K+ phá liên minh, tự mua bản quyền Ngoại hạng Anh

Thể thaoThứ Năm, 21/04/2016 11:51:00 +07:00

K+ tiếp tục gửi văn bản lên Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đề nghị được tự đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh với MP&Silva.

(VTC News)- K+ tiếp tục gửi văn bản lên Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đề nghị được tự đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh với MP&Silva.

Đây là lần thứ 2, K+ gửi văn bản đề đạt ý kiến tới VNPayTV. Theo K+, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh tình trạng thua lỗ kinh doanh, đơn vị này muốn tự tiến hành đàm phán với MP&Silva theo đúng quy định của pháp luật cũng như định hướng mua bản quyền Ngoại hạng Anh theo hướng tiết kiệm mà Bộ Thông tin&Truyền thông yêu cầu.
Bản quyền Ngoại hạng Anh tiếp tục nóng
 Bản quyền Ngoại hạng Anh tiếp tục nóng
“Với tiềm lực tài chính vững mạnh cùng uy tín, kinh nghiệm đã được các đối tác nước ngoài ghi nhận trong suốt 7 mùa giải vừa qua, việc đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh của K+ sẽ không gặp khó khăn và đảm bảo tuân thủ theo định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin truyền thông và đảm bảo quyền lợi của khán giả truyền hình".

Thực tế, theo chỉ đạo mới nhất từ Bộ Thông tin&Truyền thông, phương án K+ hay bất cứ đài truyền hình nào khác ở Việt Nam có thể đứng ra mua bản quyền Ngoại hạng Anh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong công văn số 1208/BTTTT-PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trên cơ sở các báo cáo và công văn của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam và Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:
Giá bản quyền Ngoại hạng Anh lên đến 80 triệu USD
1. Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh, truyền hình, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong quá trình đàm phán mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh các mùa giải 2016-2019 tiếp tục tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bền vững của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam”.

2. Đề nghị Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam sớm có các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng các cam kết mà Hiệp hội và các thành viên đã thống nhất.

Trong trường hợp không thực hiện được các cam kết đó, Hiệp hội và các thành viên cần thống nhất và sớm có phương án mới trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người xem truyền hình.

3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh, truyền hình, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cần chủ động đa dạng hóa nội dung chương trình truyền hình nói chung, nội dung chương trình truyền hình thể thao nói riêng, tránh phụ thuộc vào bản quyền nội dung một hoặc một số giải đấu và lệ thuộc vào một hoặc một số đơn vị cung cấp bản quyền nội dung nhất định.

Trên cơ sở đó đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của người xem truyền hình trên cả nước.
 MP&Silva từ chối đại diện ban đàm phán Việt Nam với lý do vi phạm quy định của ban tổ chức Premier League về đấu thầu
Như vậy, nếu VNPayTV tiếp tục không tìm được tiếng nói chung với MP&Silva, đồng thời không đưa ra được bất cứ phương án làm việc nào cụ thể với từng đài truyền hình thì khả năng liên minh đàm phán tan vỡ là điều có thể dự đoán được.

Ngoài K+, VTVcab  nhiều khả năng cũng sẽ chính thức bắt tay vào đàm phán với MP&Silva trong thời gian tới.
 K+ mỗi năm trả 100 tỷ tiền lãi vay

Theo thỏa thuận hợp tác giữa VTV và Canal+, K+ đã đạt điểm hòa vốn vào tháng 6/2015, nhưng đến hết năm 2015 kết quả kinh doanh của K+ vẫn lỗ 83 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2015 là 1.979 tỉ đồng.

Vốn hoạt động chủ yếu của K+ là vốn vay (66/86 triệu USD), chiếm 77%. Hiện tại chi phí trả lãi vay của K+ mỗi năm là hơn 100 tỉ đồng.

K+ tính toán, năm 2016 sẽ lỗ hơn 12 triệu USD (tương đương 260 tỉ đồng) và 2017 là lỗ 120 tỉ đồng.


Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn