ khác có tính thuyết phục hơn.

- Thưa ông, bà Liễu đã khai nhận hành vi giết chồng mình với cơ quan điều tra. Điều này sẽ để lại những hệ quả gì về mặt tâm lý đối với hai người con và người thân của nhà báo Hoàng Hùng?


Như báo chí đã đưa tin, mẹ của nhà báo Hoàng Hùng, bà Nguyễn Thị Thúy Nga (74 tuổi) thấy bàng hoàng, đau xót khi nghe tin hung thủ giết con trai mình lại chính là con dâu đã phải thốt lên về nỗi đau mất con trai đã quá đau đớn, nay lại mất thêm con dâu, mà chính người con dâu lại đi giết con trai mình. Rồi cả bố đẻ bà Liễu cũng sang quì lạy mẹ nhà báo Hoàng Hùng và các anh em để tạ tội thay.

Tuy nhiên, theo tôi người bị ảnh hưởng lớn nhất về mặt tâm lý là 2 cháu gái con của ông Hoàng Hùng. Chúng rơi vào tâm trạng mặc cảm và xấu hổ, thâm chí bị sốc khi nghe tin mẹ đẻ lại đổ xăng giết cha đẻ của chúng. Đây là trạng thái mà trong tâm lý học đã đề cập đến nhiều, là sự căng thẳng tâm lý (stress). Các cháu rất cần có sự giúp đỡ của người thân hoặc chuyên gia về tâm lý để ổn định tinh thần, chấp nhận sự thật và vượt qua được khó khăn trong cuộc sống trước mắt và cả sau này.

- Ông có nhận xét gì về hành vi phạm tội mang tính dã man và mất nhân tính của bà Liễu trong vụ án này?


Thời gian gần đây, báo chí có đăng bài về một số vụ án trong đó điển hình là vụ người mẹ trẻ đem con quẳng xuống giếng do mâu thuẫn với gia đình chồng, hay con gái đâm chết cha đẻ của mình, thậm chí có vụ ở quận Thanh Xuân người chồng còn chặt xác vợ rồi ném ở những nơi khác nhau nhằm phi tang. Vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị chính vợ mình sát hại cũng thuộc một trong những vụ án giết người như thế dù tính chất sự việc có một số điểm khác biệt. Vấn đề đặt ra là trong công tác phòng ngừa tội phạm hiện nay, cần thiết hơn bao giờ hết phải tập trung vào giáo dục gia đình, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và đặc biệt là giáo dục cho trẻ em cũng như các bậc làm cha mẹ kĩ năng sống, không để các vụ việc thương tâm như vậy tiếp tục xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tùng (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn