Internet VN phát triển thế nào trong 5-15 năm tới?

Kinh tếThứ Bảy, 01/12/2012 05:10:00 +07:00

Nhiều nét phác họa cơ bản về sự phát triển Internet tại Việt Nam vừa được ”hé mở” tại buổi tọa dàm diễn ra trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam.

Nhiều nét phác họa cơ bản về sự phát triển cũng như định hướng quản lý Nhà nước về Internet tại Việt Nam vừa được ”hé mở” tại buổi tọa dàm diễn ra trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam diễn ra sáng nay, 1/12/2012, tại Hà Nội.

Thêm nhiều dịch vụ ”xịn” cho người dân

Đại diện các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT, Viettel đều cho biết họ đang tiếp tục đầu tư phát triển thêm nhiều dịch vụ Internet mới để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khát vọng của Viettel là mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc smartphone có thể truy nhập Internet và mỗi gia đình sẽ có 1 đường truy nhập Internet băng rộng (ít nhất 10Gbps). Để góp phần hiện thực hóa khát vọng này, Viettel sẽ tiếp tục theo đuổi câu chuyện đưa Internet đến trường học, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hiện tại, Viettel đang cung cấp dịch vụ Internet cho các trường học, vùng sâu, vùng xa dưới 3 hình thức. Thứ nhất là mạng di động 3G với 24.000 trạm phát sóng, trung bình mỗi xã 1 - 2 trạm, đã phủ sóng trên 80% dân số, mọi người có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 1- 2 Gbps. Thứ hai là cáp đồng, với tốc độ 2 - 10 Mbps. Thứ ba là cáp quang với tốc độ trên 100 Mbps. Riêng với khối trường học, Viettel cung cấp miễn phí dịch vụ Internet cho trên 30.000 trường học, trong đó 20.000 trường bằng 3G và 10.000 trường bằng cáp quang.

TS. Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý Internet, trong đó xác định thời gian tới sẽ thúc đẩy phát triển nội dung, các ứng dụng trên Internet. Ảnh: Thái Anh 

Dự kiến, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 30.000 trạm phát sóng 3G để phủ sóng trên 90% dân số, nâng cấp công nghệ 3G lên 3,75G vào năm 2013, sau khi Bộ TT&TT cấp phép sẽ đầu tư 4G. Với hạ tầng 3G, Viettel sẽ cung cấp được tốc độ 2 – 10Mbps thay cho cáp đồng và không đầu tư cáp đồng nữa.

Về mảng đầu tư phát triển cáp quang, dự kiến đến 2015, Viettel sẽ quang hóa gần như 100% số xã trên cả nước và cung cấp dịch vụ Internet tốc độ siêu cao (tốc độ từ trên 100 Mbps đến hàng chục Gbps) cho các hộ gia đình, kể cả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến 2020, sẽ giúp 70% hộ gia đình có truy nhập tốc độ cao trên 100 Mbps.

Không chịu "thua chị kém em", đại diện cho Tập đoàn VNPT, ông Nguyễn Minh Dân, Thành viên Hội đồng thành viên VNPT cũng khẳng định, suốt 15 năm qua, VNPT đã nỗ lực thiết kế, quy hoạch, đầu tư và xây dựng hệ thống mạng lưới viễn thông Internet dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, dung lượng lớn, phủ khắp lãnh thổ Việt Nam.

Đến nay, đã có trên 3,1 triệu thuê bao Internet băng rộng, trên 10 triệu thuê bao di động băng rộng (3G). Với trách nhiệm là doanh nghiệp đi tiên phong trong triển khai Internet tại Việt Nam, chiếm thị phần khống chế (trên 70% thị trường Internet Việt Nam), VNPT đặt mục tiêu phát triển đến 2015 sẽ trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp lớn nhất cung cấp dịch vụ Internet và dịch vụ viễn thông trên khu vực châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, VNPT sẽ tiếp tục nâng cấp, tối ưu hóa mạng lưới viễn thông, Internet dựa trên kỹ thuật công nghệ hiện đại; tiếp tục triển khai các dịch vụ mới băng rộng trên nền Internet; hướng tới khách hàng, đặc biệt trên các lĩnh vực phục vụ giáo dục, y  tế, nền hành chính điện tử Việt Nam. VNPT sẽ cam kết duy trì chất lượng dịch vụ Internet theo tiêu chuẩn Bộ TT&TT ban hành cả về khía cạnh kỹ thuật và phục vụ chăm sóc khách hàng.

Cùng với sự phát triển của hạ tầng viễn thông, Internet, các dịch vụ, ứng dụng nội dung cho Internet cũng có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian tới. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VNG chia sẻ: Trong năm 5 qua, tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh ”làn sóng” Internet trên máy tính (PC). Trong 5 năm tới sẽ có làn sóng mới là Internet trên điện thoại di động, lúc đó sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư dịch vụ nội dung trên nền tảng di động.

”Hiện tại ở Việt Nam, hầu hết nội dung ứng dụng trên điện thoại di động đều của các công ty lớn trên thế giới. Chưa có nhiều công ty Việt Nam có được sự khởi đầu để phát triển nhanh. Chiến lược của VNG sắp tới sẽ khác với thời kỳ phát triển Internet trên PC. Trên PC thì nội dung có thể mua của nước ngoài hoặc phát triển ứng dụng dựa trên mô hình thành công của nước ngoài. Nhưng trên mobile thì VNG mong muốn tự phát triển ứng dụng của mình, tự tạo ra sản phẩm phục vụ cụ thể cho nhu cầu của người dùng Việt Nam. Đó là đánh cược của công ty trong tương lai Internet Việt Nam 5 năm tới”, ông Lê Hồng Minh khẳng định.

”Đẩy” nội dung, ”siết” an toàn an ninh

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của Internet, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải thay đổi tư duy quản lý theo hướng “quản lý thúc đẩy sự phát triển”.

“Bật mí” về một số chính sách đặc biệt trong lĩnh vực Internet sắp tới, TS. Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý Internet, trong đó xác định thời gian tới sẽ thúc đẩy phát triển nội dung, các ứng dụng trên Internet. Hiện ở Việt Nam đã có hạ tầng hiện đại, băng thông rộng, tốc độ cao, giá cước hạ, nói cách khác là đã hình thành xa lộ thông tin. Nhưng nếu xa lộ đó không có nội dung thì cũng giống như một con đường không có xe cộ lưu thông, không có tác động thúc đẩy sự phát triển.

Định hướng chính sách thứ hai cũng rất quan trọng là sẽ tập trung vừa phát triển môi trường Internet, vừa tạo cơ chế bảo đảm cho hoạt động của các doanh nghiệp, người sử dụng được tiến hành trên một môi trường an toàn an ninh cao nhất.

Ngoài ra, vì Internet là thế giới phẳng, không thể khoanh môi trường Intenret trong nước tách biệt quốc tế, do vậy các cơ quan quản lý sẽ chú trọng tới việc làm sao để có môi trường pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng, vươn ra toàn cầu.

Cũng theo TS. Lê Nam Thắng, để thúc đẩy phát triển Internet, cần áp dụng tổng thể nhiều giải pháp. Chẳng hạn, về biện pháp kỹ thuật, 15 năm trước, chúng ta áp dụng tường lửa, cắt đường truyền… nhưng những cách thức này hiện không còn phù hợp. Ngày nay, biện pháp kỹ thuật phải được thực hiện bởi từng người dân, từng hộ gia đình, doanh nghiệp và toàn xã hội chứ không phải chỉ từ mệnh lệnh hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Về giải pháp hành chính, ngoài việc thúc đẩy phát triển Internet thì cũng phải có biện pháp ngăn chặn tội phạm, hành vi tiêu cực, có chế tài xử phạt nghiêm những hành vi lợi dụng Internet để vi phạm pháp luật hoặc vi phạm lợi ích của xã hội và người dân.

TS. Lê Nam Thắng đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, phải chỉ dẫn cách dùng Internet hiệu quả, sử dụng cho những mục đích tốt để phát huy hiệu quả của Internet.

Theo ICT News

Bình luận
vtcnews.vn