Huyền tích 'giếng cấm' có nước tiến vua ở chùa Báo Quốc

Thời sựThứ Hai, 14/11/2016 15:32:00 +07:00

Trong một ngôi chùa cổ xứ Huế có một giếng gọi là Hàm Long (miệng rồng) vì chưa bao giờ cạn, ngoài ra nó còn có tên gọi khác là “giếng cấm” là nơi lấy nước phục vụ sinh hoạt của vua triều Nguyễn.

Chiếc giếng mà chúng tôi nói đến nằm ở chùa Báo Quốc (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Nơi cung cấp nước dùng cho vua Nguyễn

Một ngày như thường lệ, ông Lụa (70 tuổi) – người thủ am của chùa Báo Quốc lại quét dọn lá rụng xung quanh giếng Hàm Long. Sau đó, ông lặng lẽ thắp hương lên chiếc bia nhỏ được dân địa phương lập lên.

Vừa làm ông vừa nói, giếng nước này đã có từ rất lâu đời, ước chừng cũng hơn 300 nay. Nói xong ông chỉ về tấm bia đối diện với giếng: “Đó, chú lại đó mà coi, lịch sử về giếng có ghi trên đó”.

Tấm bia đá được người làng và chùa Báo Quốc lập từ 2005, có ghi: “Giếng Hàm Long có tên chữ Hán là Hàm Long Tĩnh. Theo bộ Hàm Long Sơn Chí thì Giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674.

anh 1

 Chùa Báo Quốc - một trong những cổ tự bậc nhất xứ Huế

Đáy giếng có đá như hàm rồng. Nước trong đá tuôn ra mát lạnh có vị ngọt nên ngạn ngữ có câu: Giếng Hàm Long trong lại ngọt/Anh thương em rày có Bụt chứng tri.

Theo Đại Nam Nhất Thống chí: Buổi đầu khai quốc, các quan lại triều đình thường lấy nước giếng này để Vua dùng nên lại có tên nữa là Giếng Cấm”.

Ông Ngọc (80 tuổi), một trong số ít những bậc cao niên còn lại của làng Báo Quốc kể: “Hồi xưa, lúc nơi này còn hoang sơ, Tổ Giác Phong, người lập nên chùa Báo Quốc, có lần đi ngang qua thấy có một hốc đá tự nhiên phun lên một dòng nước.

Ngài mới lại gần thì thấy miệng hốc đá rộng như miệng một con rồng, Ngài uống thử nước ngọt và mát lạnh quá nên quyết định dừng chân ở đây. Rồi Ngài mới lập ra một cái am tu, đó là buổi đầu của chùa Báo Quốc”.

Ông kể thêm, giếng này đã có từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, lúc ấy người dân trong vùng ai cũng đến đây gánh nước về dùng sinh hoạt. Nhưng cho đến thời vua Gia Long, lúc bấy giờ nước bên thành bị bẩn đục, các quan lại mới cho người sang đây gánh nước về cho Vua dùng. Từ đó, giếng trở thành Giếng Cấm, người dân không được sử dụng nữa.

Giếng thiêng và sự tích rồng quấy phá vua

Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng, giếng Hàm Long gắn với quá trình hình thành nhà Nguyễn: Khi vua Nguyễn từ Bắc vào Huế (xứ Thuận Hóa) định đô, thì nhiều đêm liên tiếp có một con rồng gây ra mưa gió, quấy nhiễu dân chúng trong vùng.

Vua bèn sai thầy địa lý xem phong thủy thì thầy phán, trước mặt kinh thành có một dãy núi thiêng với nhiều long mạch. Nơi đây hội tụ nhiều sinh khí thinh vượng, để chế ngự con rồng này cần phải mời bậc cao nhân về yểm long mạch. Sau khi mời các thầy về yểm tại nhiều điểm, quả nhiên sau đó không còn rồng quấy phá vua nữa. Từ đó, dãy núi đó được đặt tên là Bình An Sơn.

Khi người ta đào giếng để lấy đá thì đào đúng viên đá dẫn lộ xuống mạch nước ngầm, vì đá quá giống miệng con rồng nên người ta đặt tên là Hàm Long. Trên tấm bia ở giếng có hình tượng một con rồng uốn lượn, mạnh mẽ uy nghi. Điều trùng hợp là trên các mái của chùa Báo Quốc cũng có những hình tượng rồng, thấp thoáng câu chuyện rồng dữ quấy phá nhà vua năm xưa.

anh 2

Giếng Hàm Long xưa tương truyền còn gọi là "Giếng Cấm" vì là nơi lấy nước tiến cung phục vụ việc sinh hoạt của vua. 

Những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, giếng Hàm Long đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Vì địa thế cao của mình, chùa Báo Quốc trở thành nơi để giặc cất giữ vũ khí và đóng quân. Biết nước giếng Hàm Long ngon ngọt, chúng đã biến nới đây thành ô uế vì những phế phẩm trâu bò bị vứt lại sau khi cướp của dân về mổ xẻ.

Thỉnh thoảng, chúng bắt người về tra tấn, hành hạ ngay bên cạnh giếng. Dần dần, không biết vì lý do gì mà bọn giặc cứ bị bệnh, rồi chết một cách bí ẩn. Câu chuyện đó được người làng truyền tai nhau đến tận hôm nay.

 Giếng Hàm Long quanh năm không bao giờ cạn, kể cả hạn hán và bốn mùa đều trong xanh, mát ngọt. Nếu dùng để nấu cơm thì cơm rất ngon, nếu dùng để nấu nước chè uống thì có vị rất thơm. Dù cho mưa gió, lũ lụt thế nào, giếng nước cũng chẳng bao giờ vẩn đục.

Những ngày mùng một, ngày rằm hay lễ Tết, người ta lại đến thắp hương và gánh nước về. Người dân quan niệm, nước quý từ giếng thiêng mang về rửa đồ cúng thờ tổ tiên, ông bà, sẽ thể hiện được lòng thành và được phù hộ an lành.

Ông Ngọc nói khi chúng tôi chia tay: “Nói theo tín ngưỡng từ xưa đến nay thì vậy, nhưng thật ra, nói theo khoa học có thể là do địa hình núi Hàm Long trên cao, mạch nước đổ xuống. Nhà tui cũng có đào 1 cái giếng, sáng ra bơm tưới cây đến cạn thì trưa nó lại đầy lại như cũ. Nhưng giếng ni mạch nước tốt nên không bao giờ khô”.

Dù vậy, có một điều chắc chắn, giếng Hàm Long có thể coi là minh chứng lịch sử từ thời chúa Nguyễn lập quốc cho đến nay một cách trung thực và không thể lãng quên.

Video: Giếng nổi váng đen kịt, bốc cháy ngùn ngụt ở Quảng Ninh

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn