'Hừng đông': Khi cải lương tìm được tiếng nói chung với âm nhạc đường phố

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 10/01/2016 08:22:00 +07:00

Hừng đông là tiếng nói chung giữa Cải lương truyền thống với âm nhạc đường phố hiện đại.

(VTC News) - Tác giả Hoàng Song Việt - người chuyển thể vở 'Hừng đông' từ kịch bản văn học lên sân khấu Cải lương: "Hừng đông" là tiếng nói chung giữa Cải lương truyền thống với âm nhạc đường phố hiện đại.

- Được biết, anh là tác giả chuyển thể từ kịch bản văn học lên sân khấu cải lương cho vở “Hừng đông”, cái khó nhất để vừa trung thành với lịch sử, với loại hình nghệ thuật mà vẫn đưa được cái hay, cái mới vào tác phẩm là gì thưa anh?

Để đưa được cái hay, cái mới vào vở diễn không khó, mà cái khó nhất là làm sao để công chúng đồng tình và chấp nhận cáo mới ấy. Riêng vở “Hừng đông” là tác phẩm về đề tài cách mạng, lại là thời lịch sử cận đại, rất gần gũi với thế hệ chúng ta, phải hư cấu thế nào cho mềm mại vừa đủ, phù hợp với khán giả trẻ.

Nếu trung thành với nguyên tác, với tiến trình lịch sử quá, thì vở diễn sẽ trở nên khô cứng, nếu hư cấu quá, sẽ làm thay đổi bản chất kịch bản gốc.

Vậy nên cần dung hòa được hai yếu tố đó, để vừa không ảnh hưởng tới lịch sử, vừa mượt mà, lôi cuốn khán giả hiện đại.
 hừng đông

- Anh làm như thế nào để giải quyết được khó khăn đó trong quá trình chuyển thể?

Có rất nhiều cách để mềm mại hóa kịch bản lấy cảm hứng từ lịch sử, trong đó có việc tôi cùng đạo diễn và tác giả của kịch bản gốc tìm tòi phương thức thể hiện.

Làm sao để chọn được những phương thức thể hiện mới mẻ, mà vẫn phù hợp, hòa quyện với nền cải lương truyền thống.

Qua quá trình trao đổi, tôi nắm bắt được đạo diễn họ có tư duy gì mới, trên cơ sở những ý tưởng đó, mình sẽ đặt bài ra sao, cấu trúc như thế nào để truyền tải được hết ý nghĩa mà tác phẩm đặt ra.

Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều, chỗ nào chưa phù hợp sẵn sàng làm đi làm lại, để cuối cùng cho ra đời một tác phẩm tương đối hoàn chỉnh, cả về chất lượng nghệ thuật và thị hiếu thưởng thức của khán giả.

- Đây là tác phẩm thứ 3 của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ được anh chuyển thể lên sân khấu cải lương, anh có sợ gặp lại chính mình trong những vở diễn trước đó?


Cùng một tác giả văn học, cùng một tác giả chuyển thể kịch bản, chắc chắn sẽ có những sự trùng lặp nhất định. Nhưng nếu mọi người để ý sẽ thấy, mỗi tác phẩm của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ là một đề tài mới.

“Chuyện tình Khau Vai” là câu chuyện tình yêu của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, “Mai Hắc Đế” là cả tiến trình giai đoạn lịch sử, còn “Hừng đông”xây dựng hình ảnh người chiến sĩ cách mạng ở thời cận đại.

Thế nên, chúng tôi tự tin rằng, mỗi vở diễn là tiếng nói riêng, không trùng lặp với bất cứ tác phẩm nào trước đó.

- Điều khiến anh hài lòng nhất sau khi vở diễn được công diễn là gì, thưa anh?


Tôi hài lòng nhất với cách thể nghiệm những loại hình mới vào cải lương truyền thống. Vì đề tài lịch sử cách mạng, lại là thời kì cận đại, gần gũi với ngày hôm nay nên không thể hư cấu quá đà. Nhưng đạo diễn đã khéo léo giải quyết được nỗi lo đó.

 

Điểm nhấn thú vị là sự kết hợp của nhóm nhạc đường phố vào vở diễn Cải lương.
 
Nếu những vở trước kia làm ở phía Nam, có thể mượn đề tài lịch sử để xây dựng những bản anh hùng ca, hay nhân vật chủ yếu mang tính tư tưởng, thì ở “Hừng đông” hoàn toàn khác, mốc thời gian, diễn biến lịch sử và nhân vật đều rất gần.


Tôi rất mừng khi đạo diễn tìm được cách khai thác tương đối mới mẻ, và tìm được chất liệu để hòa nhập cảm xúc của khán giả vào vở diễn.

Điểm nhấn thú vị là sự kết hợp của nhóm nhạc đường phố vào vở diễn. Ban đầu tôi hơi băn khoăn, vì hai thể loại tưởng chừng không liên quan khi kết hợp với nhau sẽ như thế nào?

Nhưng khá bất ngờ, khi chính chi tiết này đã giúp các bạn trẻ có nhận thức đầy đủ hơn về một giai đoạn lịch sử và các nhân vật lịch sử trong đó.Cũng chính từ đó, các bạn trẻ đưa vào hoạt động của mình ngoài cuộc sống, sự cộng hưởng với loại hình nghệ thuật dân tộc Cải lương.
 hừng đông
Đạo diễn trao đổi cùng các diễn viên trong một buổi tập (Ảnh: Thúy Hiền)

- Anh có hy vọng vở diễn sẽ được công diễn ở phía Nam, cái nôi của nghệ thuật cải lương, để khán giả có dịp làm quen với những thể nghiệm của sân khấu phía Bắc?


Tôi rất muốn “Hừng đông” được biểu diễn tại phía Nam , cũng như “Chiến Binh” của phía Nam cũng ra Bắc biểu diễn trong đợt này, sự giao lưu trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau là vô cùng cần thiết.

Thêm nữa, khán giả hai miền được xem và biết được rằng, có những thể nghiệm mới như thế nào trong Cải lương truyền thống của hai miền, giúp làm phong phú sự thưởng thức nghệ thuật của người xem.


Xin cảm ơn anh!
 
Vở cải lương "Hừng đông" do tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt; đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc NSƯT Trọng Đài; thiết kế mỹ thuật họa sĩ Doãn Bằng; chịu trách nhiệm cổ nhạc NSƯT Hoàng Đạt, Sỹ Hùng; thể hiện ca khúc NSƯT Mai Hoa và chỉ đạo nghệ thuật Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Nguyễn Xuân Vinh... thực hiện

Vở cải lương “Hừng đông” khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu cùng đồng chí, đồng bào ta thời kỳ đấu tranh oanh liệt thành lập Đảng vận động, tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng những năm đầu thập niên 20 đến thập niên 40 của thế kỷ 20.

Tập thể diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam đã tái hiện hình ảnh người chiến sĩ cách mạng một cách chân thực, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

An Yên (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn