Hợp tác, xây dựng quy trình sản xuất sinh khối cây dược liệu lan gấm

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 27/09/2017 13:30:00 +07:00

Cây lan gấm (Anoectochilus sp) còn gọi là cây kim cương, kim tuyến, mộc sơn thạch, đặc biệt, chi lan gấm Anoectochilus formosanus Hayata có giá trị dược liệu và thương mại cao trên thế giới.

anh1-caylangam

Lan Gấm (Lan Kim Tuyến, Cỏ Nhung ) được coi là “Vua Thảo Dược” trên thế giới. Trong Đông y, Lan Gấm là một loại dược liệu quý dùng chữa lao phổi, ho do phế nhiệt, đau lưng, phong thấp, chữa các bệnh viêm khí quản, tiêu viêm giải độc. 

Việc xây dựng quy trình sản xuất sinh khối dược liệu cây lan gấm này sẽ góp phần tạo chuỗi giá trị nghiên cứu, tiến đến hình thành nhiều sản phẩm cuối cùng mang tính thương mại cao.

Được biết, đây cũng là kết quả được nghiên cứu thành công của đề tài: “Xây dựng quy trình sản xuất sinh khối cây lan gấm (Anoectochilus formosanus Hayata) có hoạt tính sinh học bằng kỹ thuật nuôi cấy mô trên môi trường lỏng" do ThS. Đỗ Đăng Giáp, Phòng TNTĐ phía Nam về Công nghệ tế bào thực vật - Viện Sinh học nhiệt đới làm chủ nhiệm, nhằm mục tiêu sản xuất sinh khối cây lan gấm có hoạt tính sinh học, an toàn về dư lượng hóa chất, sản xuất nhanh và quy mô lớn.

Bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, đề tài đã xác định được môi trường nuôi cấy mô Albert thích hợp cho sự nhân nhanh sinh khối cây lan gấm với chiều cao cây đạt 10,13cm; khối lượng tươi đạt 2,43g và khối lượng khô đạt 0,3 g.

Vai trò của hàm lượng đường sucrose, ánh sáng, mật độ kết hợp thể tích nuôi cấy cũng được nghiên cứu. Đường sucrose được bổ sung vào môi trường với hàm lượng 30 g/l và cường độ chiếu sáng 26,20 μmol.m-2.s-1 là tối ưu cho việc nhân nhanh sinh khối cây lan gấm. Thể tích môi trường nuôi cấy của mỗi bình nuôi cấy là 100 ml với 10 mẫu cấy là thích hợp cho cây lan gấm phát triển.

Ngoài ra, đề tài cũng đã tiến hành các khảo nghiệm về hoạt tính sinh học của sinh khối cây lan gấm như hoạt tính kháng oxy hóa, hoạt tính kháng khuẩn, thu được kết luận: có chất trong cây lan gấm có thể sử dụng nhằm kiểm soát hoạt động của một số vi khuẩn gây bệnh ở người.

Các kết quả thu được ở đề tài này củng cố thêm cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn khi khảo sát tiếp tục các hoạt tính kháng khuẩn của cây lan gấm; chỉ ra rằng có thể ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô cho việc tạo sinh khối sạch cây lan gấm để làm nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng hay thuốc. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá vào tháng 2/2016.

Từ những kết quả thu được của đề tài, Phòng TNTĐ phía Nam về công nghệ tế bào thực vật - Viện Sinh học nhiệt đới đang phối hợp với Sở KHCN Tp.Hồ Chí Minh và công ty Thế giới Gen - Khu Công nghệ cao Tp.HCM tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm từ nguồn sinh khối dược liệu lan gấm, góp phần phục vụ cuộc sống.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn