Kẻ bắt cóc khai gì ở cơ quan công an?

Pháp luậtThứ Tư, 17/09/2014 08:00:00 +07:00

Gần 5 tiếng đồng hồ bắt giữ con tin, Trần Thanh Bình một mực yêu cầu được gặp vợ con, có lúc hắn còn yêu cầu làm sẵn mâm cơm để người thân lên có đồ ăn luôn.

Gần 5 tiếng đồng hồ bắt giữ con tin, Trần Thanh Bình một mực yêu cầu được gặp vợ con, có lúc hắn còn yêu cầu làm sẵn mâm cơm để người thân lên có đồ ăn luôn. 

Được sự khuyên ngăn của Giám đốc Công an thành phố, kẻ bắt cóc con tin Trần Thành Bình đã buông dao, chấp nhận đi về trụ sở Phòng CSĐT Tội phạm về TTXH (PC45, Công an TP. Hà Nội) để làm rõ nguyên nhân gây án.

Chiều cùng ngày, cơ quan chức năng tiến hành lấy lời khai của đối tượng bắt cóc. Tại cơ quan công an, thanh niên 30 tuổi này khai động cơ dẫn đến hành động dại dột này.

Theo Trần Thanh Bình khai, hắn đã có vợ và hai con nhỏ đang sinh sống tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh). Cả hai vợ chồng đều đang làm việc tại Công ty kho vận Đá Bạc Quảng Ninh. Trong đó, vợ hắn làm công nhân, còn Bình làm bảo vệ.

"Trước đây em có nợ nần tiền của một số người, nhưng đã được gia đình trả hộ. Thời gian gần đây, em không muốn làm bảo vệ nữa mà muốn làm công nhân kỹ thuật cho có uy tín cao hơn" - Trần Thanh Bình khai.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (áo trắng, bên trái) đưa đối tượng (dấu X) ra khỏi hiện trường. 

Chiều ngày 31/8, Trần Thanh Bình bỏ nhà lên Hà Nội với mục đích tìm việc làm. Lang thang ở Thủ đô nhiều ngày vẫn không xin được việc. Trưa ngày 15/9, trong túi chỉ còn vẻn vẹn 2 nghìn đồng, đúng lúc hắn nhớ ra một bà cô họ tên là Trần Thị Bé (ở Tòa tập thể nhà E7 Thanh Xuân Bắc) nên tìm đến xin trợ giúp.

Đến khuya cùng ngày, Trần Thanh Bình vẫn không tìm thấy nhà bà cô họ hàng, nên hắn định bắt xe về quê. Nhưng gã cứ loanh quanh nên ra muộn cả chuyến xe buýt cuối cùng. Trời mưa, muỗi nhiều nên hắn trèo lên chiếu nghỉ tầng 5, Tòa nhà E6 ngủ qua đêm.

Sáng sớm hôm sau (16/9), Bình đang đi xuống đến chiếu nghỉ tầng 3, thì nghe thấy phía sau có tiếng chân người và giọng nói phụ nữ. Giật mình quay lại thì phát hiện chủ căn hộ 401 (tức bà Đỗ Thị Ánh Hồng). Phát hiện người lạ, bà Hồng hét toáng lên nên bị Bình đẩy bà ngược lên nhà. Khi vào nhà, Bình liền rút dao, khống chế mọi người trong nhà và tuyên bố rằng: “Nếu ai kháng cự, tao sẽ đâm chết...”

Thấy đối tượng hung dữ, bà Hồng van xin gã tha cho cả nhà và nói: "Anh muốn bao nhiêu tiền thì tôi sẽ đưa". Tuy nhiên, Bình trả lời rằng: “Tao không cần tiền”.

Sợ thanh niên lạ mặt này dùng dao đâm mọi người trong nhà nên bà Hồng lao vào giằng co con dao và bị rách tay. Mặc dù bị thương, nhưng bà Bình vẫn tiếp tục van xin: “Anh cần gì tôi cho hết, anh thả cho cả nhà tôi đi”. Câu trả lời của Bình vẫn là: “Tao không cần gì hết, chỉ muốn gặp vợ con thôi”.

Thấy vậy, bà Hồng liền hỏi: “Anh đưa cho tôi địa chỉ, số điện thoại, tên vợ con anh để liên hệ đón lên gặp”. Thế nhưng Bình trả lời rằng: “Không nhớ. Sang nhà bà cô tên là Bé ở nhà E7 mà hỏi."

Ngay sau đó, Bình đẩy bà Hồng ra ngoài với mục đích hỏi địa chỉ cho hắn. Trong nhà bà Hồng lúc này vẫn còn hai chị gái và hai cháu nhỏ.

Video hiện trường vây bắt kẻ khống chế con tin

Khi đẩy bà Hồng ra ngoài, Bình yêu cầu bảo bà Hạnh (chị gái bà Hồng) ra khóa cửa. Lợi dụng lúc đó bà chạy luôn xuống tầng dưới. Thấy vậy, Bình ra khóa cửa lại, dùng dây trói 2 cháu bé lại. Sau đó, được cơ quan công an thuyết phục, đối tượng đã thả cháu Mộc Lam ra ngoài cho đi học, nhưng vẫn trói cháu Tùng Lam để khống chế mọi người. Gã chỉ một mực yêu cầu được gặp vợ con. Có lúc còn yêu cầu bà Hương (chị bà Hồng) làm sẵn mâm cơm để vợ con gã lên có đồ ăn luôn.

Mặc cho Ban chỉ đạo giải cứu con tin hết lời khuyên can, Bình nhất định không chịu buông dao, thả con tin mà mình đang bắt giữ. Kể cả khi hắn yêu cầu được nói chuyện với người cao nhất Công an thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng có mặt để thương thuyết với kẻ bắt cóc này. Phải đến gần thứ tư gọi điện nói chuyện, Trần Thanh Bình mới chịu đồng ý để Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vào bên trong trao đổi trực tiếp.

Ngay sau đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã có mặt để thuyết phục kẻ bắt cóc. Mặt khác, nhằm đảm bảo tính mạng cho các con tin nên lực lượng chức năng không thể phá cửa xông vào bên trong được.

Do Bình không có điện thoại, để nói chuyện với kẻ bắt cóc, Thiếu tướng Chung đã gọi điện từ máy mình vào máy của bà Hương, đề nghị chuyển cho Bình nghe.

Ngay khi Bình nghe máy, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: “Tôi là Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội….”. Nhưng cũng phải đến lần gọi thứ 3, hắn mới chịu đồng ý làm theo yêu cầu là cởi trói cho cháu bé Tùng Lam, cho cháu chơi điện tử và cho mọi người đi lại, làm việc trong nhà như bình thường.

Tại thời điểm đó, lực lượng Công an ngoài hiện trường thở phào khi thấy cháu Tùng Lam ra đứng ở ban công chơi, còn chị Hương làm việc nhà bình thường. Bình cũng đồng ý sẽ gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, nhưng hắn cũng yêu cầu đi một mình.

Bước đầu thuận lợi, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung yêu cầu các lực lượng đang ở ngoài hiện trường rút bớt ra bên ngoài. Nhìn thấy vị Giám đốc Công an trực tiếp đến như vậy, Bình cho chị Hương ra mở cửa. Khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vào nhà, Bình ngồi đối diện và nói chuyện.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã giải thích cho hắn biết hành vi của hắn đang làm là vi phạm pháp luật. Nếu chịu thả các con tin, ra làm việc với cơ quan công an sớm để khai báo thành khẩn thì sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật, nhẹ tội hơn.

Tuy nhiên, Bình vẫn yêu cầu được gặp vợ con rồi mới ra đầu hàng. Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung kiên quyết yêu cầu hắn ra sớm để được giảm nhẹ tội.

Với tư cách Giám đốc Công an thành phố, ông Chung hứa cho hắn được gặp vợ con khi về cơ quan công an. Chỉ sau khoảng 10 phút thì Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã thuyết phục được hoàn toàn tên bắt cóc con tin. Hắn đã chấp thuận đi theo ông về trụ sở công an.

Tại trụ sở PC45, Bình tỏ ra chán chường, bất mãn về vấn đề công ăn việc làm. Theo lý giải ban đầu của Trần Thanh Bình, động cơ gây án chỉ vì muốn được gặp vợ con...

Theo Petrotimes
Bình luận
vtcnews.vn