Huyền thoại hang dơi lớn nhất miền Bắc

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 20/02/2012 05:07:00 +07:00

Ít người biết rằng, giữa những dãy núi đá vôi sừng sững miền quê Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có một hang dơi lớn nhất miền Bắc

Ai cũng biết, Lạng Sơn vốn nổi tiếng với những phong cảnh đẹp như tranh, những món ăn ngon đến rớt lưỡi và cả những người đẹp đến mê hồn đã đi vào ca dao tục ngữ. Nhưng ít người biết rằng, giữa những dãy núi đá vôi sừng sững miền quê Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) lại có một hang dơi lớn nhất miền Bắc. Đằng sau vẻ đẹp hoang sơ vốn có của hang động được thiên nhiên ban tặng này là những câu chuyện có thật xen lẫn màu huyền thoại được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay.

Đất lành… dơi đậu

Với người dân xã Tân Lập, hang dơi không tên là một nơi rất đỗi quen thuộc nhưng chẳng ai biết rõ nó tồn tại ở đó từ khi nào.  Nhưng có một điều mà ai cũng tự hào khi giới thiệu, chiếc hang là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Anh thanh niên đưa chúng tôi băng qua cánh đồng làng và trèo qua một con dốc mới lên tới được cửa hang. Nhìn từ xa, miệng hang lớn bằng một ngôi nhà năm gian. Đi sâu vào trong, cảm giác đầu tiên là hỗn hợp mùi của chất phốt pho cộng với amoniac nồng nặc xộc thẳng vào mũi từ phân trộn lẫn nước tiểu của dơi. Những âm thanh lạ của dơi phát ra, tiếng nước chảy, tiếng gió rít mạnh trên đỉnh làm cho hang dơi vốn hoang sơ càng trở nên kỳ bí.

Theo ước đoán, hang dơi rộng chừng 3 hecta, chiều cao khoảng 150m, ăn sâu vào trong lòng một quả núi. Phải mất hơn 30 phút luồn lách, chúng tôi mới lên đến một bãi nền bằng phẳng của hang. Bốn bên hang dơi rộng lớn này là những bức tường bằng đá vôi, có nơi nhẵn bóng, nơi có rất nhiều nhũ đá với hình thù hoa văn rất đẹp.

Theo lời các cụ cao niên trong làng, ngoài tầng giữa mà chúng tôi có dịp đến thăm, hang dơi còn hai tầng nữa: Một tầng thượng trên cùng vốn có tên gọi là “sân Vua”, nhưng chưa một lần có ai dám trèo lên. Một tầng ngầm với nhiều đường xuống là những “chiến hào”, “thành lũy” được ví như một trận đồ bát quái nên cũng chẳng ai dám xuống.

Cụ Ban Văn Mình năm nay đã xấp xỉ 80, chuyện về hang dơi cụ đều nắm rõ như trong lòng bàn tay. Cụ Mình khẳng định với chúng tôi con dơi chưa bao giờ sai hẹn. Năm nào cũng vậy cứ đến dịp độ trước Tết Thanh minh 3 ngày là dơi lại bay về.

Sẽ có một vài con dơi bay về trước như để thăm dò, xem xét tình hình. Khi đến cửa hang chúng chưa vào hang liền mà bay lượn mấy vòng trên đầu quả núi nơi sát cửa hang rồi tối đến mới vào hang. Sáng hôm sau đàn dơi lại lượn đi mất. Rồi đúng ba ngày sau, bất ngờ cả đàn dơi lớn từ đâu kéo về dài dằng dặc nối đuôi kéo nhau bay vào hang.

Đàn dơi đông đến nỗi phải mất hơn 4 giờ đồng hồ chúng mới bay được hết vào hang. 17 giờ mỗi ngày, từ miệng hang động rộng lớn chúng lại bắt đầu cuộc hành trình kiếm ăn đêm. Khi đó, chúng phát ra những âm thanh như dàn chiến đấu cơ, cả một vùng trời của khu vực ấy xám xịt lại. Đàn dơi đến trú ngụ tại hang động bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 thì chúng lại bắt đầu di cư đến một nơi khác.


Theo ông Dương Bá Lộc, là một người đã gắn bó với hang dơi suốt một thời gian dài nhận định, đây là một loài dơi biển chuyên ăn các phù sa, các sinh vật biển vì khi người dân lấy phân dơi thì phát hiện trong phân có đầu tôm, râu tôm. Loài dơi biển này có đặc điểm là lớn hơn các loài dơi khác như dơi ăn muỗi, dơi ống (dơi chuyên sống trong các ống cây), dơi ăn quả.

Có một điều kỳ lạ, nhiều đời nay người ta chỉ biết đàn dơi đến đây trú ngụ nhưng không hề biết chúng đến từ đâu và sau đó sẽ bay về đâu. Cho đến tận bây giờ, nguồn gốc của những con dơi vẫn chỉ là sự đồn đoán của những người ưa hiếu kỳ.

Những huyền thoại quanh hang dơi lạ

Ông Dương Bá Lộc nói với chúng tôi: “Hang dơi thiêng và kỳ bí lắm. Có mà ngồi kể cả ngày cũng không hết được chuyện”. Là con của mảnh đất này, từ nhỏ cậu bé Lộc đã theo cha vào hang để hốt phân dơi, săn chim nhạn. Lớn lên, vào những năm 1950, ông may mắn được cử vào làm công nhân xây dựng và vận chuyển vũ khí ở hang dơi.

Vì nơi đây là núi non hiểm trở lại có lợi thế về chiến lược quân sự nên vào những năm đó quân đội ta lợi dụng vào hang đá này làm chỗ chứa, cất giấu vũ khí bí mật. Nhưng phân dơi và nước tiểu của dơi nhiều, hang lại có nước nên độ ẩm rất cao nên việc cất giấu vũ khí của quân đội ta chỉ được một thời gian và phải chuyển sang nơi khác.

Xung quanh hang động này có biết bao nhiêu câu chuyện thật xen lẫn những câu chuyện ẩn chứa màu sắc huyền thoại. Ông Lộc kể lại rằng, ngày xưa trước cửa hang này có một cột tháp sen do bột đá lâu ngày tích tụ lại mà có, thành các các nhũ đá rất đẹp. Sở dĩ gọi là cột tháp sen vì trên trên đỉnh cột đá ấy có những nhũ đá tạo thành hình thù giống hệt như một bông hoa sen nên người dân vẫn thường gọi là tháp sen. Cột tháp sen cao độ gần 10m.

Trong lòng hang đá rất rộng lớn nên có ao, có ruộng. Lại nhắc về cái tầng thượng trên đỉnh hang động này, phần do độ cao phần vì thiếu ánh sáng nên đứng từ dưới nhìn lên không thể thấy rõ được bất kỳ một vật gì. Từ xưa đến nay chưa có một ai đặt chân lên đến được tầng thượng.

Ông Ban Văn Mình nói rằng, theo lời cha ông kể lại thì nơi đây có “sân vua”, và có bàn cờ, cả cối xay được đan bằng tre nữa. Là người nắm tương đối rõ về hang dơi này, ông Mình cho biết, khi còn nhỏ, ông cùng với lũ bạn trong làng thường hay chăn trâu phía dưới cánh đồng cạnh hang dơi rồi rủ nhau vào hang để nghịch ngợm, lấy phân dơi đốt lửa cháy bùng lên. Đây là một trò chơi rất thích thú của đám trẻ con hồi đó.

Độ ấy, cứ tối đến ông Mình lại đốt đuốc rủ thêm mấy người lên tận hang dơi để bắt chim nhạn. Như lời ông Mình thì tượng tiên gồm có ba bà, tượng bà bằng đá trắng phau có dáng ngồi đang hướng mặt nhìn vào hang. Những ai “khéo nhìn” thì mới thấy được. Mỗi khi có ánh sáng hay chiếu thẳng đèn pin vào đấy thì sẽ thấy 6 tia sáng phản quang phát ra từ 3 bức tượng. Đó chính là 6 con mắt của ba bà đang nhìn thẳng nên nó phản chiếu lại.

Đi sâu vào phía cuối hang sẽ có những nhũ đá lớn trông giống hình con voi, con hổ. Nhiều người bảo rằng trước mặt tảng đá hình con hổ ấy có một con lợn đá to bằng một căn nhà. Con lợn đá cũng được hình thành từ những nhũ đá rơi xuống và tích tụ lâu ngày. Trước mặt con lợn đá ấy có một tảng đá rất giống một cái máng cho lợn ăn lúc nào cũng có đầy nước.

Cách chỗ con lợn đá chừng 50m, có một cái hang nhỏ, cửa hang thông đi đâu thì người dân không ai biết. Đây được gọi là hang Cháy. Tên gọi hang Cháy xuất phát từ việc người dân hay lên chỗ hang này để lấy đất, đá về nấu thành bột diêm (chất dễ cháy) vì nơi này có rất nhiều phân dơi và nước tiểu dơi lâu ngày ngấm vào nên hàm lượng phốt pho rất cao. Tiến sâu lên một chút, phía bên tay phải từ cửa hang vào chúng tôi nhìn thấy có những thửa ruộng bậc thang, dường như qua thời gian nên những thửa ruộng này đã bị bào mòn dần giờ chỉ còn lại dấu tích mờ nhạt.

Đến những năm 1990, người dân nơi đây phát hiện ở một cửa hang mới có cả vỏ ốc. Ước tính số vỏ ốc ấy phải đến độ 7 – 8 xe công nông mới chở hết. Nhiều người dân đặt ra giả thiết rằng xưa kia nơi đây đã từng có một nhóm người nào đó sinh sống. Có thể do chiến tranh loạn lạc nên họ kéo nhau lên đây lánh nạn, vì thiếu cái ăn và ngay cạnh dưới dãy núi này có một dòng sông nên rất có thể họ xuống sông mò cua bắt ốc về làm thức ăn qua ngày.

Còn các cụ cao niên trong làng đinh ninh rằng Hoàng Hoa Thám ngày xưa chọn nơi đây làm nơi ẩn trú cho cả nghĩa quân Yên Thế hoặc là Cụ Đề Thám đã chọn chiếc hang này làm nơi lánh nạn, cố thủ. Đó chính là những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền thoại nhưng cũng đậm nét văn hóa nơi địa phương có đa số đồng bào người Nùng sinh sống.

Còn những câu chuyện đã xảy ra cách đây khoảng ngót nửa thế kỷ là chuyện có thật. Ông Mình còn nhớ như in, năm đó là vào mùa hè trăng sáng vằng vặc, chính tại hang dơi này đã có 8 người chết cùng một lúc. Chuyện là trong hang rộng lớn vốn là nơi trú ngụ của loài dơi từ bao đời thì hang còn có chim nhạn về đây sinh sống.

Chính vì thế, nghề săn chim nhạn ở đây đã trở thành kế sinh nhai của nhiều người. Cứ tối đến, người dân lại đốt đuốc vào hang để săn chim. Những tảng đá to hiểm trở nằm cheo leo trên các ngóc ngách trong hang là chỗ trú ngụ lí tưởng cho chim nhạn.

Có một lần, lũ trẻ gồm 8 đứa rủ nhau đến đây soi chim vào ban đêm thì bất ngờ một tảng đá lớn nơi chúng đang đứng sập xuống tầng dưới cùng của hang. Thế là 8 đứa trẻ kém may mắn ấy mãi mãi nằm sâu dưới lòng đất đá. Vì tảng đá quá lớn, tầng dưới của hang lại sâu hoắm nên dù tìm bằng mọi cách cũng không thể cứu được những đứa trẻ xấu số.

Sau vụ tai nạn đáng thương ấy, nhiều đứa trẻ may mắn còn sống sót nhưng không có cách nào để lên được, thế là dân làng bèn nghĩ cách mang những ống cây mai to rồi chắp nối lại với nhau thọc sâu xuống dưới hang để đổ cháo, thức ăn xuống nhằm kéo dài sự sống cho chúng. Tuy nhiên hơn một tuần sau do đói khát và thiếu ôxi nên không ai còn sống sót.

Tại hang dơi này hầu như năm nào cũng có người bị chết, đa số là thanh niên hoặc là trẻ nhỏ. Những cái chết đến bất ngờ và tất cả đều do sơ ý, thiếu chủ quan khi đi săn chim nhạn, lấy phân dơi hay bắt dơi về làm thịt.

Cả làng “sống nhờ” dơi

Từ bao đời nay người dân xã Tân Lập sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cây trồng chính nơi vùng đất này là cây lúa. Ngoài ra còn có cây hoa màu và cây ăn quả như cây na. Phân dơi rất tốt có hàm lượng phốt pho, đạm cao nên rất tốt cho cây trồng, gây xốp đất và giúp cây trồng kéo dài thêm thời vụ tăng thu nhập cho dân.

Vậy nên, người dân nơi đây đã sớm biết vào trong hang lấy phân dơi về bón ruộng, bón cho cây trồng. Người dân còn lấy cả phân dơi, lấy đất trong cái hang dơi khổng lồ ấy về chế tạo thành thuốc súng để làm đạn đi săn bắn. Có dạo, một số thương gia Trung Quốc sang tận nơi để thu mua phân dơi với giá rất cao.

Nói là cả làng sống nhờ vào dơi thì nghe có vẻ hơi khoa trương nhưng đó là sự thật, là những gì mà chúng tôi được mắt thấy tai nghe. Chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Văn Sơn, người có thâm niên đến nay đã hơn 30 năm chuyên đi lấy phân dơi về bán.

Ngôi nhà ngói khang trang, nền lát gạch hoa, có ti vi và cả tủ lạnh. Ông cho biết đó là công sức từ việc quét nhặt những hạt phân dơi nhỏ bé ấy. Mỗi tháng, số tiền tích cóp được từ việc bán phân dơi ông Sơn đều dành dụm để gửi lên cho hai cô con gái hiện đang học Đại học trên Hà Nội.

 “May mà có cái hang dơi này nên dân ở đây có thêm thu nhập. Bây giờ trông vào mấy cây lúa, cây ngô cũng chỉ đủ ăn là may mắn lắm rồi” – ông Sơn nói. Chúng tôi thắc mắc, cả làng mưu sinh bằng nghề lấy phân dơi mang đi bán xây được nhà, mua được xe máy và các vật dụng đáng giá trong nhà. Vậy phân dơi ở đâu mà lắm thế?

Hang dơi từ bao đời nay nuôi sống nhiều hộ gia đình.

Điều này được ông Ma Văn Khang, người cùng làng với ông Sơn giải thích. Đàn dơi có số lượng đông đến triệu triệu con như thế, hơn nữa thời gian chúng trú ngụ tại hang bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9. Như vậy là có đến 6 tháng dơi sống ở trong hang, sau khi dơi chuyển đi chỗ ở mới thì dân làng bắt đầu mới khai thác phân dơi mang bán.

Thật kỉ lục, lượng phân sau khi đàn dơi bỏ đi đủ cho nhiều hộ dân khai thác chừng 6 tháng cho đến khi đàn dơi quay lại đúng vào thời điểm trước đó. Để ai cũng được đến hang lấy phân dơi một cách đồng đều, người dân bèn cắt cử người ra trông coi và ghi danh sách từng người lần lượt thay nhau. Cứ như thế ai rồi cũng đến lượt, ai cũng có phần.

Để “kiểm chứng” những lời ông Ma Văn Khang, chúng tôi có mặt ở hang dơi tầm 10 giờ sáng và thực sự ngạc nhiên trước cảnh tượng diễn ra ngay trước mắt. Vừa bước chân vào hang đã nghe tiếng xúc, tiếng leng keng xẻng của mấy người đang đóng phân dơi vào bao. Trước mắt chúng tôi là la liệt những bao tải chứa đầy phân dơi chất thành từng hàng ngay ngắn.

Qua câu chuyện với anh Hứa Văn Dũng, người đang thoăn thoắt khâu miệng những chiếc bao, được biết trung bình một thanh niên từ sáng đến trưa có thể thu được 20 bao phân dơi (bao 17kg). Mỗi bao phân dơi với trọng lượng trên, ở thời điểm hiện tại bán với giá 85.000 đồng.

Thường thì phân dơi mang bán cho những người trồng rau màu, người trồng lúa. Những năm gần đây, những người trồng na sát những dãy núi đá vôi ở làng Bành gần đó thường hay đến mua. Đối với cây na trồng trên đất đá vôi có tác dụng làm xốp đất, cho quả to và đẹp. Chính vì thế phân dơi rất được ưa chuộng.

Dù nguồn lợi mang lại từ phân dơi cho giá trị kinh tế, thu nhập cao nhưng những năm gần đây không ít người dân làng Đồng Sinh đã nghỉ hẳn nghề lấy phân dơi, chỉ còn lác đác vài người còn theo nghề bởi đây là một nghề hết sức nguy hiểm. Muốn thu được phân dơi thì phải leo trèo độ cao cả chục mét nơi những vách đá cheo leo.

Chính vì thế ở hang dơi này từ trước đến nay đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm làm chết nhiều người. Thứ nữa là những ai tiếp xúc, mưu sinh nhiều trong hang dơi do thường xuyên phải ngửi mùi phốt pho nên rất độc hại cho cơ thể nên đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến dân không còn theo nghề lấy phân dơi nữa.

Dù vậy cho đến tận bây giờ, những sự tích, những câu chuyện huyền bí vẫn sống mãi với đồng bào dân tộc nơi đây. Họ lấy và xem hang dơi và những con dơi như là một thứ “đặc sản” mà tạo hóa đã ban tặng riêng cho vùng đất linh thiêng này để dạy con cháu biết bảo vệ và nâng niu chúng.

Bắc Lạng - cand


Bình luận
vtcnews.vn