Hy Lạp và bộ ba 'chủ nợ': Ai làm khó ai?

Kinh tếThứ Ba, 03/02/2015 06:44:00 +07:00

Hy Lạp từ chối những khoản tài trợ mới và chống chính sách khắc khổ, còn EU cương quyết không trừ nợ cho Hy Lạp nhưng vẫn mong muốn đạt được thỏa thuận

(VTC News) - Hy Lạp vẫn bất chấp mọi khó khăn tài chính để từ chối những khoản tài trợ mới và tuyên bố sẽ đi theo đường lối chống khắc khổ, song bộ ba "chủ nợ" dù cương quyết không trừ nợ cho Hy Lạp nhưng vẫn mong muốn đạt được thỏa thuận với quốc gia này.

Một tuần đàm phán không hiệu quả


Trong tuần qua sự căng thẳng đã bao trùm lên không khí của các cuộc đàm phán giữa tân Chính phủ Hy Lạp và nhóm chủ nợ Troika gồm 3 tổ chức là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về toàn bộ gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro và khoản cứu trợ tài chính mới 7,2 tỷ euro.

Trong khi chính phủ mới tại Athens đang nỗ lực kêu gọi các chủ nợ giảm một nửa số nợ hiện lên tới 175% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp thì đến ngày 31/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thắn nói rằng: "Tôi không có bất kỳ ý định xóa nợ mới nào cho nước này".

 Thủ tướng Đức Angela Merkel: "Tôi không có bất kỳ ý định xóa nợ mới nào cho nước này" - Ảnh minh họa
Bà Merkel cũng đã chỉ rõ: "Các chủ nợ tư nhân đã tự nguyện giảm nợ, các ngân hàng khác cũng đã giảm hàng tỷ USD cho khoản nợ này của Hy Lạp". Bên cạnh đó các cử tri của Đức cũng có vẻ quyết tâm chống lại sự nhượng bộ hơn nữa trong việc giảm nợ cho Hy Lạp.

Theo một cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 27 – 29/1, 76% người Đức phản đối việc xóa nợ cho Hy Lạp, và phần đông trong số này (54%) ủng hộ việc giữ lại Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chính vì vậy mà phía Đức vẫn nói rằng sẽ tiếp tục "thể hiện sự đoàn kết với Hy Lạp" nếu Hy Lạp chịu tiến hành cải cách và các biện pháp tiết kiệm, thậm chí sẽ sẵn sàng triển khai một gói hỗ trợ tín dụng trị giá lên tới 20 tỷ euro để hỗ trợ nước này.

 Toàn cảnh cuộc họp nội các đầu tiên của tân chính phủ Hy Lạp tại Athens vào ngày 28/1

Tuy nhiên trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" như vậy, chính phủ của tân Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn quyết định từ chối nhận các khoản vay mới từ EU và IMF vốn kèm theo chính sách hà khắc "thắt lưng buộc bụng" đã áp dụng tại Hy Lạp trong suốt 5 năm qua dù khó khăn tài chính đang chồng chất.


Và đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán lại trở nên căng thẳng và phức tạp đến như vậy, trong khi thỏa thuận cứu trợ tài chính hiện tại sẽ chính thức kết thúc vào ngày 28/2 tới.

Lên đường tìm đồng minh mới

Mối quan hệ giữa Hy Lạp và "bộ ba" chủ nợ đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn trước và buộc quốc gia này phải thực hiện chiến lược đầu tiên đó là tìm đến sự trợ giúp từ những đồng minh khác trong khu vực châu Âu. Cả ông Tsipras và Bộ trưởng Tài chính, Yanis Varoufakis sẽ đến thăm Italy vào thứ ba, ghé sang Pháp vào thứ tư và tất nhiên là không có kế hoạch nào cho việc đến Đức.

Thủ tướng Alexis Tsipras 
Việc chọn Paris và Rome là những sân đàm phán trực tiếp đầu tiên mà không thông qua các quan chức của EU có thể bởi Hy Lạp tin rằng chính phủ hai nước này sẽ thông cảm hơn về lập luận của ông Tsipras, rằng chính sách thắt lưng buộc bụng thực sự là một thảm họa cho châu Âu và mức nợ của Hy Lạp đã lên tới 175% GDP là mức không thể chống đỡ nổi.

Mặc dù hiện nay một số quan chức châu Âu cũng biết rõ về điều này nhưng tương lai Hy Lạp vẫn sẽ phải đối mặt với những sự phản đối mạnh mẽ cho bất kỳ một yêu cầu giảm nợ nào.

Vấn đề nằm ở chỗ Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU luôn lo ngại rằng, nếu họ đồng ý giúp Hy Lạp thì các nước khác trong khu vực cũng sẽ tìm đến họ để xin sự trợ giúp cho các khoản nợ
hiện nay của quốc gia mình.

Hy Lạp thực hiện kế hoạch riêng, EU bất an

Ngày 30/1, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz một kế hoạch cải cách quy mô nhằm khôi phục lại tăng trưởng kinh tế mà không cần phải áp dụng các biện pháp khắc khổ của phía các chủ nợ.

Đại diện Nội các Hy Lạp Gavriil Sakellaridis tiết lộ rằng kế hoạch này bao gồm các nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách quản lý nhà nước, triển khai hệ thống thuế ổn định và công bằng trong việc công khai tài sản lớn của người dân.

Người dân Hy Lạp ăn mừng tân Thủ tướng Alexis Tsipras đắc cử ngày 26/1
Ngay sau khi đảng Syriza lên nắm quyền, các bộ trưởng tài chính mới cũng đã ngừng ngay việc tư nhân hóa của hai cảng lớn và tiến tới việc tăng tiền lương tối thiểu lên 751 euro/tháng so với 580 euro/tháng như trước đây.

Nếu như tất cả các kế hoạch của chính phủ mới được thực hiện, họ cũng sẽ nhanh chóng đi đến việc đưa ra một chương trình kích thích kinh tế 13,5 tỷ euro và điều này chắc chắn sẽ vi phạm tới các thỏa thuận cứu trợ tài chính hiện hành.

Người đứng đầu nhóm quản lý khu vực đồng tiền chung euro, Jeroen Dijsselbloem, đã cảnh báo Hy Lạp rằng " việc thực hiện các bước tiến đơn phương hoặc bỏ qua các thỏa thuận trước đó không phải là con đường đúng để đi theo".

Còn Thủ tướng Alexis Tsipras thì luôn tin rằng những thỏa thuận hiện tại là một thảm họa và cho biết các cử tri đã để bạt ông để thay đổi đất nước và thực hiện những điều mà ông đã hứa, đó là đánh dấu chấm kết thúc của chính sách hà khắc "thắt lưng buộc bụng" và giảm được các khoản nợ công của quốc gia.


Tuy nhiên các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ làm mọi thứ có thể để giữ Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung euro. Dù họ không phát biểu công khai nhưng họ vẫn luôn lo sợ rằng Hy Lạp sẽ là sự khởi đầu của một loạt những sự kiện không thể đoán trước làm chao đảo EU và có thể làm tan rã toàn bộ khu vực này.

Chính vì vậy EU cũng sẽ cố gắng để tiến tới một thỏa thuận hợp lý với Hy Lạp khi tình hình cuộc khủng hoảng hiện nay đã thể hiện một cách rõ nét những vết rạn nứt ở khu vực châu Âu, còn Hy Lạp lại đang nổi dậy mạnh mẽ để chống lại những các biện pháp khắc phục khủng hoảng của Berlin.

Huyền Trân
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn