Keangnam không có trách nhiệm với tai nạn trong toà nhà

Kinh tếThứ Sáu, 24/06/2011 09:16:00 +07:00

(VTC News) - Trang 22 sổ tay cư dân có đoạn “Nhà thầu xây dựng và công ty quản lý không chịu trách nhiệm về bất cứ mất mát, thiệt hại, trộm cướp, tại nạn..."

(VTC News) - Mặc dù đã đóng mức phí dịch vụ 0,99 USD/tháng vào hàng cao ngất ngưởng ở Hà Nội nhưng trong sổ tay cư dân có đoạn “Nhà thầu xây dựng và công ty quản lý không chịu trách nhiệm về bất cứ mất mát, thiệt hại, trộm cướp".


Tòa soạn báo điện tử VTC News đã nhận được thông tin của Ban đại diện lâm thời dân cư Keangnam chiều 23/6 về việc thông báo của Keangnam Vina tới người dân để tham dự Hội nghị cư dân.

Sau khi luật sư Bùi Quang Hưng thay mặt các cư dân tại chung cư Keangnam gửi thư khiếu nại đến chủ đầu tư của chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower, tối 22/6/2011 Công ty Keangnam Vina đã dán thông báo mời toàn thể cư dân đến dự Hội nghị cư dân họp vào hồi 17h00 ngày 24/6/2011.

Thông báo được dán duy nhất tại sảnh lễ tân của 2 tòa nhà A và B. Theo người dân ở đây cho biết, họ không hề nhận được thư mời họp và cũng không nhận được điện thoại từ phía Chủ đầu tư thông báo về Hội nghị. Rất ít người đọc được thông báo này vì người dân sinh sống tại chung cư thường đi thẳng xe vào các tầng gửi xe và theo lối cầu thang máy để lên nhà chứ không đi qua sảnh lễ tân.

Trước đây, mỗi khi được thông báo đóng tiền và nộp các loại phí, người dân vẫn thường nhận được thư gửi bảo đảm từ công ty Keangnam Vina. Với hội nghị chung cư được tổ chức gấp gáp thế này, người dân coi hình thức dán thông báo tại quầy lễ tân mà không gửi thư đến từng căn hộ là việc làm thiếu tôn trọng cư dân, không tương xứng với tầm cỡ của chủ đầu tư và qui mô của công trình, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng cao.

Địa điểm họp nơi Keangnam Vina tổ chức Hội nghị là ở phòng họp tầng 3 nhà A, nơi này là thư viện của trẻ em và chỉ có sức chứa tối đa không quá 100 người. Với tổng số cư dân của 920 căn hộ tại Keangnam, nếu tất cả cư dân cùng đến dự họp thì cũng không đủ chỗ để tham dự. Hiện nay cư dân vẫn chưa rõ phòng sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư được chủ đầu tư bố trí ở đâu?

Sổ tay cư dân biểu hiện vô trách nhiệm ?

Được biết, với mỗi một hộ dân tòa nhà Keangnam khi được bàn giao căn hộ đều có một cuốn sổ tay cư dân. Thế nhưng, một số hộ dân đã dọn về ở vẫn chưa có sổ tay cư dân.

Tuy nhiên, với mức phí cao chót vót 0,99 USD/m2/tháng như thông báo của Keangnam Vina. Trong cuốn sổ tay cư dân ở trang 16 có ghi tài sản cá nhân như sau: “ Người dân có trách nhiệm tự bảo quản các tài sản cá nhân bên ngoài, hoặc bên trong tòa nhà. Người dân không thể yêu cầu bồi thường khi xảy ra mất mát hoặc hư hại tới Công ty quản lý”.

Sổ tay dân cư trang 22

Còn trang 22 có đoạn ghi với dịch vụ an ninh: “Nhà thầu xây dựng và công ty quản lý không chịu trách nhiệm về bất cứ mất mát, thiệt hại, trộm cướp, các vụ tấn công, tai nạn hoặc thương tật xảy ra trong ngoài tòa nhà”.

Theo ông H ( thành viên Ban đại diện lâm thời dân cư) chỉ rõ: “ Thực tế toàn bộ dân cư đã đóng phí dịch vụ an ninh, vệ sinh cũng như phí trông giữ xe cho Ban quản lý tòa nhà. Chính vì vậy, những tuyên bố trên của công ty quản lý Chung cư Keangnam là không thể chấp nhận và trái với các quy định của pháp luật. Chúng tôi đề nghị có sự khẳng định bằng văn bản về những vấn đề này để tránh những mâu thuẫn, xung đột nếu có những sự cố đáng tiếc về an ninh xảy ra trong tòa nhà”.

Cũng theo ông H, tất cả các phí dịch vụ an ninh, vệ sinh, trông giữ xe đều thu ngay khi cư dân vừa dọn về và thu liền 3 tháng. Trong khi đó, một số chung cư khác có hình thức miễn phí thời gian đầu. Ông H nhấn mạnh: “Đầu tiên nộp hết số tiền mua nhà, muốn lên căn hộ phải đóng đầy đủ phí dịch vụ, không nộp hết phí không được lên căn hộ của tôi”.

Dịch vụ truyền hình cũng bị áp giá cao?

Từ thời điểm bắt đầu người dân dọn đến ở cho tới cách đây vài hôm, các cư dân chung cư Keangnam chỉ có lựa chọn duy nhất là lắp đặt truyền hình cáp SCTV. Theo phản ánh của một số hộ dân, việc sử dụng truyền hình cáp là đúng, song điều đáng bàn ở đây là mức phí lắp đặt quá cao. Cụ thể, với mỗi hộ dân khi lắp đặt truyền hình cáp SCTV phải đóng tới 1,2 triệu đồng.

Được biết, đến thời điểm hiện tại rất nhiều hộ dân trong cả hai tòa nhà A và B đều chưa đăng ký hợp đồng truyền hình cáp SCTV. Trong vai người cần đăng ký truyền hình cáp, chúng tôi được nhân viên bàn đăng ký lắp đặt truyền hình cáp giới thiệu hiện đã có thêm một nhà cung cấp truyền hình cáp nữa ngoài SCTV là NetTV.

Bảng giá cước truyền hình cáp SCTV

Tuy nhiên, mức giá lắp đặt của 2 hệ thống này lại hoàn toàn khác nhau. Nếu như mức giá lắp đặt của SCTV là 1,2 triệu đồng thì mức giá lắp đặt NetTV  được miễn phí, nhưng người đăng ký phải mua thêm Set top box với mức giá khuyến mại SD STB trị giá 880.000 đồng, chỉ còn 150.000 đồng, còn HD STB trị giá 1.200.000 đồng chỉ còn 300.000 đồng. Ngoài ra, mức phí sử dụng hàng tháng cũng có sự chênh lệch khác nhau, nếu như nhóm 1 của SCTV có mức giá thấp nhất là 187.000 đồng/tháng còn mức cao nhất là nhóm 3 (HD) với giá 330.000 đồng/tháng, trong khi mức giá sử dụng NetTV chỉ có 45.000 đồng/tháng

Tuy nhiên, theo lời nhân viên ở bàn đăng ký, những hộ muốn sử dụng được NetTV là những khách hàng hòa mạng Internet của Viettel mà thôi.  

Ngoài số tiền 1,2 triệu đồng mỗi lần lắp đặt SCTV, nếu người sử dụng đăng ký nhóm 2 (SD) và nhóm 3 (HD) đều phải mua thêm đầu thu có giá lần lượt là 3.800.000 đồng/bộ và 4.800.000 đồng/bộ.

Song, điều khiến nhiều cư dân bức xúc nhất đó là việc áp dụng mức phí 187.000 đồng với gói Analog. Ông H (Tầng 18) cho biết: “Không có nhiều nhà cung cấp nhằm tạo sự lựa chọn cho các cư dân, do đó phí lắp đặt cao, thuê bao đắt”.

Cũng chính ông H tiết lộ, ông đã có trao đổi với đơn vị cung cấp truyền hình cáp. Nhưng, SCTV lại cho rằng, công ty phải đầu tư về hệ thống cáp để truyền hình tới được các tầng. Ông H cho rằng: “Keangnam làm sai, nguyên tắc khi tôi đã mua căn hộ, nghĩa là đầu tivi phải có sẵn. Làm sao tôi lại phải bỏ tiền ra để mua thêm những sợi dây đó”.

Theo lời đại diện một số hộ dân, với mức giá 187.000 đồng/ tháng cho gói Analog, đó là phí sử dụng áp dụng chung, mà không để ý đến số lượng đầu nối trong căn hộ. Khi thấy sự vô lý này, người dân đưa thắc mắc hỏi nhân viên đăng ký thì được giải thích: “ Áp dụng điều này là do không thể kiểm soát được số lượng tivi trong mỗi hộ gia đình”.  

Bà T (Cư dân ở tòa nhà Keangnam) bức xúc: “Căn hộ của chị chỉ có một chiếc tivi giờ cũng phải chịu mức phí 187.000 đồng”.

Khi có mặt ở khu vực đăng ký lắp đặt truyền hình cáp, chúng tôi đề cập đến vấn đề này, nhân viên cũng nhắc lại lý do rằng: Do đơn vị cung cấp họ không thể quản lý được số ti vi. Điều đó có nghĩa rằng, những hộ gia đình chỉ sử dụng một hoặc hai đầu nối cũng phải chịu mức phí bằng với những người dùng nhiều đầu nối.

Đưa thắc mắc về tình trạng nhiễu khi xem truyền hình cáp SCTV của một số hộ dân, phóng viên VTC News bất ngờ trước câu trả lời của nhân viên bàn đăng ký: “ Hộ đó đã ký hợp đồng chưa hay đang trong giai đoạn phát miễn phí. Nếu phát miễn phí, thì đang cắt dần, muốn xem được thì phải ký hợp đồng”.

Ngoài ra, phí quản lý cũng khá cao khiến dân Keangnam phản đối.

Phóng viên VTC News đã nhận được từ một cư dân sống ở Keangnam hai văn bản về hướng dẫn phí quản lý dự tính và hướng dẫn phí quản lý căn hộ. Văn bản được đánh máy, nhưng không hề có đóng dấu, chữ ký của bất kỳ một người đại diện nào từ phía thông báo, ngày tháng và thậm chí số trang của văn bản cũng không có.

Trong văn bản hướng dẫn phí quản lý dự tính có ghi mức phí quản lý dự tính là 0,9 USD – 1 USD/m2 ( chưa bao gồm VAT) với ghi chú “hiện tại đang đàm phán giá cung cấp điện với sở điện lực và chuẩn bị ký kết hợp đồng”. Theo lời người dân này, sau khi văn bản hướng dẫn phí quản lý dự tính được đưa ra nhưng không ai có ý kiến gì, nên sau đó Keangnam Vina đã có văn bản chính thức về phí quản lý ấn định ở mức 0,99 USD/m2.

Người dân này nhấn mạnh: “Những văn bản này không có dấu, thậm chí tôi phải gọi điện để hỏi có phải photo nhầm hay không. Điều nay cho thấy không tôn trọng cư dân, mọi người cứ đến nộp tiền và cũng không biết đơn vị nào gửi. Khi nhận văn bản này, cũng không biết khiếu nại cho ai”.

Và khi người dân này gọi điện tới Keangnam Vina thắc mắc về chuyện không có đóng dấu, một tờ photo không có giá trị, thì nhận được giải thích: “Bên em gửi nhưng vội quá nên không có dấu”.

Văn bản không có ngày tháng, không đóng dấu và chữ ký

Nước lênh láng tầng 27

Một bạn đọc sống ở chung cư Keangnam  đã gửi clip về vụ việc trụ nước cứu hỏa ở tầng 27 gặp sự cố. Theo phản ánh của một số người dân sống ở chung cư này, sự việc bắt đầu vào khoảng 15h45 phút chiều ngày 9/6/2011.

Theo bạn đọc cung cấp clip cho chúng tôi, vụ việc vừa rồi không phải là vụ việc đầu tiên. Vụ việc trước đó xảy ra ngay khi vừa bàn giao căn hộ,  2 tháng máy ngoài cùng bị hỏng, không sử dụng được trong vòng 2 tháng là do sự cố rò rỉ nước.

Theo lời người dân này, 10 thang máy hỏng sau sự cố ở trụ nước cứu hỏa, lúc 6 giờ sáng ngày 10/6, có một thang máy chở hàng có thể sử dụng được, còn 9 thang máy bị hỏng phải chờ sửa chữa. 

Clip do bạn đọc cung cấp
                                                                           


Gia Bảo

Bình luận
vtcnews.vn