Kẻ sát hại chủ tiệm vàng Vững Bắc có thể bị tử hình

Pháp luậtThứ Ba, 21/02/2012 12:19:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều khả năng, Nguyễn Hữu Dưỡng - kẻ sát hại chủ tiệm vàng Vững Bắc sẽ phải chịu mức án cao nhất - tử hình.

(VTC News) – “Đây là tội ác mang tính chất côn đồ, man rợ. Hung thủ đã quyết tâm tước đoạt mạng sống của nạn nhân đến cùng, với mục đích chiếm đoạt tài sản. Tài liệu, chứng cứ buộc tội đã rõ để định tội danh cho bị can Nguyễn Hữu Dưỡng”.

Như VTC News đã đưa tin, đêm 18, rạng sáng 19/02 Nguyễn Hữu Dưỡng, (SN 1985, trú quán tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hung thủ giết bà Nguyễn Thị Bắc (SN 1957) – Chủ tiệm vàng Vững Bắc (Đỗ Xá, Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) đã ra đầu thú tại CA tỉnh Thái Bình.

Chiều 19/02, Nguyễn Hữu Dưỡng đã được di lý về Phòng CSHS-CATP Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Tại đây, hung thủ sát hại chủ tiệm vàng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình và kể lại diễn biến vụ việc. Theo đó, do không có tiền trả nợ cho bố vợ, hắn đã đi cướp vàng. Khi đi qua tiệm vàng Vững Bắc, thấy vắng người nên hắn quyết định giả làm người mua hàng rồi dùng dùi cui điện dí, dùng dao cắt cổ để cướp vàng.

 

Gây án xong, Dưỡng chạy theo hướng Hà Nam để về nhà và được người nhà đưa ra đầu thú. Ngày 19/02, CQCSĐT-CA Hà Nội cũng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giữ đối tượng Nguyễn Hữu Dưỡng về hành vi “Giết người và cướp tài sản”.

Đánh giá về hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Dưỡng, Luật sư Đào Việt Hà, Văn phòng Luật sư Việt Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Đây là tội ác mang tính chất côn đồ, man rợ. Hung thủ đã quyết tâm tước đoạt mạng sống của nạn nhân đến cùng, với mục đích chiếm đoạt tài sản. Tài liệu, chứng cứ buộc tội đã rõ để định tội danh cho bị can Nguyễn Hữu Dưỡng”.

Theo Luật sư Đào Việt Hà, với hành vi “Giết người và cướp tài sản”, bị can Nguyễn Hữu Dưỡng đã phạm vào điều 93 và điều 133 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1999. Ngoài ra, bị can còn bị áp dụng điều 50 Bộ Luật Hình sự về “Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội”.

Theo đó, khung hình phạt mà Nguyễn Hữu Dưỡng có thể phải nhận là tử hình hoặc chung thân. “Điều này còn thuộc vào phán quyết của toà án và thái độ của bị can” – Luật sư Hà nói.

Về tình tiết có thể được coi là giảm nhẹ hình phạt đối với Nguyễn Hữu Dưỡng khi tự ra đầu thú tại cơ quan công an, Luật sư Hà cho rằng, tình tiết này cần phân biệt hành động “tự thú” và “đầu thú”. Vấn đề này đã được nêu tại công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002.

Theo đó,  “Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự thú" quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ Luật Hình sự năm 1999 đối với người phạm tội”.

Mặt khác, “Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội”.

Như vậy, theo hướng dẫn của công văn này thì bị can Nguyễn Hữu Dưỡng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 điều 46 trong trường hợp “đầu thú” mà chỉ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 điều 46 Bộ Luật Hình sự vì Dưỡng ra đầu thú khi “có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”

Tuy nhiên, Luật sư Hà cũng lưu ý, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

“Với điều kiện hoàn cảnh thực tế như bị can đang có thì bị can nên thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải, hợp tác với CQĐT thì mới hy vọng được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 46 của Bộ Luật Hình sự” – Ông Hà khuyến cáo.

Cùng quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng văn phòng luật sư Tâm – Đức cho rằng, trong vụ án án, bị can Dưỡng đầu thú chứ không phải tự thú. Do đó, đây mới chỉ là một mức để xem xét, nếu như hợp với việc gia đình có thân nhân tốt, có công với cách mạng mới có khả năng không tử hình. Tuy nhiên, nếu không có các tình tiết trên thì bị cáo sẽ phải nhận mức án cao nhất là tử hình.

Trong khi đó, Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) cho rằng, “dù có những tình tiết giảm nhẹ việc đầu thú, hay gia đình có công với cách mạng (nếu có), nhưng với một hành vi của hung thủ quá dã man, mất nhân tính, cấu thành hai tội là giết người và cướp tài sản thì phải xử mức án cao nhất là tử hình.”

Phân tích về những tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với Dưỡng, Luật sư Phạm Quốc Thanh , văn phòng Luật sư Quốc Thái cho rằng: “trong trường hợp này, Nguyễn Hữu Dưỡng chỉ được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ đó là khai báo thành khẩn và tự giác ra đầu thú. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của sự việc, tôi tin chắc đến 90%, mức án dành cho hung thủ là tử hình”.

So sánh về hành vi giết người tại tiệm vàng của Nguyễn Hữu Dưỡng và Lê Văn Luyện (kẻ gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng ở Bắc Giang – PV), cả Luật sư Hà và Luật sư Thanh đều cho rằng, mặc dù có những điểm khác nhau những đó các vụ án có cùng chung mục đích “Giết người, cướp tài sản” một cách vô cùng dã man, thủ đoạn tàn độc, đã được chuẩn bị từ trước.

“Qua sự việc lần này, chúng ta thấy sự nguy hiểm của vấn đề tội phạm ngày càng gia tăng . Tất cả tội ác cần phải bị trừng trị theo luật pháp và mang tính răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung” – Luật sư Đào Việt Hà khẳng định.

 Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn